NSƯT Tấn Minh: 'Chúng tôi không dựng vở chỉ để… đi thi'

27/11/2018 06:59 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện những vở diễn đạt huy chương vàng rồi rơi cảnh “đắp chiếu, bỏ kho” là điều không lạ ở những đơn vị nghệ thuật quốc doanh. Nhưng, với Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long của NSƯT Tấn Minh, họ đang gắng thoát khỏi lối mòn này với một tư duy riêng.

NSƯT Tấn Minh quyết 'khoe' vở nhạc kịch 'Vàng' về Hà Nội

NSƯT Tấn Minh quyết 'khoe' vở nhạc kịch 'Vàng' về Hà Nội

Sau khi nhận cơn mưa giải thưởng tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long quyết định đưa vở diễn Hà Nội, ngày… tháng… năm… - những thanh xuân rực rỡ ra công diễn tại Cung văn hóa hữu nghị Hà Nội vào ngày 28/11 tới.

Gần một năm trước, vở Hà Nội – Xưa và nay đã trở thành màn “chào sân” ấn tượng của Nhà hát trong nỗ lực “thị trường hóa”, từng bước hướng đến tự chủ tài chính. Chưa biết lãi lỗ thế nào, nhưng hiệu ứng từ vở diễn ấy là đủ tích cực để giám đốc NSƯT Tấn Minh cùng các thành viên Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long hướng tới “phép thử” tiếp theo, với Hà Nội, ngày… tháng… năm… sắp diễn ra.

“Chúng tôi muốn xoá bỏ định kiến của công chúng nói chung về một đoàn nghệ thuật Nhà nước. Nhà hát Thăng Long muốn là đơn vị đưa nghệ thuật đích thực đến với công chúng theo cách hợp lý hấp dẫn – cho dù lộ trình ấy không hề dễ dàng” NSƯT Tấn Minh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
NSƯT Tấn Minh

* Chúng ta hay nhắc tới nghịch lý:một vở diễn giành giải cao ở hội diễn thì công chúng lại ít khi đón nhận. Anh có nghĩ đến điều này sẽ xảy ra với “Hà Nội, ngày… tháng… năm… ”?

- Khi dựng vở, chúng tôi đã xác định đây là cuộc chơi với nghề. Nghĩa là phải làm sao để các đoàn khác nhìn vào và thấy mình, một đại diện thủ đô, đang ở vị trí đi đầu. Còn lại, chúng tôi không đặt mục tiêu lấy huy chương, không quan tâm đến giải luôn.

Nhưng vấn đề khán giả thì có đấy. Ngay từ khi xây dựng Hà Nội, ngày… tháng… năm…, chúng tôi đã tính đến vấn đề này rồi. Làm nghệ thuật đúng nghĩa nhưng vẫn phải hấp dẫn và làm sao để công chúng xem được. Tác phẩm hay thì phải có đời sống, phải thú vị, người bình thường xem phải thích.

Tôi cũng biết chuyện nhiều tác phẩm hay nhưng thi xong chỉ đóng gói lại vì nhiều lý do. Có thể chương trình quá nặng về chuyên môn và chỉ những người “nhà nghề” mới đủ trình độ cảm nhận. Hai là bản thân những đoàn đó không có điều kiện đưa sản phẩm ra công chúng. Biết thế, nên tôi muốn Nhà hát Thăng Long phải đưa được nghệ thuật đích thực ra công chúng. Làm được rồi mình mới nghĩ đến chuyện giúp đơn vị khác.

Chú thích ảnh
Một cảnh trong “Hà Nội, ngày… tháng… năm”

* Phụ trách âm nhạc cho 2 chương trình lớn của nhà hát đến nay đều là nhạc sĩ Dương Cầm. Dù Dương Cầm năm vừa qua giành giải Âm nhạc Cống hiến, cũng từng tham gia và giành giải với những đoàn nghệ thuật khác, nhưng bản thân nhà hát Thăng Long có không ít nghệ sĩ “lão làng”. Có lý do gì cho lựa chọn này?

- Chúng ta phải tin các bạn trẻ, để các bạn thoả sức sáng tạo không giới hạn. Các bạn làm hết sức, đầy đam mê và tôi luôn ủng hộ dù có thể nhiều thứ chưa được chuẩn mực.

Tất nhiên tôi và một số anh em lớn hơn ở cạnh sẽ theo dõi. Cái gì không ổn chúng tôi ngồi với nhau có phân tích, giải trình. Tôi tin Dương Cầm có đủ kiến thức và sự khó tính, cầu toàn để hoàn thành tốt công việc.

* Dẫu vậy, anh có sợ những người thuộc thế hệ trước sẽ “chạnh lòng”?

- Một điều rất tốt là anh em nhà hát không hề có tư duy đó, chúng tôi cởi mở và cập nhật, phát huy hết cỡ khả năng của anh em trong nhà hát.

* Tinh thần cởi mở đó đã có từ trước hay chính anh phải thay đổi nếp nghĩ của mọi người?

- Có thể nói là từ khi tôi làm, tinh thần này được phát triển nhiều hơn. Tất nhiên trước đó phải có sẵn rồi. Tôi rất mừng là Nhà hát của tôi đang trẻ hoá rất mạnh. Những người trẻ thì không nói, còn những người tài năng có kinh nghiệm, như chị Thanh Thanh Hiền chẳng hạn, đã không làm thì thôi, bắt tay vào thì tụi trẻ có mà dạt hết – cả về ý thức kỷ luật, sự chuyên nghiệp hay độ từng trải...

* Ngoài đầu tư cho các chương trình, trong năm tới anh có dự định gì?

- Tôi muốn xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, chuyên trách các nhiệm vụ của nhà hát. Ví dụ như khâu truyền thông cũng phải có người chuyên trách. Tôi và một số anh em “chinh chiến” ở ngoài nhiều rồi nên cũng có kinh nghiệm. Tôi nghĩ sẽ không quá khó khăn.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Hà Nội, ngày, tháng, năm – Những thanh xuân rực rỡ

Tối 28/11 tới, vở diễn Hà Nội, ngày… tháng… năm sẽ được Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long giới thiệu đến công chúng tại sân khấu Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội. Vở diễn từng giành Huy chương Vàng tại Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc 2018, đồng thời đem về “cơn mưa” huy chương cũng như giải thưởng cho các nghệ sĩ tham gia.

Hà Nội, ngày… tháng… năm sẽ được xây dựng dưới dạng nhạc kịch, với sự bắt tay của bộ ba Tấn Minh (chỉ đạo nghệ thuật), Trần Ly Ly (đạo diễn sân khấu) và Dương Cầm (giám đốc âm nhạc). Chương trình gồm những tiết mục kết nối với nhau, phác họa nên chân dung Hà Nội của những năm 1970, từ những đổ nát chiến tranh đến trẻ trung, thanh lịch.

Hà Nội, ngày… tháng… năm… có sự tham gia của nhiều ca sĩ là nhân sự của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long như Tấn Minh, Khánh Linh, Đông Hùng... cùng ca sĩ khách mời Hồng Nhung.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm