20/09/2021 08:35 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những cuộc thi piano danh giá nhất thế giới - Chopin Competition lần thứ 18 - sẽ chính thức diễn ra tại thủ đô Warszawa, Ba Lan từ ngày 2 đến 23/10.
Năm nay, cuộc thi tạo được sự quan tâm đặc biệt đối với giới yêu nhạc hàn lâm Việt Nam khi có sự xuất hiện của thí sinh Nguyễn Việt Trung (quốc tịch Việt Nam/ Ba Lan) và một thí sinh khác - quốc tịch Canada có bố là người Việt; đồng thời là sự trở lại lần thứ 4 của NSND Đặng Thái Sơn trong vai trò thành viên ban giám khảo.
Báo Thể thao và Văn hóa có cuộc trò chuyện với NSND Đặng Thái Sơn trước thềm diễn ra vòng chung kết của cuộc thi.
Cuộc thi dân chủ nhờ công nghệ
* Trước hết, xin chúc mừng ông với chiếc “ghế nóng” được ngồi lần thứ 4 tại cuộc thi danh giá này. Chắc hẳn, ông đã thấy quen với vị trí này và không còn áp lực?
- Chấm thi nhiều thì kinh nghiệm cũng sẽ nhiều lên mà. Còn áp lực thì có lẽ lại là ở việc lâu lắm tôi mới lên sân khấu, lại còn diễn mở màn cho vòng chung kết. Nghĩ đến mà tôi cũng thấy… thót tim! (cười).
Tôi sẽ chơi tác phẩm viết cho 4 piano của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach (Concerto for 4 pianos in A minor, BWV 1065) cùng 3 nghệ sĩ đã đoạt giải Nhất tại các kỳ thi Chopin trước đây là Martha Argerich, Yulianna Avdeev và Kevin Kenner (giải Nhì năm 1990 - năm không có giải Nhất) cùng Warsaw Philharmonic Orchestra. Đây sẽ là một kỷ niệm khó quên của tôi tại Chopin Competition lần thứ 18.
* Dù năm nay vẫn còn dịch bệnh, nhưng theo ông chất lượng của thí sinh năm nay thế nào và đâu là sự khác biệt đáng chú ý của cuộc thi năm nay?
- Chất lượng thí sinh của năm nay được đánh giá là có khá nhiều gương mặt xuất chúng, khiến những người “cầm cân nảy mực” ngay tại vòng loại cũng phải… đau đầu!
Về điều khác biệt, tôi nghĩ đó là ở hình thức tổ chức khi ban tổ chức quyết định truyền trực tiếp hoặc phát sóng lại phần thi của các thí sinh ngay từ vòng loại cũng như việc công khai chi tiết điểm số của từng thí sinh chỉ sau 2 ngày trao giải. Công nghệ đã khiến cho cuộc thi trở nên dân chủ, minh bạch hơn rất nhiều.
* Nhưng đó cũng là áp lực đối với thí sinh và với chính giám khảo khi mà nhiều con mắt “đổ dồn” vào một điểm thì cũng dễ “năm người, mười ý”?
- Đúng vậy và đó là điều không tránh khỏi. Trước đây, khi các điểm số chỉ nằm trên giấy và có thể không công khai rộng rãi cũng đã luôn có những phản ứng trái chiều từ công chúng hay cả thí sinh ngay sau khi cuộc thi kết thúc, huống chi là việc thi và chấm thi lần này đều còn có sự “soi xét” của cả bàn dân thiên hạ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ ở vai trò nào cũng phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Với vai trò là giám khảo, trọng trách của chúng tôi chính là công bằng. Và kết quả ở đây là trung bình cộng sự công bằng của cả một tập thể ban giám khảo.
Cá tính là yếu tố then chốt
* Vậy sự công bằng hay nói cách khác, quan điểm chấm thi của ông tại Chopin Competition lần thứ 18 là gì?
- Có rất nhiều tiêu chí chấm thi ở mỗi giám khảo. Với cá nhân, tôi sẽ đưa ra những tiêu chí cho điểm ở từng vòng thi. Với vòng loại lấy 40 thí sinh, tôi chọn những người có tài, họ có thể là những thí sinh chưa hoàn thiện về mặt nào đó và thậm chí có thể gây tranh cãi.
Vòng loại lấy 20 thí sinh, tôi chọn những thí sinh chơi chỉn chu, có thể chưa có nhiều tính nghệ sĩ, nhưng đến vòng loại 10 thí sinh thì đó phải là những thí sinh có những phần thi có sức thuyết phục ở phong cách trình diễn, thể hiện được ngôn ngữ tác giả ở các thể loại. Và vòng cuối cùng, cá tính thí sinh là yếu tố then chốt mà tôi lựa chọn thứ tự xếp hạng.
* Năm nay, Việt Nam vinh dự khi có đại diện là Nguyễn Việt Trung đã lọt vào vòng chung kết. Theo ông, đâu là những lợi thế của thí sinh này tại cuộc thi?
- Trung ở Ba Lan từ nhỏ, có điều kiện "thấm" văn hóa Ba Lan, trong đó có âm nhạc. Trung hiện còn là học sinh của 1 trong những tay đàn piano thuộc vào “hàng” nhất nhì Ba Lan và cũng là trưởng ban giám khảo cuộc thi năm nay.
* Vậy đâu sẽ là những lợi thế dành cho những thí sinh không thuộc về “sân nhà”, thưa ông?
- Tôi nghĩ, ranh giới giữa bất lợi và lợi thế, có lẽ nằm ở sự bất ngờ. Nhớ lại Chopin 1980, có lẽ thành công mà tôi có được, cũng nhờ có yếu tố này.
Thực tế là hồ sơ đăng ký dự thi năm đó của tôi đã suýt bị gạt chỉ vì thông tin vỏn vẹn có đúng 2 dòng: Sinh ra ở Việt Nam và học tại Nhạc viện Tchaikovsky. Một thí sinh chưa bao giờ đi thi và cũng chưa bao giờ biểu diễn trước đó, lại còn đến từ đất nước Việt Nam xa xôi, “lạc” giữa châu Âu như vậy, được xem là một nhân tố đáng chú ý ở thời điểm ấy.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
87 thí sinh vào Vòng Chung kết Cuộc thi piano Chopin có lịch sử từ năm 1927 với người đầu tiên đoạt giải nhất là Lew Oborin. Qua 17 lần tổ chức, Vòng chung kết Chopin Competition lần thứ 18 sẽ diễn ra từ 2 đến 23/10 tại Warszawa, Ba Lan với 87 thí sinh, tuổi từ 17 đến 31, đến từ 18 quốc gia. Các thí sinh sẽ qua nhiều vòng “đấu loại” (2-17/10) và 10 thí sinh cuối cùng sẽ tranh tài để xếp hạng (18-20/10). Từ 21 đến 23/10 là các đêm trình diễn của thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba. BTC sẽ trao 6 giải thưởng chính xếp hạng từ 1 đến 6 và 4 giải phụ. Tổng trị giá giải thưởng là 138 ngàn euro trong đó giải Nhất trị giá 40 ngàn euro. |
Ngọc Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất