08/09/2021 19:37 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nói chuyện đời, chuyện văn với thi sĩ - họa sĩ Đoàn Thị Lam Luyến, tôi được bà đọc cho nghe bức chân dung tự họa mình mới viết ngày 28/6/2021: “… Đá còn toát cả mồ hôi/ Lắm ghềnh thác, lắm lở bồi là sông/ Yêu ai cũng dốc cạn lòng/ Khai sơn phá thạch nhận công dã tràng/ Vẽ người để bớt đa đoan/ Vẽ hoa để biết dịu dàng như hoa…”.
Có rất nhiều dịu dàng trong thơ thiếu nhi của Đoàn Thị Lam Luyến. Điều này khiến các nhà biên soạn giáo khoa mới Tiếng Việt 2 thuộc chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ở cả 3 bộ Cánh diều, Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống cùng chọn được thơ bà đưa vào sách!
Khuyến khích những lựa chọn khác của chính các em
Trong Tiếng Việt 2 tập 2, thuộc bộ Cánh diều, bài số 30 có chủ điểm Quê hương em. Sau các bài Bé xem tranh (thơ Kim Chuông), Bản em (thơ Nguyễn Thái Vận), Rơm tháng Mười (văn xuôi Nguyễn Phan Hách), sách yêu cầu học sinh “Tự đọc một truyện (hoặc một bài thơ, bài bảo) em thích”. Bài Em yêu nhà em của Đoàn Thị Lam Luyến đưa vào đây như một thí dụ, nhằm khuyến khích những lựa chọn khác của chính các em:
“Chẳng đâu bằng chính nhà em/ Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo/ Có nàng gà mái hoa mơ/ Cục ta cục tác khi vừa đẻ xong/ Có bà chuối mật lưng ong/ Có ông ngô bắp râu hồng như tơ/ Có ao muống với cá cờ/ Em là chị Tấm đợi chờ bống lên/ Có đầm ngào ngạt hoa sen/ Ếch con đi học, dế mèn ngâm thơ/ Dù đi xa thật là xa/ Chẳng đâu vui được như nhà của em”.
Bài thơ cấu tứ đơn giản, rành rẽ như một câu chuyện có mở có kết, giúp giáo viên dễ hướng dẫn học sinh đọc như kể câu chuyện bằng giai điệu thơ. Câu chuyện ấy đầy ắp âm thanh, màu sắc, mùi vị. Những chữ thơ “líu lo”, “ngào ngạt”, “hồng như tơ”… làm thành một tiền cảnh để hậu cảnh hiện ra sự giao hòa giữa một thiên nhiên được nhân hóa - “nàng gà” ,“bà chuối” “ông ngô bắp”… - với con người, một thiên nhiên hòa quyện cổ tích và hiện thời, để cô Tấm thời @ (một nhi đồng lớp 2 đã biết đọc và đang tập đọc) nói giúp tác giả Đoàn Thị Lam Luyến thông điệp “Chẳng đâu vui được như nhà của em”.
Các bộ sách Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống cùng chọn một bài bà viết về thiếu nhi - Cánh cửa nhớ bà: “Ngày cháu còn thơ bé/ Cánh cửa có hai then/ Cháu chỉ cài then dưới/ Nhờ bà cài then trên// Mỗi năm cháu lớn lên/ Bà lưng còng cắm cúi/ Cháu cài được then trên/ Bà chỉ cài then dưới// Nay cháu về nhà mới/ Bao cánh cửa - ô trời/ Mỗi lần tay đẩy cửa/ Lại nhớ bà khôn nguôi”.
Bài thơ chỉ 60 âm tiết, nếu đếm theo đơn vị từ thì số lượng còn ít hơn vì tác giả dùng nhiều điệp từ. Ở 2 khổ thơ đầu, các điệp từ đảo vị trí “cháu” - “dưới” - “bà” - “trên”, rồi “bà” - “dưới” - “cháu” - “trên” khiến mạch thơ dao động như đưa võng, như con lắc đồng hồ giữ nhịp thời gian, cứ vui - buồn mà tích tắc, để cháu “lớn lên”, bà già đi “còng” xuống.
Cánh cửa gỗ với 2 then cửa, 2 nét thơ đã xưa, được dùng như một khung hình chồng mờ trong điện ảnh, để thời gian vô hình, hiện lên trong hành vi tương thân và thường nhật giữa bà và cháu. Khi bài thơ chưa vào giáo khoa, nhà thơ - nhà phê bình Phạm Khải đã nhìn ra vấn đề “then chốt” kia, ông viết: “Quá khứ tưởng đã cài then, nhưng lòng cô gái mở ra, cánh cửa nhà cô mở ra, mãi mãi gắn với hình ảnh người bà nhân hậu” (Bình thơ cho học sinh tiểu học, NXB Giáo dục, 2004).
Cánh cửa nhớ bà là thơ hay, 2 sách cùng chọn là điều dễ hiểu. Là phụ huynh cùng học với đứa cháu lớp 2 trong nhà, người viết bài lấy từ trên mạng xuống (download miễn phí), cả 3 bộ sách Tiếng Việt lớp 2 để bí mật “luyện” trước. Và đã thấy cái hay, của cách học “một chương trình, nhiều bộ sách”. Sách Chân trời trong bài này, học sinh lớp 2 đã được tập loại suy, và trắc nghiệm. Sách Kết nối tri thức với cuộc sống với bài này, ngoài 3 khổ thơ còn 3 khuôn hình truyện tranh.
Thản nhiên bước vào cõi tu
Luận văn thạc sĩ Thế giới nghệ thuật trong thơ Đoàn Thị Lam Luyến của nghiên cứu sinh Ngô Thị Thanh Huyền (có lưu ở Thư viện Đại học Thái Nguyên), ghi lại được những bước vào đời đáng chú ý của tác giả mình nghiên cứu: “Mới 7, 8 tuổi chị đã biết chăn trâu, cắt cỏ, kéo vó tôm. 11 tuổi đi làm con nuôi nhưng thực chất là đi ở đợ cho một nhà bán hàng cơm trên phố. 12 tuổi chị phải đi làm thợ phụ đóng gạch…”. “Năm 1965, gia đình Lam Luyến [từ Hưng Yên] di cư lên vùng sông Mã (Sơn La) xây dựng kinh tế mới”. Ngay năm sau, “1966 chị trúng tuyển vào học Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Khu tự trị Tây Bắc…” và tiến xa hơn “1976 - 1982: Học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp”...
Từng trải và được đào tạo bài bản, Đoàn Thị Làm Luyến là người viết, người vẽ rất chuyên nghiệp. Bà tự tin Suy nghĩ về nghề văn khi kể trong Nhà văn Việt Nam hiện đại” (in lần thứ 5, NXB Văn học, 2020): “15 tuổi tôi đã ngồi chung chiếu với nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà thơ Dương Kỳ Anh trong giải thưởng thơ thiếu nhi 1966 - 1967”. Nhưng, bà viết tiếp: “Đã đi vào nghiệp văn chương là phải dấn thân và cả hy sinh nữa. Để có “nhan sắc” cho thơ, người viết dám mất đi nhan sắc của chính bản thân mình”.
Về chuyện dấn thân và hy sinh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể: “Con trai chị [Đoàn Thị Lam Luyến], khi đọc bài thơ Những đứa con mang họ mẹ của chị, đã giãy lên: Sao mẹ lại viết “Không hoang cây chỉ hoang đồi/ Tôi hoang con bởi có người đi hoang?”. Thế này thì ai đọc cũng sẽ nghĩ con là con hoang của mẹ mất thôi! Mẹ phải sửa ngay đi”… Chị loay hoay sửa chữ “tôi” thành chữ “ai”, rồi chữ “em”… nhưng đều thấy không ổn. Chị tâm sự với con trai: “… đây là thân phận người đàn bà không có chồng mà có con. Nhan sắc của bài thơ, nếu có, thì người viết - là mẹ - phải biết hy sinh nhan sắc của chính mình con ạ”.
Vậy đấy! Mất đi chút riêng tư để có cho đời, những mẫu số chung như tác giả đã làm và thành công trong bài Chồng chị, chồng em rất nổi tiếng. Bài thơ vượt khỏi những tên tuổi cụ thể để lên tiếng cho những phận đàn bà xưa, nay: Còn cảnh chắp nối, còn tình ái tay ba tay tư, còn tình quân đào mỏ, còn quan hệ vợ chồng “địa chính trị” thì: “Cái dần vục phải cái sàng/ Xui cho hai đứa nhỡ nhàng gặp nhau/ Lá bùa từ thuở Mỵ Châu/ Lá bài Trọng Thủy còn đau đến giờ”. Đau trăm năm, nghìn năm rồi, nhưng vẫn “thản nhiên” chấp nhận vì đời là vậy: “Đã từ hai mảnh tay không/ Kể chi mẹ ghẻ, con chung, chồng người/ Dở dang suốt nửa cuộc đời/ Bỗng dưng hiện một mặt trời trong nhau/ Chị thản nhiên mối tình đầu/ Thản nhiên em nhận bã trầu về têm”.
Viết được những bài có chất lượng bất chấp thử thách thời gian như Chồng chị, chồng em, tác giả Đoàn Thị Lam Luyến từng được xếp thứ 9 trong danh sách 10 nữ văn sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam, mà Hồ Xuân Hương đứng hàng đầu!
Xin trở lại với chân dung tự họa dẫn vào bài. Đoàn Thị Lam Luyến kể: “Học vẽ từ bé đến giờ/ Một đời kiếm sống là nhờ bút lông”. Nhờ cây cọ vẽ, chẳng những Đoàn Thị Lam Luyến có được những thu nhập từ các chân dung sơn dầu và thuốc nước rất thần, rất mỹ thuật vẽ cho khách, cao gấp hàng trăm lần nhuận bút một bài thơ tâm huyết in báo, mà còn đóng góp được nét đẹp vào những công việc thường nhật ngoài đời.
Logo chị vẽ cho Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng được trả số tiền tương đương 5 lượng vàng, và logo ấy, hôm nay, vẫn theo công nhân tới các công trình để “xây cho nhà cao, cao, cao mãi…” như ca từ một bài hát. Những ai từng đọc sách của Nhà xuất bản Thanh niên, thì điều đọc được trước tiên chính nét chữ “t” và “n” mềm mại, in trang bìa, trên logo mà Đoàn Thị Lam Luyến vẽ cho nhà xuất bản này.
Ở đỉnh cao thành đạt viết, vẽ của mình, Đoàn Thị Lam Luyến “thản nhiên” bước vào cõi tu, mà không cần xuống tóc. Và thành tâm hoằng pháp. Với bà, tu là để “trở về” những gì tốt đẹp thuận lẽ tự nhiên như bà đã nói trên báo Nhân dân ngày 26/5/2021: “Bây giờ ta trở về thôi/ Bước chân như có gió trời nâng lên/ Vô tư chẳng thấy ưu phiền…”.
Vài nét về nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến Đoàn Thị Lam Luyến sinh 1951 tại Hưng Yên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996). Bà từng là biên tập viên mỹ thuật Nhà xuất bản Thanh niên, từng là giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam. Bà đã xuất bản 10 tập thơ; đã được giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1989 - 1990), tặng thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (1995), Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2003). Bà hiện sống và viết tại Hà Nội. |
(Còn tiếp)
Phùng Phúc Thọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất