NSND Thúy Mùi: Hà Nội là khái niệm gắn với chiều sâu

30/07/2018 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội tại phố đi bộ Hồ Gươm đã diễn ra vào sáng qua 29/7 như một cột mốc đáng nhớ kỷ niệm 10 năm mở rộng Hà Nội. Chất lượng được đánh giá tốt, quy mô lớn với hơn 5.000 diễn viên, vậy nhưng khá bất ngờ, sự kiện này gần như chỉ sử dụng nguồn kinh phí xã hội hóa.

1. Thẳng thắn, dù có chủ trương từ lâu, việc tổ chức những sự kiện văn hóa theo cách này không phải bao giờ cũng gặp thuận lợi.

“Nhưng, đó vẫn là lựa chọn khả thi nhất trong thời điểm này. Nếu cứ trông chờ vào nguồn kinh phí bao cấp từ Nhà nước, sẽ phải rất lâu, chúng tôi mới có thể thực hiện một lễ hội quy mô như vậy ở phố đi bộ Hồ Gươm” - NSND Thúy Mùi, tổng đạo diễn chương trình, chia sẻ.

Vài tháng trước, NSND Thúy Mùi vừa chính thức rời vị trí quản lý Nhà hát Chèo Hà Nội để giữ vai trò Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu (thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam). Và, Trung tâm chính là đơn vị đã đứng ra vận động, kêu gọi các nguồn lực tài trợ để phối hợp cùng Sở VH,TT Hà Nội tổ chức lễ hội trong sáng 29/7.

Chú thích ảnh
Đạo diễn - NSND Thúy Mùi

“Thực ra, có không ít cá nhân hay tổ chức dành rất nhiều tình cảm cho văn hóa Hà Nội hay cho nghệ thuật truyền thống của Thủ đô” - chị nói thêm - “Vấn đề là ở cách thực hiện. Chúng tôi không thể lợi dụng sự nhiệt huyết của họ - mà ngược lại, cùng cố gắng chia sẻ để tìm được tiếng nói chung với nhau…”.

Không tiết lộ cụ thể về kinh phí, nhưng chắc chắn, việc tổ chức vận hành lễ hội với sự tham dự của 5.000 diễn viên, kèm theo các vấn đề về trang phục, đạo cụ, kỹ thuật phụ trợ… là không hề nhỏ. Bởi thế, đạo diễn Thúy Mùi và các cộng sự cũng phải tính toán rất kỹ để “liệu cơm gắp mắm”. Đơn cử, toàn bộ phần hoa tươi cho các màn múa hoa trong lễ hội là do Ban tổ chức cử người vào tận các làng hoa để mua được giá gốc. Hoặc, toàn bộ phần áo dài cổ cho diễn viên đều được đi thuê ở những hàng quen.

“Khó khăn thì nhiều, nhưng chúng tôi vẫn vui vì được tổ chức một lễ hội ở ngay tại không gian là “trái tim” của Thủ đô Hà Nội” - đạo diễn Thúy Mùi cho biết thêm - “Thực ra, năm 2014, tôi cũng có dịp làm tổng đạo diễn một lễ hội dân gian tại Hồ Gươm, nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, do nguồn kinh phí rất hạn hẹp, nên tôi không thể triển khai hết những ý tưởng của mình”.

Chú thích ảnh
NSƯT Minh Vượng (Nhà hát Kịch Hà Nội) và đồng nghiệp tái hiện cảnh đám cưới xưa của người Hà Nội trong lễ hội sáng 29/7

2. Dành cả tuổi thanh xuân cho sân khấu chèo Hà Nội, một cách tự nhiên, NSND Thúy Mùi từ nhiều năm qua vẫn mong có dịp tổ chức một chương trình lễ hội đường phố lớn cho thành phố. Chị nói, đó là cách để mình có thể đóng góp nhiều nhất từ góc độ chuyên môn, trong việc tạo dựng những giá trị văn hóa riêng của Hà Nội.

Bởi thế, tới dịp thành phố kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, Thúy Mùi và NSND Lê Khanh, đã chủ động đề xuất với thành phố được tổ chức chương trình có tên Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và toả sáng. Cùng với họ còn có NSƯT Mai Hương tại Nhà hát Chèo Hà Nội, người từng gắn bó với Thúy Mùi trong rất nhiều chương trình, và NSND Hương Thơm của Nhà hát Tuồng Việt Nam.

“Nhiều người hỏi đùa là đạo diễn nam đâu, lại để 4 bà phụ nữ cùng đứng ra tổ chức chương trình với nhau” - Thúy Mùi kể - “Tôi đành trả lời là chị em phụ nữ thì dễ nhẹ dạ, thích lên là nằng nặc rủ nhau làm ngay. Thật ra, cùng là chị em thân thiết, cùng hào hứng với việc dựng một chương trình cho Hà Nội, chúng tôi không khó để tìm được tiếng nói chung khi dàn dựng.

Chẳng hạn, Lê Khanh là người rất yêu văn hóa Hà Nội cũ. Và chúng tôi đều thấy thích ý tưởng của Khanh với màn trình diễn áo dài cổ, áo dài cách tân và áo dài đương đại trong chương trình. Bởi, từ cả trăm năm nay, trang phục ấy luôn có sự gắn kết, song hành với ý niệm về sự đoan trang, tao nhã của người phụ nữ Hà Nội”.

Thực tế, chương trình lễ hội tại phố đi bộ Hồ Gươm vào sáng 29/7 không chỉ có màn trình diễn áo dài ấy. Đó còn là những phần dàn dựng mô phỏng đám cưới của người Hà Nội cũ, là các điệu múa sênh tiền và con đĩ đánh bồng, là những điệu múa rồng, múa lụa, múa hoa… đến từ nghệ nhân của các làng nghề quanh Hà Nội. Đúng như mong muốn của NSND Thúy Mùi và các nữ đạo diễn, đó là những nét tinh hoa của văn hóa Hà Nội mà người ta rất dễ bỏ qua bởi nhịp độ hối hả của cuộc sống hiện đại.

“Hà Nội là một khái niệm gắn với chiều sâu. Văn hóa Hà Nội rất dày và cách thưởng thức văn hóa của người Hà Nội cũng rất tinh tế, thậm chí là có phần khó tính” - NSND Thúy Mùi nói - “Tất cả những điều ấy gợi mở để chúng ta cùng nghĩ về những lễ hội văn hóa khác cho Thủ đô trong tương lai”.

Đạo diễn NSND Thúy Mùi: Hồ Gươm là nơi ‘trời cho’ để tổ chức lễ hội đường phố

Đạo diễn NSND Thúy Mùi: Hồ Gươm là nơi ‘trời cho’ để tổ chức lễ hội đường phố

Mang quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực phố đi bộ Hồ Gươm, lễ hội đường phố có tên “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và toả sáng”sẽ diễn ra vào sáng mai 29/10, với sự tham gia của 5000 nghệ sĩ, diễn viên và hàng chục ngàn khán giả.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm