Sống cho tới ngày hết bom đạn

07/02/2009 08:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Lúc ấy Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc sơ tán vào Khe Mo cách thị xã Thái Nguyên trên mười cây số, phía Linh Nham. Cái tên Khe Mo chẳng có ý nghĩa gì lắm vì đó chỉ là khu ruộng trũng vài thửa lọt thỏm vào bốn bên rừng.

Chị Dung, một cán bộ hành chính có ba con trứng gà trứng vịt. Lúc nào rỗi cũng chỉ thấy chị rửa ráy tắm giặt cho chúng. Ba đứa con chị da trắng hồng như mẹ, nhưng cứ nhẳng ra vì đói ăn. Suất lương của nhân viên tài vụ hỏi được bao nhiêu mà đủ sống. Chồng chị lại công tác tận Quảng Ninh, năm mười ngày phép, về bế mỗi đứa con được một hai lần, hôn vợ được vài cái, ngủ được chục tối ở nhà rồi lại biền biệt 355 ngày. Cảnh vợ chồng Ngâu như chị cũng là tình trạng của rất nhiều gia đình thời ấy.

Mới hơn 30 tuổi mà sự vất vả thiếu thốn đã chăng mạng nhện lên trán chị. Chủ Nhật nghỉ học, tôi hay sang nhà chị. Chị quý tôi như em trai. Bận thế nhưng khi tôi mượn kim chỉ thùa lại cái khuyết, đơm lại chiếc cúc áo, chị vẫn giành lấy làm hộ. Cũng có lúc tôi giúp chị dặm lại mái nhà, sửa góc chuồng gà chuồng lợn, vén lại cái bờ rào. Chị bảo tôi: “Giá mà có em gái thì gả cho chú, khéo tay lại chịu khó thế vợ con mới được nhờ”. Chị có ý trách chồng: “Chứ cả như anh nhà chị, chán lắm”. Nói đến đây chị lại lẩm bẩm to điều đang nghĩ trong đầu: “Chẳng biết bao giờ hết bom đạn để về thành phố”.

Năm cuối, trước khi tôi ra trường thì chị sinh cháu thứ tư. Đầy tháng, tôi mua nải chuối đến thăm thì thấy chị ngồi trên giường rưng rưng nước mắt “lại con gái chú à”. Chị lắc đầu: “Đời chị thấy khổ lắm rồi, nay lại đẻ thêm một nỗi khổ nữa,... thương các cháu lắm”. Tôi chẳng biết nói gì động viên chị, mắt thấy hoe hoe...

Năm 1970 tôi ra trường, chiến tranh phá hoại của Mỹ dù hạn chế nhưng vẫn còn ác liệt. Tôi đi làm xa chẳng có lúc nào quay lại thăm trường thăm chị dù lòng vẫn nhớ. Năm 1972, chiến tranh dịu đi. Trường chuyển ra Đồng Bẩm ngay bên thị xã. Chị lại trở về nhà cũ ở Túc Duyên ven thị. Hằng ngày đi làm, tối tối mẹ con lại leo lét dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ đề phòng máy bay oanh tạc.

Nào ngờ chiến dịch rải thảm cuối năm 1972 vào Hà Nội, một phi đoàn B52 Mỹ tách ra lao vào Thái Nguyên nhằm xóa sổ thị xã, Khu gang thép và nhà máy điện Cao Ngạn. Lúc ấy tôi đang đi công tác ở Lạng Sơn.

Trở về ngay sau hôm bom rải thảm thì tôi được biết chị Dung và bốn đứa con bé bỏng đã bị bom đánh trúng hầm trú ẩn dưới bụi tre trước nhà...

Đứng trước năm nấm mồ, chị nằm giữa, hai bên, mỗi bên hai đứa con, lòng tôi chết lặng. Thế là chị đã kịp về thành phố như lòng mong mỏi. Nhưng mẹ con chị lại không được sống cho tới ngày hết bom đạn.

Chẳng hiểu sao hơn 30 năm đến giờ, mỗi lần nhìn thấy cảnh bom đạn, nhà cửa đổ nát trên Tivi trong các chương trình thời sự quốc tế, tôi lại nhớ tới chị, một con người hiền hậu như bao người tôi từng bắt gặp trên đường đời đã gặp một số phận nghiệt ngã đến khôn cùng.

Bài và tranh minh họa: HS Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm