Phim thiên tai đầu tiên trong lịch sự điện ảnh

07/10/2016 07:17 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thiên tai bão lũ nhắc các fan điện ảnh nhớ lại The Poseidon Adventure (Chuyến hải hành tuyệt mạng) - bộ phim thiên tai thảm hoạ đầu tiên, giờ đã trở thành kinh điển trong lịch sử điện ảnh.

Cảm hứng từ một trải nghiệm có thật     

Tiểu thuyết gia người Mỹ Paul Gallico lấy cảm hứng viết cuốn The Poseidon Adventure từ một chuyến hành trình của ông trên con tàu Queen Mary. Lần đó ông đang dùng điểm tâm trong phòng ăn, bỗng con tàu gặp phải một đợt sóng lớn khiến cho người và đồ đạc chao đảo rơi ầm về phía bên kia con tàu.

Cuốn tiểu thuyết còn lấy thêm cảm hứng từ một sự kiện có thật khác - cũng đã từng xảy ra trên con tàu Queen Mary này - trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

Lúc ấy Queen Mary chở đầy quân Mỹ đang trên đường tới Châu Âu. Trời đang yên, biển đang lặng trên vùng biển Bắc Đại Tây Dương… đột nhiên một con sóng khổng lồ dị thường quật trúng khiến tàu chao đảo dữ dội như bị trúng thủy lôi…

Sau này, những hoa tiêu nhiều kinh nghiệm của Queen Mary đã tính toán rằng, nếu con tàu chỉ cần tròng trành thêm 13 cm nữa, thì nó sẽ bị lật úp giống như con tàu Poseidon xấu số trong tiểu thuyết.

“Những con sóng dị thường giữa đại dương” tương tự như thế, được cho là cứ 10.000 năm mới xảy ra một lần. Nhưng một cuộc nghiên cứu năm 2004 từ những hình ảnh radar vệ tinh cho thấy, cứ mỗi thập niên chúng có thể xảy ra thường xuyên tới hàng trăm lần trên đại dương.


Nội dung The Poseidon Adventure kể câu chuyện hư cấu về con tàu biển chở khách SS Poseidon (tên vị thần biển cả trong thần thoại Hy Lạp) – một con tàu du lịch sang trọng đã từng có một quá khứ lẫy lừng trong thời hoàng kim của du lịch. Vào thời điểm câu chuyện xảy ra, Poseidon thực hiện chuyến hải hành cuối cùng từ thành phố New York tới Athens, trước khi nó về hưu và bị tống vào bãi phế liệu.

Nhưng đúng vào thời khắc đầu tiên của năm mới, Poseidon bị một con sóng thần khổng lồ (do một trận động đất dưới biển gây ra), quật cho lật úp. Phần lớn của câu chuyện là sự vùng vẫy trong tuyệt vọng của một nhóm nhỏ hành khách và thủy thủ đoàn bị kẹt bên trong, họ đang tìm mọi cách đi ngược lên tầng đáy của con tàu – đang phơi bụng trên mặt biển – để mong tìm đường sống, trước khi nó bị chìm hẳn.

Trình làng năm 1969, The Poseidon Adventure trở thành một cuốn sách khá ăn khách. Nhà sản xuất chuyên về thể loại phim giả tưởng Irwin Allen cho rằng, cuốn tiểu thuyết này sẽ là một bộ phim hấp dẫn và kiếm được nhiều tiền, nên đầu thập niên 1970 ông cho chuyển thể cuốn sách lên màn ảnh.

Tạo những thử thách đột phá về thị giác bằng sức người      

Vào thời đó chưa ai hình dung được sóng thần giữa đại dương thực sự là như thế nào, và điện ảnh lúc ấy chưa phải đối diện với thách thức nào khó khăn như vậy.

Tuy cảnh sóng thần xuất hiện và đánh con tàu Poseidon lật úp chỉ diễn ra chưa tới 1 phút trên phim, nhưng nhà sản xuất Irwin Allen đã phải chi rất nhiều tiền để bộ phận hiệu ứng đặc biệt nghiên cứu và thực hiện cảnh này sao cho ấn tượng nhất. Phần lớn cảnh kỹ xảo này được thực hiện bằng mô hình trong trường quay.

Bằng mối quan hệ của mình, Irwin Allen đã thương lượng để quay một số trường đoạn trước khi bị lật úp trên chính con tàu thật RMS Queen Mary (tàu chở thư theo đường hàng hải của hoàng gia), gồm trường đoạn bão tố đầu phim, những cảnh trước khi xảy ra thảm họa trong các phòng khánh tiết và các tiền sảnh, những cảnh trên boong, và một cảnh trong phòng máy ở đầu phim.

Còn lại hầu hết ngoại cảnh của con tàu Poseidon được quay bằng một mô hình được xây dựng theo các bản thiết kế gốc của tàu Queen Mary.

Hiện, mô hình này được trưng bày tại viện bảo tàng hàng hải ở cảng Los Angeles.

Khái niệm kỹ xảo kỹ thuật số chưa hề xuất hiện vào thời điểm đó nên tất cả phải được thực hiện như thật bằng sức người. Một phần bối cảnh được xây dựng trên một hệ thống thủy lực để nâng nó lên một góc 45°, và các thủ thuật camera được sử dụng để tạo ra các góc quay gắt hơn. Nội cảnh con tàu bị lật úp được thực hiện khá công phu.

Bối cảnh cho phòng yến tiệc được thiết kế để cho rất ít vật thể cần được chuyển dịch từ sàn tới trần (và ngược lại). Các cây cột dọc theo các bức tường đều được làm giống hệt nhau ở đầu và chân cột, và các đồ trang trí trên tường hoàn toàn có thể rời ra được.

Để tạo cảm giác như thật, những diễn biến chính của bộ phim được quay đúng theo trình tự của cảnh quay, để các nhân vật chính trở nên dơ dáy hơn, tơi tả hơn và bị thương tích đúng theo diễn tiến của bộ phim. Ngoại trừ những cảnh quá nguy hiểm, còn đâu tất cả các pha mạo hiểm đều do chính diễn viên thực hiện, cũng may không ai bị thiệt mạng hay thương tích gì, mặc dù tất cả các diễn viên đều phàn nàn với nhà sản xuất về sự mệt mỏi rã rời khi đóng phim này. Tổng cộng 125 diễn viên đóng thế đã được sử dụng suốt quá trình bấm máy.

Khơi nguồn cho thể loại phim thiên tai và thảm họa

Quá trình bấm máy bị hoãn hai lần do hãng Fox lo ngại vấn đề chi phí sẽ tăng. Họ chỉ đồng ý cho dự án khởi động trở lại khi Irwin Allen may mắn tìm được những nhà đầu tư bên ngoài đồng ý bỏ thêm 1 khoản dự trữ tương đương với vốn đầu tư của hãng Fox dự kiến bỏ ra là 5 triệu đô-la – trong trường hợp bộ phim bị đội kinh phí.

Tuy nhiên, với sự lèo lái tuyệt vời của Allen, chi phí cuối cùng của bộ phim chỉ dừng ở đúng con số mà hãng Fox đã bỏ ra – Nghĩa là hãng Fox sau này vẫn phải chia số lãi khổng lồ của bộ phim cho các nhà đầu tư, khi chưa hề đụng đến bất kỳ xu nào trong khoản kinh phí tương đương (5 triệu đô-la) mà họ đã đồng ý bỏ thêm vào!

Do Irwin Allen cũng muốn làm đạo diễn phim này, nhưng hãng Fox lo ngại ông không đảm đương nổi cùng lúc 2 vai trò sản xuất và đạo diễn, nên Allen phải mời thêm Ronald Neame – một đạo diễn kỳ cựu nhưng kém tên tuổi – làm đồng đạo diễn với ông.

Tuy tên tuổi của bộ đôi đạo diễn chưa đủ sức nặng, nhưng bù lại dàn diễn viên có đến 5 diễn viên từng đoạt giải Oscar: Shelley Winters, Gene Hackman, Jack Albertson, Red Buttons và Ernest Borgnine – cũng như quy tụ nhiều tên tuổi khác cũng từng đoạt Oscar như nhà soạn nhạc John Williams, nhà biên kịch Stirling Silliphant, và nhà biên tập Harold F. Kress.

Với chủ đề ranh giới mong manh giữa người hùng và kẻ hèn nhát khi đối đầu trước cái chết, lồng trong một thảm họa kinh khủng của thiên nhiên, bộ phim đã dẫn dắt khán giả vào một cuộc phiêu lưu dài gần 2 giờ với vô số tình tiết hấp dẫn và căng thẳng từ đầu đến cuối.

The Poseidon Adventure đạt được thành công khổng lồ ở phòng vé, trở thành bộ phim có doanh thu số một của năm 1973, nhiều gấp đôi bộ phim đứng thứ hai năm đó là Deliverance.

Tới cuối năm 1974, với con số thu được là 84,6 triệu đô-la, The Poseidon Adventure đã nằm trong số sáu bộ phim thành công nhất về doanh thu trong lịch sử điện ảnh, cùng với Gone With The Wind, The Godfather, Love Story, Airport, The Sound of Music.

Năm 1972 bộ phim được 8 đề cử Oscar và đoạt một giải cho ca khúc hay nhất, The Morning After, và đoạt thêm một giải mới không có tính cạnh tranh, giải Thành tựu đặc biệt cho kỹ xảo – một trong những nền tảng đầu tiên cho hạng mục Best Visual Effect (Hiệu quả hình ảnh hay nhất) của giải Oscar sau này.

Thành công của bộ phim là nguồn cảm hứng, đưa thập niên 1970 trở thành thập niên của phim thiên tai thảm họa. Đã có hàng loạt bộ phim với đề tài tương tự, quy tụ toàn ngôi sao ra đời và cũng thành công không kém như: The Towering Inferno (1974), Earthquake (1974)…

Sau này, The Poseidon Adventure được làm lại hai lần: Một bộ phim truyền hình cùng tên (2005), và một bộ phim nhựa có tựa đề, Poseidon (2006) với kinh phí khổng lồ 160 triệu đô-la do Wolfgang Petersen đạo diễn, nhưng không thành công và chỉ là một bản sao mờ nhạt so với bộ phim gốc.

- Hai diễn viên Red Buttons và Carol Lynley thực ra rất ghét nhau dù nhân vật của họ yêu nhau. Cả 2 từ chối làm bất điều gì chung với nhau trừ lúc quay.

- Shelley Winters đã tăng gần 16 kg để vào vai “bà béo” Belle Rosen. Bà luyện tập với một huấn luyện viên bơi lội Olympic để nhân vật trong phim, vốn là một cựu vận động viên bơi lội từng đoạt giải, sẽ bơi một cách thuyết phục trong những cảnh dưới nước. Shelley Winters đã đoạt giải Quả cầu vàng và được đề cử giải Oscar Nữ diễn viên phụ trong bộ phim này.

- Đạo diễn Ronald Neame sau này nói rằng, đây là bộ phim mà ông yêu thích nhất vì nó… mang lại khoản tiền đủ cho ông sống sung túc đến suốt đời!

Bá Vũ
|Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm