Nhớ nhà điêu khắc Trần Tuy: Liệt nửa người, vẫn sáng tác bằng tay trái

09/04/2019 10:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, 8/4, Lễ viếng nhà điêu khắc Trần Tuy đã diễn ra tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thái Tông, Hà Nội. Ông trút hơi thở cuối cùng hôm 2/4, kết thúc hành trình đẹp đẽ của một người nghệ sĩ tài hoa.

Nhà điêu khắc Trần Tuy qua đời ở tuổi 77

Nhà điêu khắc Trần Tuy qua đời ở tuổi 77

Nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật (từ năm 1993 - 2002), Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam qua đời sáng nay (2/4) tại Bệnh viện Quân đội 108.

1. Sinh năm 1942, trong suốt cuộc đời làm nghề, nhà điêu khắc Trần Tuy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã để lại nhiều thành tựu cho mỹ thuật Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực, từ điêu khắc, hội hoạ, đồ hoạ, ký hoạ và cả công tác nghiên cứu, báo chí chuyên ngành mỹ thuật. Hơn thế, ở góc riêng của một con người, ông thường được nhắc đến là một nhân cách sống lặng lẽ mà cao đẹp.

Chú thích ảnh
Nhà điêu khắc Trần Tuy (giữa) trao tặng tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Đại tướng.

Ở lĩnh vực chuyên môn điêu khắc của mình, ông để lại cho đời những tác phẩm mang tính tuyên ngôn của thời đại ông sống trong cách thể hiện hình khối hiện đại mà vẫn mang trong nó cái thâm trầmcủa dân gian, có thể kể tên tác phẩm như phù điêu Hùng khí Thăng Long; tượng Rồng chầu dài 5,5m tại sân hành lễ khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ. Nhiều tượng đài trên cả nước, tiêu biểu có tượng đài Chiến thắng Chi Lăng đặt tại Lạng Sơn (cao 10m)…; Các tác phẩm phù điêu của Trần Tuy xuất hiện ở nhiều nơi như: phù điêu trang trí Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, phù điêu trang trí Nhà hát Chèo Kim Mã, phù điêu Phòng họp Quốc hội…

Nhà phê bình mỹ thuật Quang Phòng đã từng viết về ông ở vai trò là Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật Thời nay: “Tôi coi trọng Trần Tuy vì anh là một nghệ sĩ có lương tri, điều mà một Tổng biên tập cần phải có. Lương tri thuộc về “Tài”, nó cho người ta khả năng phê phán đúng và biết nhận định tinh tế, không thiên lệch trước những vấn đề không giải quyết được bằng lí luận khoa học hay kiến thức chuyên môn. Ưu điểm thứ hai của Trần Tuy thuộc về “Đức”, đó là tấm lòng chân thật của Trần Tuy với nghề, với đồng nghiệp, bạn bè”.

2. Sau khi nghỉ công tác quản lý, vào khoảng năm 2006, số phận đã thử thách ông bằng một cơn tai biến quái ác khiếnTrần Tuy bị liệt nửa người.

Nhưng như người ta thường nói, ai đã từng ở ngưỡng cửa của sinh - tử sẽ tìm thấy nhiều ý nghĩa sống hơn. Quả vậy, tình yêu cuộc sống và nghị lực đã đưa ông vượt lên tất cả.

Ra khỏi viện, liệt nửa người bên phải, ông đã quyết kiên trì luyện tập từ những ngày bắt đầu tỉnh lại để viết và vẽ bằng tay trái. Bài luyện đầu tiên là viết chữ tên mình và vẽ những hình tròn, ông đã vẽ hàng ngàn hình tròn cho đến khi cảm thấy hài lòng.

Phải mất gần 2 năm để ông trở lại sáng tác bằng tay trái. Hàng chục tác phẩm chân dung những tên tuổi lớn đã ra đời vào thời kỳ này như tượng Thượng tướng Đào Đình Luyện, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Thượng tọa Thích Viên Thành, Đại lão Hòa Thượng Thích Phổ Tuệ…

Ở giai đoạn này, ông từng được nhắc đến với 2 bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp và rất được Đại tướng thích thú và khen ngợi. Sau này, Trần Tuy đã đã đích thân mang cả 2 bức tượng đến tặng Đại tướng trong những năm tháng cuối của Đại tướng (một bức lúc trẻ hơn và 1 bức lúc cuối đời của Đại tướng).

Cũng ở lĩnh vực chân dung, Trần Tuy còn được đặc biệt biết đến là một trong những người vẽ ký họa bút sắt trứ danh. Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt - người viết lời tựa cho cả 3 cuốn sách ký hoạ của Trần Tuy đã từng viết: “Về vẽ ký họa chân dung, cũng có một vài người tự nhận mình là "số 1". Anh Trần Tuy thì không bao giờ tự nhận mình như thế. Nhưng một họa sĩ vẽ chân dung như Trần Tuy, được như Trần Tuy, xưa nay hiếm có và khó có, nhưng Trần Tuy vẫn là người đầu tiên tôi thấy”.

Chú thích ảnh
Nhà điêu khắc Trần Tuy sáng tác tượng Trần Lập bằng tay trái

3. Một bức tượng khác khá độc đáo được thực hiện bằng tay trái là bức chân dung Trần Lập sau khi người nghệ sĩ tài hoa này mất vào tháng 3/2016.

Đó là một công việc nhiều thử thách vì làm tượng chân dung cần ảnh chụp các góc chi tiết của người được nặn hoặc người được nặn ngồi mẫu trực tiếp. Trường hợp Trần Lập thì chỉ còn ảnh trên mạng với rất nhiều hình hài đa dạng nhưng không có ảnh phía sau và các chiều trên xuống.

Vì quý mến “chất” con người Trần Lập và đặc biệt vì con trai ông là người đã cùng chơi nhạc với Trần Lập trong ban nhạc Bức Tường trong hơn 10 năm, nên ông đã quyết định làm tượng Trần Lập.

Ông chọn được khoảng 10 bức ảnh Trần Lập, mỗi ảnh lấy một chi tiết. Con trai ông - guitar bass nhóm Bức Tường - Trần Nhất Hoàng kể lại: “Bố tôi nói, mọi người đã quá quen với Trần Lập trên sân khấu - mạnh mẽ và đầy hào quang, nhưng cụ lại muốn nặn một Trần Lập đời hơn, thâm trầm và nhiều trải nghiệm. Ông đã tự quyết một“chân dung” cho anh Lập”.

Trần Nhất Hoàng kể tiếp: "Bức tượng được làm trong khoảng 20 ngày. Nặn cơ bản xong, ông gọi Trần Tuấn Hùng (guitar, sáng lập viên Bức Tường cùng Trần Lập) và tôi lên xem để nhận xét, góp ý. Tuấn Hùng cũng đã cầm dao nặn, ấn ấn, sửa sửa một vài chi tiết trên bức tượng. Bức tượng ban đầu được đổ bằng khuôn cao su để có thể nhân bản cho gia đình, bạn bè nếu thích, nên khuôn hơi vặn và co, khiến khuôn mặt hơi gầy. Ông đã quyết định sửa và đổ khuôn lại. Bức thứ 2 sau đó được đặt ở không gian chính của Không gian Bảo tàng Bức Tường (1995 Buctuong Story), rất được người hâm mộ Bức Tường yêu thích và chụp ảnh cùng với chú thích “chụp ảnh cùng Trần Lập” trong suốt những ngày tháng tồn tại của không gian Bảo tàng này.

4. Có một câu danh ngôn nói rằng, ai cũng sẽ chết, nhưng không phải ai cũng được sống cuộc đời đúng nghĩa.

Trần Tuy đại diện cho một thế hệ những người nghệ sĩ xưa, sống giản dị, say nghề, lịch thiệp, bao dung, đầy ý chí và nghị lực, ông là tấm gương về thế hệ nghệ sĩ cha chú, luôn tạo cảm hứng cho các thế hệ nối tiếp, sống chân thành, đam mê, yêu nghề và quan trọng hơn - sống đẹp.

Vì thế, trong những ngày này, gia đình ông đã nhận được vô vàn lời tiếc thương của những người thân thiết mà rất nhiều trong số họ là thế hệ con cháu từng là cộng sự của ông, rất nhiều lời mang chung một thông điệp - ông đã tạo cảm hứng để họ sống đẹp hơn!

Nhà thơ, nhà tư tưởng Rumi từng nói, lời “vĩnh biệt” dường như chỉ dành cho những người yêu thương nhau qua đôi mắt, bởi vì tình yêu bằng trái tim và tâm hồn thì sẽ không điều gì có thể chia cắt họ. Và vì thế, với từng ấy trải nghiệm và tình yêu ở đời, Trần Tuy sẽ luôn ở đâu đây quanh chúng ta - gần gũi, thân thương.

Bảo An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm