Thư châu Âu: Đứng lại, để được đi nhanh hơn

04/04/2016 12:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,    

Xếp hàng, hoặc cụ thể hơn, trong trường hợp này, đứng như thế nào trên thang cuốn, hóa ra không chỉ là một vấn đề đối với những nước không có văn hóa xếp hàng như ta, mà còn là một thứ hơi rắc rối ở cả các nước văn minh.

Ở Ý và Pháp, nơi những hàng người rồng rắn xếp hàng dằng dặc để vào các bảo tàng và di tích nổi tiếng là một cảnh thường thấy hàng ngày, người ta luôn đưa ra các cách làm thế nào để có thể tránh xếp hàng (chứ không phải chen hàng), từ việc hoặc đến thật sớm, hoặc phải trả một mức phí nào đó cho các loại thẻ đặc biệt mang tính ưu tiên để được vào nhanh hơn.


Người dân Pháp xếp hàng mua đồ

Nhưng ở Anh, nơi mà sự kiên nhẫn gần như có thể được coi như một môn nghệ thuật, người ta không cảm thấy mình thiếu may mắn nếu phía trước đã có một hàng dài. Một số nhà tâm lí từng cho rằng, đến cuối cùng trong hàng thực ra cũng là một cách để khẳng định rằng, mình đang ở chỗ hợp lí nhất có thể, nếu xét việc có rất nhiều người khác đã đến trước mình.

Nhưng bây giờ, ở London, người ta đang tiến hành thử nghiệm một cuộc cách mạng. Ở nhà ga tàu điện ngầm Holborn, người ta không thể đi lại trên thang cuốn được nữa, mà ai ở đâu trên thang cuốn thì đứng ở đó, thành hàng cứ hai người một. Thử nghiệm sẽ được kéo dài trong thời gian 6 tháng, và nếu thành công, sẽ được áp dụng ở nhiều ga khác, và rồi chưa biết chừng, sẽ lan ra khắp thế giới văn minh.

Xem ra có vẻ ngược đời, khi nghĩ rằng, bạn đứng lại mà bạn lại đi nhanh hơn là đang bước trên thang. Nhưng đấy là một tính toán đầy hiệu quả nhằm tận dụng các khoảng trống trên thang cuốn để có thêm nhiều người di chuyển xuống ga hoặc lên khỏi ga metro.

Hiện tại, ở London, người ta vẫn quy định rằng, những ai không vội sẽ đứng ở bên phải thang cuốn, nhường đường cho những ai muốn đi, thậm chí chạy, dùng không gian ở bên trái.

Người Anh được coi như là những người đã "sáng tạo" ra việc xếp hàng. Xếp hàng trở thành một ví dụ mang tính biểu tượng cho sự tôn trọng lẫn nhau và là hình ảnh của một xã hội kỉ cương và trật tự. Một hệ thống metro có tới 4 triệu lượt người đi lại hàng ngày như London cần phải được tổ chức kĩ càng đến từng chi tiết, trong đó có cả việc di chuyển bằng thang cuốn. Có những cái thang cuốn rất dài, và ga Holborn, nằm ở trung tâm thành phố, là dài nhất.

Các giáo sư của Đại học Greenwich thậm chí đã tính toán rằng, việc để hai người cùng đứng trên một bậc thang cuốn sẽ giúp trung bình mỗi giờ di chuyển trên thang dài 24 mét này được 16.220 người vào giờ cao điểm, tức là tăng 30% so với cách cũ, nghĩa là người đứng thì sang làn phải, người vội được dành riêng làn trái.

London không phải là nơi duy nhất tiến hành "cách mạng xếp hàng" trong metro. Mùa hè năm ngoái, ở Tokyo và Hong Kong, người ta cũng đề nghị các hành khách xuống thang cuốn lên bậc thang và sau đó không di chuyển.

Tuy nhiên, mục đích không phải là để tiết kiệm thời gian mà để tránh va chạm, khiến người này ngã vào người kia. Mặc dù vậy, giải pháp này không được nhiều người ủng hộ, bởi người ta không quen với việc đứng yên một chỗ. Sức ép của cuộc sống và công việc luôn khiến người ta chạy đua với từng phút trên các phương tiện công cộng để đến trường, đến công sở hoặc trở về nhà.

Thư châu Âu: 'Bạn không xếp hàng, tôi không bán cho bạn'

Thư châu Âu: 'Bạn không xếp hàng, tôi không bán cho bạn'

Một cô bán hàng người Ba Lan trong tiệm thức ăn nhanh ở Warsaw đã nói như thế với một nhóm hai ba du khách châu Á chen ngang các khách hàng đang đứng rất trật tự trước quầy.


Tôi đã từng trải qua cái cảm giác hối hả đó hồi còn đi học ở Singapore, lúc nào cũng thấy mình bị cuốn vào những dòng người dường như vô tận ở những ga tàu điện ngầm, những bến xe bus, hối hả chạy đua với thời gian từ sáng cho đến đêm. Nhưng cái cảnh mất trật tự, chen chúc xô đẩy, dù người đông đến mấy vào giờ cao điểm ở những ga trung tâm.

Ở mình, người ta đã nhiều lần nói đến việc sẽ lập nên những hệ thống metro ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, coi đó như là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tải áp lực của giao thông trên mặt đất, vốn ngày càng trở nên hỗn loạn, rắc rối hơn và nhiều tai nạn hơn.

Việc mở ra các tuyến metro là cần thiết. Nhưng metro ở mình cũng sẽ tiềm tàng trở thành một sự hỗn loạn mới, một thảm họa về giao thông mới, một khi ý thức của chúng ta vẫn ở mức vô cùng thấp kém. Chỉ cần nhìn cái cách mà người ta đi lại trên thang cuốn; chen chúc ra vào hỗn loạn, chẳng ai nhường ai ở các thang máy; tình trạng đi lại trên đường nhốn nháo và không theo bất nguyên tắc nào trên các con đường thành phố, là đủ thấy nản.

Trước khi học đi tàu điện ngầm, hãy học cách tôn trọng nhau trong các không gian công cộng, như thang cuốn hay thang máy chẳng hạn. Không lâu nữa, khi hệ thống tàu điện trên cao của Hà Nội được khánh thành, rồi ta sẽ thấy sự hỗn loạn của việc không tuân thủ bất cứ quy tắc nào của việc xếp hàng có thể gây ra những hậu quả nào.

Một bài học rất nhỏ: ta xếp hàng không chỉ là để tôn trọng ta, tôn trọng người khác mà còn tôn trọng những trật tự và quy tắc, kể cả bất thành văn, liên quan đến việc, người đến trước thì luôn được phục vụ trước; và ta xếp hàng, đứng tránh ra ở cửa thang máy khi nó mở ra không phải là vì ta không muốn bản thân mình và những người đứng sau không được vào thang máy ngay, mà vì những người trong đó phải ra trước, thì ta mới có chỗ mà bước vào.

Những điều đơn giản như thế, tại sao nhiều người trong chúng ta không chịu hiểu?

Hẹn gặp lại quý anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm