Sách 'Gốm Nam Trung bộ' - hé lộ những bí ẩn về 7 vùng gốm cổ

21/10/2021 17:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Công trình nghiên cứu Gốm Nam Trung bộ (NXB Đà Nẵng, 2021) của Nguyễn Đình Chúc và Trần Thanh Hưng có lẽ là một bổ khuyết thú vị vào việc nhận diện về biểu đồ gốm Việt Nam.

Gốm Nam bộ đang 'được mùa' trở lại

Gốm Nam bộ đang 'được mùa' trở lại

Gốm Nam bộ hình thành từ giữa thế kỷ 18, phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20. Thế nhưng trong mắt người làm nghề và trong tâm cảm của chính người sử dụng trước đây, gốm Nam bộ rất ít khi nào thoát khỏi vẻ bình dị, thân thuộc và bình dân của nó.

Đặc biệt, với một tình yêu và sự am tường về vùng gốm xứ Nẫu, hai tác giả đã lấy gốm Quảng Đức (tỉnh Phú Yên) để làm gốc tham chiếu cho diện mạo và lịch sử gốm cổ của cả vùng Nam Trung bộ.

Lâu nay, khi nhắc đến gốm cổ Việt Nam, nhiều người thường nghĩ đến những cái tên như Chu Đậu, Phù Lãng, Bát Tràng… ở miền Bắc; Gò Sành, Bàu Trúc… ở miền Trung; Cây Mai, Biên Hòa… ở miền Nam. Tuy nhiên, với giới chuyên môn và nhà sưu tập, rõ ràng bản đồ gốm cổ trên lãnh thổ Việt Nam không chỉ có vậy.

Thực tế, có quá nhiều cái tên, thịnh suy từng thời kỳ, đã tạo nên một bề dày gốm trải dài suốt mấy ngàn năm, qua nhiều vùng miền. Thậm chí, có những danh gốm dù chỉ còn lại những hiện vật, nhưng nếu đào sâu vào tìm hiểu sẽ thấy cả một cơ đồ văn hóa hiện lên trong đó.

Chú thích ảnh
Hai tác giả Nguyễn Đình Chúc (phải) và Trần Thanh Hưng

Một định dạng về giá trị gốm

Cuốn sách cho người đọc một cái nhìn bao quát và cụ thể về bản đồ gốm cổ của một vùng duyên hải, trải dài từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Không kể chương đầu và cuối, 7/9 chương của cuốn sách này tường trình khá rõ nét về lịch sử hình thành, đặc điểm nhận dạng, những nghệ nhân nổi tiếng, phương pháp kỹ thuật, thị trường, cũng như những bí ẩn… của 7 vùng gốm cổ đã được giới sưu tầm và khảo cổ đề cập.

Trên tinh thần đó, tác giả cho thấy gốm Quảng Đức (xã An Thạch, Tuy An, Phú Yên), vốn do một gia đình dòng họ Nguyễn ở Bình Định mang nghề vào đây khoảng cuối thế kỷ 17. Dòng gốm này có sự tiếp nối của gốm Gò Sành, Bình Định, vốn nổi tiếng từ thế kỷ 13 đến 15, dưới vương triều Chăm Vijaya. Như vậy, với sự thừa hưởng và cải biến từ tinh hoa của gốm Gò Sành, gốm Quảng Đức đã sử dụng chất đất bản địa, kỹ thuật và vật liệu nung đặc trưng, tạo nên những phẩm chất giá trị không thể nhầm lẫn.

Chú thích ảnh
Cuốn “Gốm Nam Trung bộ” vừa phát hành

Trong các yếu tố tạo nên dòng gốm trên, không thể không kể đến kỹ thuật hỏa biến và hoàn nguyên. Mà theo nhà sưu tầm Nguyễn Vĩnh Hảo, người có thâm niên trong việc sưu tầm gốm cổ cho biết, các nghệ nhân xưa đã sử dụng củi chành rành và vỏ sò huyết vốn là hai nguyên liệu phổ biến ở vùng đất Tuy An cho vào lò nung, nên khi ra thành phẩm, dấu vết sò huyết còn hằn in khá rõ trên các sản phẩm. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng để nhận diện dòng gốm này.

Tồn tại hơn 300 năm, đến mãi đầu thế kỷ 20, làng nghề gốm Quảng Đức mới mai một, với những sản phẩm cuối cùng được ghi nhận là đúc cho một thương hiệu nước mắm được thành lập theo lời kêu gọi Duy Tân.

Chú thích ảnh

Nhiều nhà nghiên cứu không đánh giá cao giá trị của gốm Quảng Đức, cho rằng đây chỉ là một dòng gốm địa phương, không thể sánh bì về mặt thương hiệu với gốm Gò Sành, hoặc gốm Thanh Hà, gốm Bàu Trúc.

Nhưng cuốn Gốm Nam Trung bộ cho thấy gốm Quảng Đức có sức sống và sự lan tỏa lớn hơn nhiều so với hình dung của nhiều người. Nó hiện diện cả ở Nam bộ, Tây Nguyên, cũng như trong các bộ sưu tập ở nước ngoài, cho thấy thương hiệu này có sức hút rộng lớn.

Chú thích ảnh

Cuốn sách thai nghén gần 30 năm

Theo tác giả Trần Thanh Hưng (hiện là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Yên), cuốn sách này được ông ấp ủ từ những năm 1990. Khi ấy, ông cùng nhiều đoàn khảo cứu về Quảng Đức để tìm hiểu làng nghề này. Dự định ban đầu của ông chỉ là một chuyên khảo về gốm Quảng Đức.

Sau đó ông đem ý định này chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, thì được ông Chúc nhiệt thành ủng hộ và đề xuất làm thành một công trình nghiên cứu mở rộng về gốm cổ Nam Trung bộ. Đây cũng là cách để cho công chúng hiểu rõ hơn giá trị gốm Quảng Đức khi đặt trong tương quan giữa một vùng văn hóa rộng lớn và có bề dày lịch sử thâm trầm.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, dù nay tuổi đã cao, nhưng đã không ngại ngần đi khắp nơi để gặp gỡ con người và hiện vật, để định hình nên nội dung cuốn sách như hiện nay. Cũng trên tinh thần đó, người đọc, qua cuốn sách sẽ có cái nhìn đối sánh và tổng quát hơn những thương hiệu gốm như Thanh Hà, Sa Huỳnh, Châu Ổ, Gò Sành, Lư Cấm, Bàu Trúc, Bắc Bình…

“Chúng tôi cũng mất thời gian khá dài để trao đổi về nội dung, hình thức trình bày sao cho dễ đọc, dễ hiểu, thoát khỏi một tác phẩm chỉ phục vụ cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu gốm sứ. Không gian làng nghề qua bao thăng trầm, tấm lòng của nghệ nhân dành cho gốm qua bao thế hệ… Nói tóm lại, chính cái chất dân gian gần gũi đã góp phần làm cho một cuốn sách về gốm không còn quá khô cứng với nguyên liệu, nhiên liệu, men màu, kỹ thuật chế tác” - Trần Thanh Hưng cho biết.

Theo lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trong số 36 địa chỉ lò gốm cổ Việt Nam, thì tỉnh Phú Yên nằm ở vị thứ 21 từ Bắc vào Nam, với hai địa danh là Quảng Đức và Mỹ Thạnh Tây (Hòa Phong, Tây Hòa). Cho nên, cuốn Gốm Nam Trung bộ là một công trình bổ khuyết cần thiết cho những ai nghiên cứu gốm nói riêng và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của vùng đất Nam Trung bộ nói chung.

Bảo Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm