09/06/2021 18:47 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Lâm Đức Hiền - nhiếp ảnh gia gốc Việt đã dấn thân vào nhiếp ảnh như một sự thôi thúc để giải đáp những vấn đề cá nhân hơn là để trở thành một nhiếp ảnh gia thực sự.
Tại triển lãm Chuyện đôi bờ lần này ở Viện Pháp Hà Nội, ông đem về những bức ảnh chất chứa những ký ức đẹp của tuổi thơ bên con sông Mekong đã gắn bó với ông trong suốt 57 năm qua, như máu thịt, cũng là những kỷ niệm về bà ngoại - người đã truyền cảm hứng cho ông với nhiếp ảnh trong suốt cuộc đời cầm máy của mình như một cách … trở về nguồn cội!
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền.
* Ông lựa chọn thế nào với những bức ảnh được triển lãm tại dự án HN Photo'21?
- Những bức ảnh trong triển lãm lần này tại Việt Nam nằm trong bộ ảnh được tuyển chọn để trưng bày tại Paris, trên hàng rào sắt vườn Luxembourg của Thượng viện Pháp.
Đó cũng là kết quả của cơ duyên khi Viện Pháp tại Hà Nội và Không gian nhiếp ảnh Matca đề nghị tôi tham gia vào sự kiện nhiếp ảnh quy mô lớn này. Tôi rất tự hào và đã để Matca lựa chọn ảnh và đề xuất phối cảnh triển lãm còn tôi duyệt. Phối cảnh của họ vượt xa sự mong đợi của tôi!
* Chỉ với 38 bức tại triển lãm, ông muốn gửi gắm điều gì với công chúng?
- Cái đẹp!
* Còn bây giờ, ông có thể nói gì về chân dung của một Mekong hiện tại?
- Một con sông đã bị biến dạng bởi rất nhiều con đập được xây lên. Lưu lượng nước và dòng chảy bị chậm lại. Màu của nước thay đổi: Nước màu cam do chứa nhiều phù sa trước đây giờ nhiều nơi trở nên gần như trong suốt và tù đọng. Tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng ở bên bờ sông cũng đáng lo ngại. Con sông nuôi sống nhiều dân tộc đang chết dần!
* Tôi thấy có nguyên 1 góc những bức ảnh về Việt Nam. Trong đó có cả bà ông. Tấm ảnh mà như chia sẻ của ông: “Hình ảnh của sông Mekong, chính là khuôn mặt của bà”…
- Vâng, tôi sinh ra tại Lào trong một gia đình gốc Việt (bà ngoại tôi sinh ra tại Hoa Lư, sau đó đi tản cư vì chiến tranh). Cả tuổi thơ của tôi gắn liền với bà cùng con sông Mekong.
Tôi vẫn nhớ đã từng bú bầu ngực nhăn nhúm của bà và ông ngoại tôi thường kể đã chạy trốn khỏi nạn đói và chiến tranh Đông Dương như thế nào. Tôi thường xuyên trốn học và dành cả buổi chiều để tắm và nô đùa bên bờ sông Mekong dưới cái nắng gay gắt.
Tôi còn nhớ các buổi sáng, bà tôi thường làm các món nộm đu đủ, cơm, thịt nướng bán ở bờ sông Mekong. Buổi chiều, tôi ra đó hàng giờ chơi với bà. Tôi rất thích ở với bà, xung quanh là khách mua, tôi biết nhiều câu chuyện, tôi giúp bà đẩy xe hàng về nhà. Thời điểm thú vị nhất là lúc tôi giúp bà đếm tiền thu được qua một ngày bán hàng. Qua đó, tôi cũng đã học được cách đếm, chứ không phải ở trường học. Đó là câu chuyện xưa, một ký ức đẹp nhất.
Cho đến khi vượt sông Mekong rời Lào năm 12 tuổi, hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy cũng chính là bà ngoại.
* Điều gì thôi thúc ông tìm về quá khứ ngay khi có thể, rồi còn tập hợp lưu giữ những kí ức ấy bằng ảnh vì sợ sẽ quên?
- Tôi có một tuổi thơ đầy biến động. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi đã có những kỷ niệm đẹp với ông bà ngoại ở Paksé, với nhiều tình cảm và tình yêu thương và có lẽ đó là kỷ niệm đẹp nhất trong đời tôi, khiến tôi muốn tìm về quá khứ của mình.
Lần đầu tiên tôi trở về là năm 1988, lúc đó, tôi đang là sinh viên trường mỹ thuật. Lúc đó, tôi bắt đầu bộ ảnh Desir d’Exil (tạm dịch: Ước vọng tha phương). Đó là một chuyến đi tìm lại nội tâm thời thơ ấu, và như thế tôi cảm thấy càng ngày càng khá hơn. Mỗi lần về Lào, tôi lại chụp ngôi nhà, hàng xóm, các cô, chú, dì, những người còn sống để lưu giữ lại những hình ảnh của họ. Tôi bắt đầu chú tâm chụp mặt nhân vật, tôi không biết sau đó sẽ làm gì nhưng tôi cứ chụp.
Cũng vì thế, mỗi lần về Lào, bà tôi lại dẫn tôi đi chụp những người già. Bà nói với mọi người là tôi rất thích chụp ảnh người già. Bà làm tôi buồn cười và tôi nhớ lại những cụ già Việt Nam với gương mặt đầy nếp nhăn và hàm răng đen. Như vậy tôi đã chụp và có hẳn bộ sưu tập chân dung ở Paksé. Ý tưởng là làm một bảo tàng tưởng tượng về kỷ niệm, một phòng ảnh kỷ niệm cá nhân của mình.
* Trong cuộc hành trình mà ông kể, cho thấy, ông không chọn nhiếp ảnh mà nhiếp ảnh đã chọn ông?
- Đúng vậy! Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm nhiếp ảnh. Tôi đã mong muốn trở thành nhà ngôn ngữ học và là nghệ sĩ, vì vậy tôi học trường Đại học Mỹ thuật 5 năm. Tôi muốn trở thành họa sĩ, chuyên ngành hội họa, ngành thị giác, sắp đặt. Nhưng sự đưa đẩy của cuộc sống với những điều tình cờ đã đưa tôi đến với nhiếp ảnh. Đối với tôi, nhiếp ảnh là phương tiện, sử dụng hình ảnh là để tuyên truyền về những nguyên nhân của vấn đề mà tôi luôn đau đáu!
* Vậy ông đã sống với nghề này trong hành trình dài hơn 30 năm như thế nào?
- Tôi không sống bằng nhiếp ảnh vì đó không phải là nghề để kiếm sống, cũng không phải làm nhiếp ảnh để sống. Tôi sống nhờ các hoạt động nhân đạo. Tôi được không ít giải thưởng và học bổng cho các tác phẩm chụp khi hoạt động từ thiện. Chính điều đó đã khuyến khích tôi không bao giờ từ bỏ chụp ảnh nhân đạo, chụp ảnh về chiến tranh để chụp ảnh thương mại mặc dù tôi cũng có nhiều áp lực tài chính.
Nhiếp ảnh cũng làm tôi phải hy sinh rất nhiều khi trải qua 2 lần ly hôn. Tôi thực sự không chọn cuộc sống cô đơn nhưng tôi đã sống như vậy để có thể chuyên tâm cho nhiếp ảnh.
* Với nguồn cội gốc Việt, với sự bôn ba trên nhiều hành trình quốc tế trong cuộc đời, ông nghĩ con người mình có sự phản chiếu hay hội tụ từ những nền văn hóa nào?
- Đây có lẽ là câu hỏi lớn. Tôi nghĩ rằng, mình càng cảm nhận thuộc văn hóa nào, thì càng tiếp nhận được nền văn hóa của nước đó một cách trọn vẹn. Việc hội tụ nhiều nền văn hóa khác nhau giúp tôi trở thành công dân toàn cầu. Như vậy, văn hóa Việt Nam đã ru tôi từ tấm bé, trong vòng tay của mẹ, của bà. Từ khi tôi sang Iraq, tôi vẫn nhớ mùi vị của nước thịt kho tàu, của phở. Tất cả làm tôi nhớ đến gương mặt của bà tôi. Khi tôi trở thành nhiếp ảnh gia, một ngày tôi bảo bà là muốn về quê của bà. Và chúng tôi lại có một cuộc hành trình đáng nhớ.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Vài nét về Lâm Đức Hiền Lâm Đức Hiền sinh năm 1966 bên bờ sông Mekong, đoạn chảy qua thị trấn Paksé phía Nam Lào. Ông đặt chân đến Pháp năm 1977. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá quốc tế như Giải thưởng Leica, Giải Great European của thành phố Vevey, Ảnh Báo chí Thế giới v.v… Lâm Đức Hiền là thành viên của hãng ảnh Agence VU’. Triển lãm Chuyện đôi bờ với chủ đề đời sống con người dọc sông Mekong qua cái nhìn của nhiếp ảnh Lâm Đức Hiền đang diễn ra tại Viện Pháp tại Hà Nội (24 Tràng Tiền) đến 12/9. Vì tình hình dịch bệnh, công chúng có thể xem triển lãm ở định dạng 3D. Link xem triển lãm: https://bit.ly/3vl3WPn |
Hoàn toàn bị thu hút bởi nền văn hóa Việt Nam “Lần đầu tiên tôi về Việt Nam là đi cùng bà. Chúng tôi đi từ Viêng Chăn về Hà Nội và đi taxi về Hoa Lư. Điều đáng ngạc nhiên là trên đường về, đường sá có thay đổi. Trước khi vào cổng làng, tôi bảo sao người ta không chặt cây đi. Bà bảo là người ta không bao giờ chặt cái cây đó vì nó rất thiêng. Đó là cây đa. Cây đa là cây của Phật nên không bao giờ người ta chặt. Nhờ chuyến đi cùng tôi về quê, bà đã thực hiện được ý nguyện xây cho các anh em ngôi mộ phù hợp còn tôi thì được biết thêm về văn hóa quê hương mình. Lúc đầu tôi sợ thực sự khi nhìn thấy cảnh bốc mộ, ngươi ta nhặt xương và đầu lâu, cho vào tiểu và chôn vào mộ mới. Chụp được cảnh tượng đó đối với tôi là trải nghiệm rất đặc biệt và tôi hoàn toàn bị thu hút bởi nền văn hóa Việt Nam, tâm linh Việt Nam. Đây cũng là một chủ đề lớn mà tôi đã thực hiện phóng sự ảnh cho tạp chí GEO” – Chia sẻ của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền. |
Lam Anh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất