Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Nhà văn Thụy Anh - vui cùng tiếng Việt

14/07/2021 19:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong loạt bài “Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa”, tôi đã viết về các tác giả “đại thụ” khả kính như Định Hải, Trúc Thông, Vân Long… Tôi cũng đã viết về các tác giả trẻ măng và đáng yêu như Cao Nguyệt Nguyên, Văn Thành Lê, Võ Thu Hương…Nhưng lạ nhất là người tôi viết kỳ này, nhà văn Thụy Anh! Chị là tác giả tin cẩn trao tác phẩm cho những người làm sách giáo khoa, đồng thời cũng chính là một soạn giả sách giáo khoa!

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời

Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời

Đầu năm 2021, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có quyết định đưa hội viên trẻ Văn Thành Lê vào Hội đồng văn học thiếu nhi.

Thụy Anh là tác giả bài Tia nắng đi đâu, trang 124 sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục VN 2020):

“Buổi sáng thức dậy/ Bé thấy buồn cười/ Có ai đang nhảy/ Một bài vui vui// Đó là tia nắng/ Nhảy trong lòng tay/ Nhảy trên bàn học/ Nhảy trên tán cây// Tối đến giờ ngủ/ Sực nhớ bé tìm/ Tìm tia nắng nhỏ/Ngủ rồi. Lặng im...// Bé nằm ngẫm nghĩ/ Nắng ngủ ở đâu?/ Nắng ngủ nhà nắng!/ Mai gặp lại nhau”.

“Thơ là Bé. Bé là thơ. Cùng nhau lớn dần!!!”

Bài thơ được lấy từ tập thơ Ngày xưa, ngày nay, ngày sau… (NXB Trẻ, 2016) một tập thơ khá khác lạ so với các tập thơ viết cho thiếu nhi trước đây - chữ in để đọc ít hơn tranh vẽ để nhìn ngắm. Trên trang bìa, tác giả thơ Thụy Anh và tác giả tranh Kim Duẩn đứng bên nhau, họa sĩ không phải giấu mình vào trang cuối sách như xưa. Và đọc thơ thì thấy đúng như tác giả “tuyên ngôn” ở  bìa 4, thơ này “… kể mọi điều trong cuộc sống của bé, dễ hiểu, hồn nhiên, như chính tiếng cười khúc khích của bé vậy! Thơ là Bé. Bé là thơ. Cùng nhau lớn dần!!!”. 

Chú thích ảnh
Nhà văn Thụy Anh

Bài Tia nắng đi đâu là thơ theo tuyên ngôn này. Rất “khúc khích” vì được viết theo nhịp vè 4/4 kiểu “con vỏi con voi”. Hình ảnh thơ nhảy nhót trong nhịp cười kia, tạo ra điệu luân vũ ở khổ thơ thứ 2, khổ thơ hay nhất. Trong luân vũ này, Bé thật là lớn- có quyền trẻ em mà, Bé ngửa bàn tay để  đồ vật, cỏ cây bắt đầu giao hòa bằng điệu múa của 4 chân bàn, 5 ngón tay dưới 1 tán cây. Vui hả hê rồi, mệt rồi thì lim dim hỏi, và trả lời mà như chưa trả lời “Nắng ngủ nhà nắng”. 

Trong bộ giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống, nhà văn Thụy Anh cùng tác giả Nguyễn Thanh Bình, chủ biên sách Hoạt động trải nghiệm 2. Ở trang 60 sách có bài Bầy cáo trong đêm bài thơ mà chủ biên Thụy Anh dựa theo yêu cầu dạy trẻ đi đường không sợ lạc lối đã phóng tác theo tứ rất hay của nhà thơ Nga Vladimir Orlov, biến bài thơ phương Tây thành bài đồng dao Việt Nam, các em vừa đọc thơ vừa di chuyển đội hình hàng 1 như kiểu chơi “rồng rắn lên mây”:

“Mẹ cáo dặn:/ “Này các con/ Nhớ bám theo/ Cái đốm trắng// Đó là đốm/ Trên đuôi ta/ Đường còn xa/ Đường rất tối/ Đuôi chỉ lối/ Cho cáo đi/ Nối đuôi nhau/ Không sợ lạc!”.

Chú thích ảnh

Cũng trong sách này ở trang 82 Thụy Anh lại có bài thơ đố Đoán xem ... mẹ tớ làm nghề gì?như cách đố của văn học dân gian.

“-Mẹ tớ cầm phấn trắng/ Viết lên tấm bảng đen/ Dáng hiền hậu, thân quen/
Thuộc hàng trăm đứa trẻ- Mẹ cậu đoán quá dễ:/Là [cô giáo] đấy mà// - Mẹ tớ làm ra gạo/ Gieo mạ, cấy lúa non/ Ai đến bữa, xới cơm/ Cũng nghĩ về mẹ tớ!// - Chúng tớ đoán ngay nhé/ Mẹ cậu là [nông dân]// - Mẹ tớ luôn vội vã/ Chạy cứ ríu cả chân/ Vì người bệnh đang cần/ Ăn cũng không đúng bữa// - Cậu không phải nói nữa:/ Là [bác sĩ] đúng không?”.

Về thơ viết cho thiếu nhi của Thụy Anh, đúng như bà Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: “Có  năng khiếu và bút lực văn chương, Thụy Anh lại là người được đào tạo bài bản nhất về tâm lý giáo dục trẻ em trong đội ngũ các nhà văn nhà thơ viết cho thiếu nhi hiện nay ở nước ta. Vì thế thơ thiếu nhi của Thụy Anh  xuất phát từ cách nhìn của trẻ em, rất sinh động, hồn nhiên không giáo dục áp đặt. Với quan niệm thơ ca như thế, chương trình thơ thiếu nhi Việt Nam hiện đại Reo vang bình minh diễn ra ở sân Thái Học của Văn Miếu -Quốc Tử Giám Hà Nội vào Ngày thơ Việt Nam 2016 do Thụy Anh đạo diễn đã thành công tốt đẹp!”.

Chú thích ảnh
Bài "Bầy cáo trong đêm" của Thụy Anh

Người bắc cầu văn hóa Việt - Nga

Cô gái Hà Nội Nguyễn Thụy Anh sau khi tốt nghiệp trường chuyên PTTH Amsterdam, có 17 năm học và trải nghiệm ở Nga để thành tác giả Thụy Anh. Cho nên nước Nga là để tài cô đeo đuổi và có nhiều thành công. Năm 2011 sách Olga Berggoltz của tôi được giải dịch thuật Hội Nhà văn Hà Nội và được văn giới đánh giá cao. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Giờ đây, thơ Olga Berggoltz lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Việt qua một tập sách riêng với đầy đủ chân dung, tiểu sử và thơ qua những chặng đường số phận của bà. Người đồng hành của Olga Berggoltz trên đất Việt là dịch giả Thụy Anh - người đã được thơ bà quyến rũ, dẫn dắt đến với cuộc đời bà để sẻ chia cuộc sống, đồng cảm tâm hồn, khát khao tình yêu”. 

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên: “Lần này, dịch giả Thụy Anh lại cho chúng ta thấy một vẻ đẹp Nga khác, tự tin, đầy bản lĩnh, ngoan cường và có lúc không kém phần quyết liệt qua thi phẩm và những tài liệu ghi chép của Olga, trong đó có cuốn Nhật ký cấm mà trước đây chưa có điều kiện công bố. Trong một chừng mực nhất định, có thể coi dịch giả Thụy Anh như một người đồng sáng tạo ra thi phẩm Olga”.

Chú thích ảnh
Bài “Mẹ tớ làm nghề gì” của Thụy Anh trong sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”

Ở thể loại văn học hư cấu, Thụy Anh có những truyện ngắn hay về nước Nga. Trong Gió trắng, một cô gái Nga đã đối đầu với bọnmafia để rồi nhận cái chết cho nhân tình người Việt của mình được sống và anh ta mải làm ăn quên người xưa lúc nào không hay. 

Truyện Cây cải Tasken còn buồn hơn. Xin đọc đoạn kết: “Chiều mùa Đông có nắng. Tuyết rơi lấp lánh khắp nơi. Tôi đánh xe về sau buổi giao hàng, đi chậm chậm dọc con đường quen thuộc, thì thốt thấy một cánh tay lính mặc áo rằn ri thò ra từ fortochka bé xíu ngay tầng 1 của dãy nhà xam xám với những ô cửa sổ đầy song sắt thô rỉ. Trại lính! Thế mà mọi ngày tôi không để ý.

 “Ây, này…”. Chủ nhân của cánh tay lính gọi tôi. Tôi ra khỏi xe, đến gần ô cửa. Cậu lính còn rất trẻ, gần như còn là một chú bé, đầu húi cua ngắn, mặt non choẹt, gầy guộc, dí mũi vào cửa sổ, đang mỉm cười với tôi qua tấm kính mờ hơi nước. Cậu ta nháy mắt ranh mãnh: “- Cho xin mấy đồng đi!”. Không đợi tôi phản ứng, cu cậu ròng xuống một ống bơ sữa bò được khoét hai lỗ cân đối, nối dây gai nâu”.

Buồn không? Tôi đọc Cây cải Tasken của Thụy Anh và hiểu thêm câu ca dao thuộc từ khi nằm nôi nghe mẹ ru: “Ai làm cho cải tôi ngồng/ Cho dưa tối khú, cho chồng tôi chê”. Chưa đọc,  chữ “ai” chỉ hiểu là ông trời là thời tiết, đọc rồi mới biết “ai” còn là thời cuộc nữa! 

Là người bắc cầu văn hóa Việt - Nga tác giả Thụy Anh xứng đáng với Giải thưởng của Quỹ trẻ em Liên bang Nga 2017, Giải thưởng Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữcủa Hội Nhà văn Liên bang Nga, 2018.

Toàn tâm toàn lực vì tiếng Việt

Nhà văn Thụy Anh đang là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con rất nổi tiếng. Đây là nơi các nhà văn viết cho thiếu nhi khắp nước thường lui tới đọc sách của mình cho các em nghe, nghe các em nói về sách của mình, trả lời những câu hỏi các em hỏi để viết cuốn sách của mình. Cùng đọc văn học Việt tức là cùng học nói hay tiếng Việt, viết hay tiếng Việt. 

Tâm sự trên báo về lý do mình toàn tâm toàn lực vì tiếng Việt, bà Thụy Anh bộc bạch: "Tôi sống 17 năm ở Nga và từng có ý định định cư lâu dài. Chính vì thế, khi đã làm mẹ, giống như nhiều người Việt xa quê, tôi có một nỗi sợ - sợ con mình lớn lên sẽ không biết tiếng Việt, hoặc không thể tâm tình với cha mẹ bằng thứ tiếng Việt phong phú, thuần khiết. Tôi thậm chí còn trì hoãn việc cho con đến trường mầm non vì mong muốn con phải nói tốt tiếng Việt trước đã. Tôi còn làm thơ cho con nữa! Đó là khoảng thời gian tôi sáng tác được nhiều thơ cho trẻ em nhất, đặc biệt là những bài thơ mang âm hưởng đồng dao”. 

Đây là bài thơ bà viết về tiếng Việt ngày ấy, về các dấu thanh: 

“Lên cao là dấu sắc/ Lúc lắc/ Lúc lắc//Bè trầm là dấu huyền/ Dịu hiền/Dịu hiền//Băn khoăn là dấu hỏi/ Mệt mỏi/ Mệt mỏi// Trúc trắc là dấu ngã/ Vội vã/ Vội vã// Buồn thiu là dấu nặng/ Im lặng/ Im lặng//Tiếng gì mà hay thế/ Như là một trò chơi/ Em xóa những con dấu/ Đọc được một từ vui”.

Từ CLB nhỏ xinh đặt ngay trong nhà mình mà hấp dẫn bạn đọc cả nước nhà văn Thụy Anh tạo niềm tin để được mời đi gieo chữ “vui” kia bên Ba Lan rồi bên Đức…và bằng những đóng góp này mới đây bà được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.

Nói về tiếng Việt, nhà văn Thụy Anh chẳng bao giờ hết chuyện. Bà vui vẻ đưa tôi xem bản mẫu bộ “kinh sách” tiếng Việt mới của mình - Chào tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành gồm 6 cuốn. Xin chúc mừng!

Vài nét về nhà văn Thụy Anh

Sinh tại Hà Nội năm 1974, tên khai sinh là Nguyễn Thụy Anh, có bằng tiến sĩ giáo dục học sau thời gian du học tại Nga. Ngoài nhiều sách viết chung, bà còn là tác giả của 15 đầu sách các loại (trong đó có bộ Nói sao cho con hiểu - NXB Trẻ, gồm 34 quyển). Bà đang là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam. 

Bà đã nhận nhiều giải thưởng văn học trong nước và Giải thưởng của Quỹ trẻ em LB Nga 2017, Giải thưởng Sợi chỉ kết nối các ngôn ngữ của Hội Nhà văn LB Nga 2018; được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021. Hiện bà sống tại Hà Nội.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm