NSND Đoàn Dũng: Nửa thế kỷ cống hiến cho cả sân khấu và điện ảnh

19/09/2018 08:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay, 19/9, người thân, bạn bè và đồng nghiệp đưa tiễn NSND Đoàn Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng. Vậy là sau tròn nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật, cánh chim không mỏi trên bầu trời sân khấu và điện ảnh nước nhà đã ra đi mãi mãi!

Ông qua đời sáng 17/9 tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), sau thời gian chữa trị, thọ 80 tuổi.

Duyên nghiệp với nghệ thuật

NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1939 ở làng Thanh Miện thuộc vùng ngoại ô của Hà Nội, yêu văn chương nghệ thuật từ nhỏ. Năm 1958, tốt nghiệp phổ thông, ông thi vào khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Thi trượt, Đoàn Dũng tình nguyện vào bộ đội pháo binh.

Hết thời gian tại ngũ, năm 1961, ông là sinh viên khóa đầu tiên Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, cùng thời với những tên tuổi lớn sau này như NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, cố NSND Lâm Tới…

Chú thích ảnh
NSND Đoàn Dũng qua phác họa của họa sĩ Doãn Châu

Tốt nghiệp loại ưu, Đoàn Dũng về nhận công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Trải qua nhiều năm tháng phấn đấu, trau dồi và miệt mài với diễn xuất, Đoàn Dũng trở thành một trong những cái tên nổi trội trên sân khấu Việt Nam trong thời kỳ vàng son nhất (thập niên 1970-1980). Trong đó, ông có những vai diễn để đời trong các vở kịch lớn từng được Huy chương Vàng hay rất “ăn khách” như: Người cha thô bạo, Khúc thứ 3 bi tráng, Vụ án người đốt đền, Âm mưu và tình yêu, Lịch sử và nhân chứng, Đêm giông tố, Hoa pháo, Bài ca Điện Biên…

Từ sàn diễn sân khấu, Đoàn Dũng được nhiều đạo diễn điện ảnh mời đóng phim. Vai diễn đầu tiên của ông trên màn ảnh là nhân vật Đại đội trưởng trong phim điện ảnh Biển lửa của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Tiếp đó là vai anh lính tên Vệ trong bộ phim nổi tiếng Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) của cố đạo diễn - NSND Hải Ninh.

Sau này, Đoàn Dũng còn nhiều vai diễn khác và đặc biệt là vai Đề Thám trong bộ phim điện ảnh Hoàng Hoa Thám - Thủ lĩnh áo nâu (1987) đã giúp cho tên tuổi của Đoàn Dũng càng ghi đậm hơn trong lòng người xem. Ngoài ra, ông còn đóng trong các phim điện ảnh và truyền hình như: Biển lửa, Độ dốc, Ngõ hẹp, Cha và con, Em bé Hà Nội, Tình yêu bên bờ vực thẳm, Trừng phạt, Trái đắng, Nàng Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Ngọn tháp Hà Nội, Tây Sơn hào kiệt…

Với vóc dáng thấp đậm, không điển trai và hào nhoáng có vẻ như Đoàn Dũng không được sinh ra để làm diễn viên. Vậy mà đằng sau cái vẻ thô mộc ấy là một tâm hồn nghệ sĩ sâu sắc và vô cùng lãng mạn. Sở hữu vóc dáng phục phịch, giọng nói oang oang, tiếng cười hào sảng, Đoàn Dũng gần như được “đo ni đóng giày” cho những vai diễn cá tính. Những vai diễn như: người cha (trong Người cha thô bạo), Erostrate (Vụ án người đốt đền), hay vai Đề Thám… đã trở thành dấu ấn khó quên trong mắt khán giả khi nhắc đến NSND Đoàn Dũng.

Với những cống hiến cho sân khấu và điện ảnh, Đoàn Dũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984 và danh hiệu NSND vào năm 1997.

Chú thích ảnh
NSND Đoàn Dũng (trái), NSND Trà Giang (giữa) và NSƯT Thùy Liên trong buổi giao lưu với khán giả tại LHP Việt Nam tháng 12/2015

Đam mê luôn cháy bỏng

Sau hào quang của nhiều vai diễn, NSND Đoàn Dũng lui về dành phần lớn thời gian cho công việc của một nhà giáo. Năm 1988, Đoàn Dũng chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM tham gia giảng dạy tại Trường Điện ảnh Việt Nam (Chi nhánh TP.HCM).

Học trò của ông trong những năm đầu 1990 là các ngôi sao của thời phim thị trường “ăn khách” như: Việt Trinh, Lý Hùng, Diễm Hương... Năm 1995, Trường Nghệ thuật Sân khấu II và Điện ảnh Việt Nam (Chi nhánh TP.HCM) được sáp nhập thành Trường Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM. Năm 1996, Đoàn Dũng được cử giữ chức Hiệu trưởng của trường.

Có thời điểm, sân khấu và điện ảnh rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Người yêu nghề mai một dần đi. Mặc dù nhận được nhiều lời mời đóng phim hay diễn kịch nhưng Đoàn Dũng chỉ thỉnh thoảng mới nhận một vài vai diễn cho đỡ nhớ nghề. Thời gian chủ yếu của ông dành cả cho việc đào tạo các diễn viên trẻ.

Từ năm 2000, NSND Đoàn Dũng nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tích cực tham gia giảng dạy truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm cho bao lớp diễn viên, đạo diễn sau này, rồi còn làm giám khảo của các cuộc tuyển chọn diễn viên, các liên hoan sân khấu và phim ảnh.... Các đạo diễn điện ảnh và truyền hình những năm 2000 và hiện nay như Tường Phương, Nguyễn Phương Nam, Vinh Hương, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng rồi Bá Vũ, Phương Điền, Vũ Thành Vinh, Hồng Ngân, Hồng Ánh… đều là học trò của ông.

Ông đã viết nhiều giáo trình giảng dạy, đưa nhiều phương pháp đào tạo mới về mặt bố cục sân khấu, phân tích tâm lý nhân vật qua những kinh nghiệm thực tiễn mà ông đã đúc kết qua hàng trăm vai diễn trên sân khấu, trên phim trường.

Nhiều năm gần đây, dù đã hơn 70 tuổi đời, NSND Đoàn Dũng vẫn xông xáo và tâm huyết với công việc của một người làm nghệ thuật. Với phương tiện di chuyển chủ yếu là chiếc xe máy cũ, NSND Đoàn Dũng vẫn đi dạy diễn xuất, xem phim, xem kịch, làm giám khảo cho giải thưởng Cánh diều, giao lưu với khán giả ở các Liên hoan phim Việt Nam, các hội thảo liên quan đến sân khấu và điện ảnh. Với giọng nói hào sảng, mạch lạc, khúc triết và đầy tâm huyết trong các bài tham luận, các ý kiến đưa ra, ở NSND Đoàn Dũng người ta vẫn thấy sức sống và niềm yêu mến nghệ thuật ở ông luôn tràn đầy, đồng thời luôn đau đáu cho tương lai của điện ảnh và sân khấu Việt Nam.

Xuân Hướng

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018: Tiếc cho 'Bạc' già, buồn vì 'Bạc' non

Nhìn về tổng thể, có thể nói Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 đã tương đối thành công và chuyên nghiệp. Đây xứng đáng là cơ sở cho Ban tổ chức căn cứ vào đó để làm tốt hơn cho những lần tiếp theo. Tuy nhiên, sự kiện nào cũng có những giá như và tiếc nuối, lần này đến từ hai Huy chương Bạc (HCB).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm