Nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ

31/07/2018 10:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Điện Biên từng là một trong những chiến trường ác liệt gắn với chiến thắng vĩ đại làm chấn động thế giới - Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Với những giá trị đặc biệt, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là Di tích quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập.

Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ có 45 di tích thành phần. Các điểm di tích nằm dàn trải trên nhiều địa bàn, đơn vị hành chính như: huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ, đặc biệt là ở cả vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, việc trông coi, bảo quản di tích gặp nhiều khó khăn. Các di tích được xây dựng từ rất nhiều chủng loại vật liệu khác nhau (chủ yếu ở dạng không bền vững) nên rất dễ bị bào mòn, biến dạng, hư hỏng bởi yếu tố khí hậu nhiệt đới, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, sự biến đổi khí hậu theo hướng cực đoan.

Chú thích ảnh
Khách tham quan  quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ

Bên cạnh đó, hiện nay, ở nhiều điểm di tích trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, một số hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích. Đây là nguyên nhân khiến nhiều điểm di tích tiếp tục bị người dân lấn chiếm, san ủi, có những hành động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến di tích và gây rất nhiều khó khăn trong công tác khoanh vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất sau này.

 Hiện nay, công tác giải tỏa mặt bằng, phân giới cắm mốc, định vị vệ tinh các di tích, cấp sổ đỏ đất di tích để giao cho đơn vị chức năng quản lý chỉ mới được triển khai ở mức độ rất hạn chế, chỉ có 28/45 di tích thành phần được cắm mốc bảo vệ trên thực địa. Tuy nhiên, do số mốc giới mỏng, khoảng cách xa nhau, lại không được định vị vệ tinh nên đã xảy ra tình trạng người dân di chuyển mốc giới hoặc việc xác định mốc giới của di tích với đất ở của người dân còn vướng mắc. Thực tế này dẫn đến hệ lụy là ngày càng có nhiều các hộ sinh sống xung quanh di tích, làm thay đổi môi trường, cảnh quan di tích, thậm chí là xâm lấn di tích.

Trong năm 2018, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều trường hợp lấn chiếm, san ủi trái phép vào đất di tích; dựng nhà, công trình phụ gần khu di tích, tác động đến cảnh quan di tích. Đơn cử như vào tháng 4/2018, tại Đồi Độc Lập, người dân ở xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã lấn chiếm và san ủi trái phép khu vực bảo vệ vành đai 2 Di tích đồi Độc Lập trong quá trình thi công xây dựng nhà ở. Tháng 7/2018, hai hộ dân ở bản Nà Nhạn 1, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên dựng nhà sàn và các công trình phụ ngay phía sau Tượng đài kéo pháo, cách di tích cấp quốc gia đặc biệt này khoảng 60 m, phá vỡ cảnh quan khu di tích.

Tại Khu Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi đặt cơ quan đầu não của Quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, nhiều năm qua là khu vực rất dễ xảy ra tình trạng người dân xâm lấn đất di tích để dựng nhà, canh tác, gây tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên khu di tích.

Theo ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, nhằm hạn chế hành vi hủy hoại, lấn chiếm đất thuộc di tích, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung, các di tích lịch sử nói riêng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tổ chức thực hiện đúng các quy trình, quy chuẩn trong công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các hiện vật, các hạng mục di tích nhằm hạn chế sự tác động của yếu tố tự nhiên, đảm bảo sự trường tồn của di tích.

Về lâu dài, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh sẽ trình UBND tỉnh Điện Biên chủ trương tiến hành đo đạc, khoanh vùng, cắm mốc, cấp quyền sử dụng đất cho toàn bộ 45 di tích thành phần của di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, làm cơ sở cho công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Trước đó, trong năm 2016, Sở  Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành quy định này đã cơ bản đảm bảo sự đồng bộ các quy định hiện hành của pháp luật trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trên địa bàn nói chung, Di tích chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng.

Cũng theo ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030. Đề án nếu được phê duyệt sẽ là giải pháp tổng thể, lâu dài nhằm đảm bảo khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm