Sắc Xuân điểm họa của Phạm Khánh Thành

29/01/2021 19:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tại triển lãm Có hẹn cùng Xuân đang diễn ra ở Green Palm Gallery (49 Mạc Thị Bưởi, TP.HCM), Phạm Khánh Thành góp mặt bởi những phẩm sắc Xuân theo phong cách điểm họa (pointillism). 

3 họa sĩ chung tay triển lãm tranh 'Bay nhảy'

3 họa sĩ chung tay triển lãm tranh 'Bay nhảy'

3 họa sĩ với 3 cặp mắt khác nhau, 3 tính cách khác nhau, 3 trạng thái tinh thần khác nhau... cùng nhau làm triển lãm Bay nhảy khai mạc chiều 18/1/2021 tại Art Space (42 - Yết Kiêu, Hà Nội).

Dường như Phạm Khánh Thành lấy cảm hứng từ phong cách của danh họa trường phái ấn tượng Paul Signac và chất hiện thực-lãng mạn kiểu rococo. Phong cảnh mà anh mang đến là một thế giới vui sống, nơi thiên nhiên trở lại làm chủ mặt đất.

Đạt độ chín hoàn hảo

Điểm họa (pointillism) là một trong những phương pháp/trường phái được rất nhiều người ưa chuộng, nhưng không phải họa sĩ nào cũng đủ khả năng để theo đuổi, bởi sự mưu cầu tỉ mỉ và tư duy về ánh sáng màu sắc cao độ của kỹ thuật này.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Vùng quê yên bình" của Phạm Khánh Thành

Nếu nói về những người thực hành nghệ thuật nghiêm túc theo đuổi trường phái trên trong chủ đề phong cảnh, không thể không nhắc tới Phạm Khánh Thành - một họa sĩ luôn tìm kiếm những sắc thái khác lạ của tự nhiên và truyền tải nó từ câu chuyện hình học cơ bản nhất: điểm và chấm.

Lợi dụng sự nhiễu xạ, Phạm Khánh Thành đã hiểu rõ tính khoa học của màu sắc, đem cái tưởng chừng như là khô khan và cứng nhắc để chuyển hóa nó thành một chất liệu của nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phạm Khánh Thành hiện sống tại Hà Nội

Đối với phong cách này, điểm đặc biệt nhất chính là hai điểm màu trái ngược được đặt cạnh nhau sẽ tạo ra một cảm giác về màu sắc khác hoàn toàn khi được nhìn từ một khoảng cách nhất định. Người nghệ sĩ theo đuổi phong cách trên như Phạm Khánh Thành phải có một tư duy rất tốt về màu sắc để thực hiện những kĩ thuật chồng chéo màu như vậy.

Trong từng tác phẩm của Phạm Khánh Thành, ta có thể thấy sự tỉ mẩn của anh qua mỗi nét bút. Thoạt nhìn, ta tưởng anh vẽ đơn giản và phóng khoáng lắm, có khi lại còn hơi hờ hững. Thực chất, anh phải tính toán trong từng vệt bút cũng như đòi hỏi sự chuẩn xác cao qua mỗi màu sắc tiếp theo. Người nghệ sĩ đã cầu kì trong việc thực hành hóa tâm tưởng của mình, Phạm Khánh Thành đã khiến cho giai đoạn đó còn chi li hơn, khi phải “vừa kiểm soát lẫn không kiểm soát” để tác phẩm vừa đạt độ chín của hoàn hảo nhưng cũng không quá cứng nhắc để có thể truyền tải hết những tự sự của người nghệ sĩ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Sắc Xuân"

Hơn thế nữa, các tác phẩm của Phạm Khánh Thành còn chịu ảnh hưởng màu sắc từ phong cách rococo - có thể được xem là di sản văn hóa Pháp. Đây là phong cách mang sự thanh tao, nhã nhặn đi kèm với nét quyến rũ và lộng lẫy. Điều đó cũng ảnh hưởng đến bảng màu của Phạm Khánh Thành. Đó là lí do ta luôn thầm ngưỡng mộ cách phối màu công phu cũng như những trải nghiệm hoàn hảo thông qua các tông màu pastel nhã nhặn.

Tranh của Phạm Khánh Thành dường như luôn mang sự hạnh phúc, hoặc đem lại cảm giác bình yên cho những người đang kiếm tìm nó. Nó hiện thực nhưng vẫn chứa đầy sự lãng mạn, vui vẻ và nhộn nhịp của thiên nhiên. Như ghi lại một bản hòa ca của tự nhiên, khiến ta muốn vùi mình vào trong khung cảnh kì lạ đó để chạy trốn sự mệt mỏi của thực tại.

Hòa sắc luôn thay đổi

Dùng phong cảnh làm ngôn ngữ nghệ thuật của mình là một điều không hề lạ đối với nghệ sĩ. Tuy nhiên, phong cảnh thay đổi theo góc nhìn và trở thành những giá trị thay đổi khác nhau. Thế nên hiếm khi ta thấy sự lặp lại nhàm chán mà sẽ luôn là một câu chuyện rất mới tùy thuộc vào từng quá trình phát triển và cách sống của người làm nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Giao mùa"

Phạm Khánh Thành cũng chọn phong cảnh. Tuy nhiên, anh chọn hướng tiếp cận hoàn toàn mới cho các tác phẩm của mình. Anh mang vào đó những âm hưởng khác lạ mà chủ thể chính là cây. Nó không đơn độc mà là sự miên man, kéo dài, tầng tầng lớp lớp. Nó là rừng cây ở vùng sông nước Nam bộ, nó góc phố xanh rì và trắng hoa xoan, nó là hoa sữa đầu thu, nó là những chùm đỏ ối của sắc hoa mùa hè, sáng bừng mặt nước trong khung cảnh tràn đầy sắc xuân.

Beverly Sills từng nói: “Một chức năng chính của nghệ thuật và tư duy là giải phóng cá nhân khỏi sự chuyên chế của môi trường xung quanh và cho phép anh ta vượt ra khỏi nó để có sự tự chủ về nhận thức và phán đoán”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Buổi sớm trên sông"

Cách Phạm Khánh Thành mô tả lại câu chuyện phong cảnh cũng tương tự như vậy. Anh không chọn nhìn sự vật bằng tư duy thường lệ mà quyết định vượt khỏi “sự chuyên chế của môi trường xung quanh” để họa lại nó bằng suy nghĩ của mình. Tiếp bước những bậc thầy về hội họa ấn tượng (impressionism), nghệ thuật chấm màu trong hội họa tân ấn tượng (neo-impressionism) đã có những bước đi táo bạo hơn, quyết định xa rời những sắc thái hài hòa của thiên nhiên hơn và tiến vào tâm thế thách thức với hội họa cũ. Vì vậy, đó cũng là một phần nằm trong lý do anh chọn những bảng màu rất vui tươi, liên tục làm mới bản thân mà không sa đọa vào lối cũ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Giai điệu sắc màu"

Các tác phẩm của Phạm Khánh Thành quen thuộc nhưng nếu nói rằng nhàm chán thì không thể. Nó độc đáo từ trong phong cách cho đến bút pháp, nó đặc biệt từ bước chọn chủ thể cho đến tư duy không gian - ánh sáng. Những hòa sắc trong các tác phẩm của anh thay đổi qua từng khung cảnh: gam vàng chanh tươi tắn, hồng, xanh lam, lục, trắng titan… và bừng sáng trên nền bức họa như những hoan ca bất tận về cảnh sắc phong phú tới vô cùng của tự nhiên.

Phạm Khánh Thành sinh năm 1972 tại Thái Nguyên, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1998. Anh là hội viên của Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tranh của anh thuộc bộ sưu tập ở nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Áo, Úc, Nga, Trung Quốc, Việt Nam…

Nhật Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm