Show trình diễn đồ lót Victoria’s Secret: Mạng xã hội quyết định ai là siêu mẫu

13/11/2015 07:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Show trình diễn đồ lót Victoria’s Secret, sự kiện được xem như lễ trao giải Quả cầu vàng của ngành thời trang, vừa diễn ra với sự tham gia lần đầu của hai gương mặt đặc biệt: người đẹp Kendall Jenner và Gigi Hadid. Nó cũng cho thấy trong thời đại mới, dường như mạng xã hội, chứ không chỉ vóc dáng và gương mặt, mới là yếu tố quyết định sự nghiệp của một siêu mẫu.

Catherine McGill, người quản lý của hãng người mẫu Vivien Models, tiết lộ rằng ngày càng nhiều thương hiệu từ chối sử dụng các người mẫu có số lượng người theo dõi (follower) trên Instagram ít hơn con số 10.000.

Thăng tiến ầm ầm nhờ đông fan trên Instagram

Thông tin khiến giới trong nghề nhướn mày này đã trở nên thuyết phục hơn cùng sự trỗi dậy của các người mẫu với xuất phát điểm từ mạng xã hội, như Kendall Jenner và Gigi Hadid. Hai cô gái này đã thăng tiến rất mạnh trong làng thời trang, vừa nhờ vẻ đẹp tuyệt mỹ, vừa bởi có lượng người theo dõi hùng hậu.

Trong vòng một năm, kể từ khi cả hai cùng nhau ra mắt làng thời trang tại sự kiện Tuần lễ thời trang Thu New York 2014, họ đã nhận được rất nhiều công việc nổi tiếng, nhờ đông fan trên mạng. Chỉ trong tháng 10 vừa qua, Hadid đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Adweek và trả lời phỏng vấn bài viết có tiêu đề “Các siêu mẫu của mạng xã hội”.

Kendall Jenner trình diễn trong show Victoria’s Secret 2015

Cô chia sẻ rằng việc có đông fan trên Instagram (3 triệu người theo dõi và đang tăng lên) đã giúp cô kiếm thêm nhiều công việc mới ra sao. “Tôi chỉ nhận ra rằng mạng xã hội là một công cụ tiếp thị quan trọng, khi các khách hàng bắt đầu cầm theo những món đồ mà tôi đã sử dụng trong các bức ảnh”- cô chia sẻ.

Điều tương tự cũng diễn ra với Kendall Jenner. Cô mới nhận một hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay trong sự nghiệp người mẫu, khi trở thành đại sứ toàn cầu của thương hiệu Estee Lauder, chủ yếu nhờ ảnh hưởng của bản thân trên mạng xã hội.

Khi Jenner được tuyên bố là gương mặt mới của thương hiệu Estee Lauder, Chủ tịch thương hiệu toàn cầu của hãng là Jane Hertzmark Hudis đã lập tức ca ngợi những gì cô đạt được. “Kendall là một cô gái Instagram đỉnh và chúng tôi rất phấn khích khi được dựa vào hình ảnh, giọng nói, sức mạnh cùng khả năng gây ảnh hưởng đặc biệt trên mạng xã hội của cô để giới thiệu Estée Lauder tới hàng triệu cô gái trẻ trên thế giới” – bà nói.

Trong khi đó, Giám đốc sáng tạo hãng thời trang Balmain là Olivier Rousteing đã so sánh Jenner với các siêu mẫu của thời đại vàng. “Cô ấy đã truyền cảm hứng cho các cô gái khác theo cách mà những siêu mẫu Claudia Schiffer và Naomi Campbell đã từng làm”  - Rousteing cất lời.


Kendall Jenner (phải) và Gigi Hadid là hai người mẫu vươn lên nhờ bệ phóng mạng xã hội

Mạng xã hội thành bệ phóng cho những người vô danh

Dường như ngành thời trang đang trải qua một sự biến đổi mạnh. Người mẫu không còn bị bó buộc quanh sàn catwalk và các chiến dịch quảng cáo nữa mà đã có thể mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như điện ảnh và âm nhạc, như điều Cara Delevingne đã làm.

Mạng xã hội cho phép người mẫu thay vì chỉ là công cụ treo quần áo, giờ họ được thỏa sức thể hiện cá tính độc đáo của bản thân và có sự kiểm soát tốt hơn bao giờ hết sự nghiệp của mình. Mạng xã hội cũng mang tới các chiến thuật mới tự do hơn, giúp họ thăng tiến nhanh trong sự nghiệp.

Ngoài ra, cũng phải tính tới thực tế rằng con đường tới vị trí của một siêu mẫu đã thay đổi. Mạng xã hội không chỉ là công cụ để Kendall và Gigi nhận vô số đề nghị làm việc mới. Nó còn là bệ phóng cho rất nhiều người đẹp vô danh.

Đơn cử như trong năm nay, nhà tạo mẫu Marc Jacobs đã có hai lần lên Instagram để tìm kiếm người mẫu cho chiến dịch quảng bá sắp tới của ông. “Với tôi, tuyển người mẫu qua Instagram là ý tưởng rất hay ho, hợp thời” - Jacobs nói với trang tin WWD - “Chúng tôi muốn chiến dịch quảng cáo phải phát ra tiếng nói trẻ trung, tràn đầy năng lượng... phải mới mẻ và nắm bắt được tinh thần của bộ sưu tập”.

Không phải ai cũng có cơ hội thành công

Tuy nhiên dù ngành thời trang đã trải qua quá trình dân chủ hóa mạnh, không phải ai cũng có cơ hội thành công giống nhau. Các người mẫu đã nổi lên qua mạng xã hội như Kendall Jenner và Gigi đã có xuất phát điểm là thành viên trong những gia đình nổi tiếng, chứ không phải kẻ vô danh.

Vì thế, dù bất cứ ai cũng có thể tiếp xúc với nền tảng mạng xã hội, song không phải ai cũng có tiềm năng trỗi dậy. Ví dụ như làm sao một cô gái muốn thành người mẫu lại có đủ tiền để sắm cả tủ quần áo hàng hiệu đắt tiền, các chuyến đi sang trọng tới những địa điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời, hay đơn giản là các thiết bị công nghệ thời thượng để chụp ảnh “tự sướng” như Kendall và Gigi?

Hiện phần lớn các người mẫu vẫn phải nỗ lực để có chỗ đứng trên sàn catwalk, sau khi được phát hiện một cách tình cờ. Natalia Vodianova, một trong những người mẫu được yêu thích nhất, đã lớn lên trong nghèo đói, trước khi gây ấn tượng với một hãng tìm kiếm tài năng ở Nizhny Novgorod, Nga.

Lily Donaldson được phát hiện khi đang lang thang bên ngoài các cửa hàng ở Camden (Anh). Tương tự, người mẫu Anh Jordan Dunn được phát hiện khi cô đang chọn đồ ở cửa hàng bán lẻ quần áo Primark.

Liệu những câu chuyện như thế có tiếp tục xuất hiện khi mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng mạnh tới hoạt động tuyển người mẫu trong ngành thời trang? Có lẽ đáp án sẽ xuất hiện chỉ khi người ta trả lời được câu hỏi lớn hơn, rằng thời trang đang trở thành sân chơi rộng rãi, hay đang biến thành CLB của những người sở hữu nhiều đặc quyền hơn kẻ khác.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm