Nỗi buồn Tháp Cổ

20/07/2008 14:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Tháp Chót Mạt và tháp Bình Thạnh ở Tây Ninh là hai di tích lịch sử văn hóa Khmer duy nhất còn sót lại ở miền Đông Nam bộ. Hai quần thể kiến trúc này được xây dựng từ thế kỷ VII - IX thuộc nền văn hoá Óc Eo, năm 1998, được Sở Văn hoá thông tin (cũ) Tây Ninh chủ trì trùng tu với kinh phí hàng tỷ đồng. Thế nhưng, việc trùng tu này đã làm biến mất nguyên bản kiến trúc ban đầu của tòa tháp cùng với sự buông lỏng quán lý khiến tháp cổ ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng.
 Biển chỉ dẫn tháp Bình Thạnh cây mọc che khuất
Cô lập tháp Chót Mạt
 
Đến xã Tân Phong, huyện Tân Biên, thấy ngoài đầu một con hẻm nhỏ có bảng lớn hướng dẫn di tích lịch sử văn tháp Chót Mạt, 1.500 mét. Thế nhưng, đường vào chưa được 200 mét thì bao nhiêu háo hức ban đầu của chúng tôi hoàn toàn tan biến bởi trước mặt là con đường sình lầy, dơ bẩn. Cố gắng điều khiển xe máy vào thêm được một đoạn nữa rồi cuối cùng chúng tôi cũng đành gửi xe ở nhà một người dân và bỏ giày, xắn quần đi bộ tiếp. Biết chúng tôi vào tháp, bà Liễu Ngọc Bích, người dân sống trong khu vực lắc đầu ngáo ngán : “Trước đây có một số đoàn khách nước ngoài đến thăm quan, những cũng đành bỏ xe đi bộ như thế này. Một vài đoàn khác thì xe bị mắc lầy, không vào được đành phải quay ra”. Gần một giờ đi bộ và vượt qua nhiều đoạn đất sình, bờ ruộng, cầu tre, thậm chí có đoạn phải đi nhờ vào sân nhà của người dân và đi ngang những con trâu đang trầm mình giữa đường, chúng tôi mới tới được chân tháp.

Ông Nguyễn Thành Tôn, 68 tuổi, người trông giữ tháp Chót Mạt cho biết: “Đường vào tháp này là con đường xe trâu, xe bò của bà con nông dân dùng để kéo phân tro, lúa thóc nên nó ngày càng bị đào xới và lún sâu. Mùa khô thì nổi cát, mùa mưa nước ứ đọng triền miên. Trước đây Sở Văn hoá thông tin tỉnh cũng đã có kế hoạch nâng cấp con đường, nhưng tôi cũng không hiểu sau gần cả chục năm qua vẫn chưa thực hiện. Hầu hết bà con trong khu vực này đều sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường và rất mong Nhà nước sớm nâng cấp con đường để vận chuyển nông sản, con em đi học dễ dàng”.
 Đường vào tháp Chót Mạt trở thành vũng trâu đầm
Về khách tham quan, ông Tôn cho biết "khi đền tháp mới trùng tu xong cũng có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, nhưng vì đường vào khó quá nên họ chỉ đến một lần rồi không thấy quay lại nữa”. Ông Tôn kể thêm, năm 2007, có một số cán bộ Đoàn thanh niên của quận Phú Nhuận (TP.HCM) đến liên hệ để xin vào tháp tổ chức “sinh hoạt về nguồn”. Nhưng sau khi đi tiền trạm, các bạn trẻ này thấy đường vào lầy lội quá nên đổi hướng, chuyển sang Căn cứ trung ương cục miền Nam cắm trại. Với kinh nghiệm gần mười năm trông coi tháp, ông Tôn khẳng định: “Nếu có đường vào đàng hoàng thì chắc chắn khách du lịch sẽ đến đây nhiều hơn”.

Nói về đường vào tháp Chót Mạt, ông Phan Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phong cũng tâm sự: “Đường vào tháp Chót Mạt là công trình do Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư. Ở góc độ chính quyền địa phương, chúng tôi cũng rất quan tâm. Xã đã nhiều lần tổ chức họp dân để vận động bà con cùng hiến đất mở rộng đường với tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Hầu hết bà con đều ủng hộ, chỉ còn vướn một người đòi bồi thường, nhưng chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết. Đến bao giờ công trình mới được khởi công thì tôi không biết”.
 
Bỏ hoang tháp Bình Thạnh

Tháp Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) cũng tồn tại những điều không hay. Trước đây, tại ngã ba ấp Voi (xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) có một bảng chỉ dẫn đường vào tháp Bình Thạnh khá to. Nhưng những năm gần đây, trong quá trình mở rộng lộ giới, bảng chỉ dẫn này bị tháo bỏ và “quên” gắn lại. Thay vào đó là những căn nhà tường san sát mọc lên, nếu không phải là người thông thuộc địa bàn thì khó có thể biết được đâu là đường vào tháp cổ. Con đường vào tháp Bình Thạnh cũng có những đoạn không kém chông gai. Qua khỏi ngã ba ấp Voi khoảng 300 mét là đến đoạn đường đầy đá xanh lởm chởm kéo dài đến tận cầu Dinh Ba. Ông Trần Văn Quýt, 70 tuổi, người dân địa phương bức xúc: “Những năm trước, con đường này bị xuống cấp trầm trọng, được Nhà nước đầu tư nâng cấp, sửa chữa, chúng tôi rất mừng. Nhưng không hiểu sao đơn vị thi công làm chưa hoàn thành thì “lặn” luôn, bỏ con đường dang dởõ hơn hai năm nay”.
 Tháp cổ Bình Thạnh
Gần đến tháp Bình Thạnh, cũng có một bảng chỉ dẫn rất to, nhưng có lẽ do ngành chức năng “bỏ lọt sổ” nên bảng này bị gỉ sét gần hết, cây cối mọc um tùm và trở thành nơi phơi quần áo của những hộ dân xung quanh. Từ huyện lộ 784 vào tháp từ trước đến nay chỉ là một lối mòn trũng thấp chứ chưa có được một con đường hoàn chỉnh. Đến tháp thì càng hỡi ôi hơn. Mặc dù quần thể tháp cổ Bình Thạnh được xây dựng trên một gò đất cao, có cổng rào và lối vào lát gạch rát nên thơ, nhưng khu di tích này như chốn hoang tàn. Cổng vào mở nhưng không thấy ai trông coi. Vừa vào cổng chúng tôi thấy ngay một bãi phân trâu nằm giữa lối đi. Những con đường lát gạch nên thơ ấy đầy lá cây, hoa sứ rơi rụng. Bên trong tháp thì càng tệ hơn. Trên nền gạch phân dơi rải đầy và mùi khai bốc lên nồng nặc không chịu nổi.
 
Chúng tôi đem những vấn đề tai nghe mắt thấy này trao đổi với ông Biện Văn Ô, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, thì được ông cho biết: “Từ nhiều năm nay, khu vực đền tháp này giao cho ông Nguyễn Văn Đước, 70 tuổi, người dân địa phương trông coi. Nhưng vì ông tuổi cao sức yếu nên không quét dọn thường xuyên. Còn việc các bảng chỉ dẫn bị tháo đi hoặc bị gỉ sét là trách nhiệm của ngành văn hoá chứ không phải nhiệm vụ của chúng tôi !” . Tuy nhiên, ông Ô cũng cho biết thêm, tại kỳ họp HĐND huyện Trảng Bàng vừa qua, chính quyền xã đã đề xuất cấp trên cho đầu tư nâng cấp từ mé đường 784 vào tháp thành con đường đất đỏ cho dễ đi lại …
 
Nhất bên trọng nhất bên khinh

Có dịp đến tìm hiểu cả hai ngôi tháp cổ quý giá này, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề khác cần phải quan tâm bênh cạnh chuyện cơ sở hạ tầng. Theo tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương thì cả hai đền tháp này đều thuộc nền văn hoá Óc eo. Người xưa xây dựng đền tháp như các công trình tín ngưỡng để thờ những thần mà họ tôn kính. Nhưng sau khi trùng tu, hai đền tháp này có rất nhiều điểm không giống nhau. Về kiến trúc, trong khi tháp Bình Thạnh có nhiều tầng với chiều cao 10,2 mét và trên cùng có một chóp nhọn hình tròn, thì tháp Chót Mạt bị “cụt đọt”. Bên trong tháp Bình Thạnh có một hình tượng bằng đá tượng trưng cho sự sống để trang trọng ở giữa thì ở tháp Chót Mạt, các hình tượng này bị “bỏ xó” phía sau nhà bảo vệ. Trong lòng ngôi tháp Bình Thạnh có những hộc hình lá trầu âm vào tường để thắp nhang thì ở tháp Chót Mạt, người cúng viếng không biết thắp nhang ở đâu. Ở quần thể tháp Bình Thạnh, xác định có đến ba đền tháp, còn ở Chót Mạt lại chỉ có hai ? Tháp Bình Thạnh có bia thông báo khá đầy đủ về giá trị lịch sử, văn hoá và quá trình trùng tu, tôn tạo, còn ở tháp Chót Mạt thì một dòng thông tin cũng không có. Khách đến tham quan nếu có thắc mắc thì được nghe người dân địa phương giải đáp theo kiểu “đoán mò”. Không hiểu tại sao lại có chuyện nhất bên trọng nhất bên khinh như vậy?

Bảo Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm