Thời hoa đỏ như máu ứa

21/06/2008 08:27 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa một thời trai trẻ… Những câu thơ trong Thời hoa đỏ của nhà thơ Thanh Tùng được nhiều thế hệ đang yêu hát trên giai điệu âm nhạc tha thiết, mãnh liệt của Nguyễn Đình Bảng. Dù nhạc sĩ có làm vơi bớt nỗi buồn: “Như gợi nhớ về một thời trai trẻ” thì thi sĩ vẫn nhận lấy vết cắt đau đớn bởi cuộc tình…

Em không đi hết những ngày đắm say…

Nguyên mẫu nhân vật “em” trong bài thơ Thời hoa đỏ chính là vợ nhà thơ. Vợ Thanh Tùng một thời nhan sắc ở đất Cảng Hải Phòng và cũng nổi tiếng đa đoan. Ông, bà đến với nhau bắt đầu và kết thúc cũng vì thơ. Lúc chưa về sống cùng ông, bà cũng có làm thơ nhưng sau đó chuyên tâm lo nội trợ vì quá yêu thơ của ông. Nhiều bạn bè cùng thời Thanh Tùng ở đất Cảng nhận định đó là một cuộc tình đẹp như thơ…
 
 Màu hoa đỏ

Thế nhưng, dòng đời lắt léo lắm thác ghềnh, cuộc hôn nhân của hai người rồi cũng chảy đến khúc quanh chia lìa. Phải nói cho đúng, bà đã bỏ ông thi sĩ mộng mơ để mơ mộng một chân trời khác cho riêng mình. Dù người đã bỏ mình đi, vậy nhưng Thanh Tùng vẫn nhất mực yêu thương bà. Hai người có hai con chung và Thanh Tùng có thêm một tình yêu dang dở bao giờ cũng đẹp để suốt đời hoài vọng.

Sau nhiều năm hai người hai ngả vui đời sống của riêng mình, khoảng năm 1973, Thanh Tùng hay tin vợ cũ qua đời vì bệnh tim. Ông tức tốc xuống Quảng Ninh nơi bà đã sống trong những tháng ngày xa ông để tiễn đưa nhau lần cuối. Và bài thơ Thời hoa đỏ ra đời khi nỗi bi thương về cuộc tình, về phận mình trào lên cao độ: “Trong câu thơ của em anh không có mặt…/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc/ Em không đi hết những ngày đắm say”. Nhiều người cho rằng để có thơ hay thì chính tác giả phải trả một cái giá nào đó. Cái giá để có Thời hoa đỏ của Thanh Tùng đã trả phải chăng quá sức chịu đựng của một đời mộng mơ?!

Tuy nhiên, ông đã có cùng bà những năm tháng thật đẹp tại thành phố hoa phượng đỏ. Thanh Tùng làm thợ gò trong một nhà máy đóng tàu. Hai vợ chồng rất nghèo nhưng giàu thơ, giàu bè bạn. Chính những tháng năm tuyệt đẹp ấy đã chuyển tải thành vần điệu trong sáng, lan tỏa đến mọi người. Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao/ Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng/ Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tỉnh/ Chẳng cho lòng ta yên/ Anh mải mê về một màu mây xa/ Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ/ Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa…

Hôn nhân luôn “mặc định”

Có thể nói, chuyện hôn nhân của Thanh Tùng được ông mặc định cho số phận, thơ và do bạn bè “xui khiến”. Đang là một nhà thơ công nhân có danh ở Hải Phòng khi đất nước đang chiến tranh, Thanh Tùng theo nhà thơ Vân Long lên Hà Nội tìm thi sĩ Xuân Diệu nhờ “mắt xanh” thẩm định thơ. Xuân Diệu nghe Thanh Tùng đọc thơ xong liền hỏi: “Cậu có vợ chưa? Biết Thanh Tùng đang độc thân, Xuân Diệu “xúi” về lấy vợ đi chứ không đả động gì đến chuyện thơ. Thanh Tùng nghe lời Xuân Diệu cưới vợ ngay sau đó và… chỉ vài năm sau Thời hoa đỏ ra đời.
 
Các thế hệ nhà thơ

Năm 1995, Thanh Tùng “hành phương Nam” lập gia đình mới theo sự mai mối của vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Ngày tiễn ông ra sân ga, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chỉ vào ba lô con cóc Thanh Tùng đang đeo bên người: “Đấy, hành trang 60 năm cuộc đời đấy”. Vào Sài Gòn, Thanh Tùng sống trong ngôi nhà của vợ - cũng là một độc giả mến yêu ông. Bà tên Thanh, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ở trong ngôi nhà của vợ, Thanh Tùng viết được trường ca Phương Nam, trong đó có những câu thật xúc động: “Anh đang sống trong ngôi nhà, em đã mua bằng cả thời cô đơn thiếu nữ”.

Để được “sống trong ngôi nhà” với bà Thanh, Thanh Tùng phải chứng minh được thân phận… nhà thơ của mình. Vì ông lúc đó vẫn lang bạt, không nhà, không tiền, không chức vị… mà cái danh nhà thơ thì chỉ bảng lảng đâu đó trên chín tầng mây. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng và bè bạn đã đến thuyết phục gia đình bà Thanh. May sao lúc đó, ông nhận giải thưởng thơ của Hội nhà văn VN, thế là báo chí đưa tin, viết bài về ông. Nghiễm nhiên, “nói có sách, mách có… báo”, thân phận ông thuyết phục được gia đình vợ.

Nhà thơ một thời sống bằng nắm đấm!

Nhà thơ Trần Nhuận Minh (anh ruột thần đồng thơ Trần Đăng Khoa) trong tập Nhà thơ và hoa cỏ có bài thơ Nhà thơ áp tải viết về Thanh Tùng: Có ai ngờ nhà thơ/ Phải sống bằng nắm đấm Chai rượu ngang dốc ngược/ Đứng bên trời uống chung. Bài thơ chân dung Thanh Tùng của Trần Nhuận Minh được nhiều bạn thơ nhớ vì đã vẽ quá đúng tính cách cùng những gì tác giả Thời hoa đỏ đã trải qua. Thanh Tùng yếu mềm trong thi ca và trong tình yêu. Ngoài đời ông cũng là người mau nước mắt, dù ở tuổi ngoài 70, ông vẫn bật khóc hồn nhiên khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh hay nghe những câu chuyện đau lòng. Nhưng đâu ai ngờ, ông một từng làm nghề áp tải hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội thời đường số 5 cướp nhiều như rươi. Ông nhà thơ đã tung nắm đấm vào bọn cướp mà lại rất dễ xúc động, Thanh Tùng là thế!
 
Trần Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm