Nhạc sĩ Lê Minh Sơn: ‘Tôi tìm kiếm ở các gameshow niềm tin vào tương lai của nhạc Việt’

12/05/2018 00:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ, anh đến với các gameshow âm nhạc, làm việc với các bạn trẻ để tìm kiếm niềm tin về một sự thay đổi cho nền âm nhạc Việt Nam.

Đào tạo nghệ thuật phải dạy bằng cả cuộc đời

* Gameshow "Sing my song" mùa thứ 2 đã gần đi đến vòng chung kết. Với cương vị giám khảo, anh cảm nhận thế nào về chương trình và chất lượng thí sinh năm nay?

- Sing my song là cuộc chơi tri thức. Vì các bạn là những người sáng tác, hát chính cái sáng tác của mình. Điều đó làm cho các bạn khác với những ca sĩ chỉ đơn thuần hát. Sự khác biệt này theo chiều hướng tích cực.

Về thí sinh mùa năm nay, tôi thấy các bạn trưởng thành hơn. Năm ngoái, mùa đầu tiên chúng ta đã có rất nhiều gương mặt tên tuổi, và cũng bùng nổ vì một vài bài đặc biệt như Ông bà anh của Lê Thiện Hiếu hay 0:00 Không Giờ của Trần Phương. Nhưng những gương mặt năm nay thực sự khác biệt và ấn tượng.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã đồng hành với 2 mùa "Sing my song" trong vai trò giám khảo

* Tâm thế của anh và các thí sinh trong đội như thế nào trước đêm chung kết sắp diễn ra?

- Đến vòng chung kết là trách nhiệm của tôi coi như xong. Việc của tôi hay nhất là ở trại sáng tác, sau đó thầy trò làm việc với nhau để chuẩn bị cho đêm chung kết. Còn từ thời điểm này tôi không làm gì được để “cứu” các em nữa.

* Những gameshow truyền hình thường được coi là "cái nôi" của những tài năng âm nhạc. Anh có nghĩ các gameshow đã thực sự làm được điều này và như vậy liệu đã đủ?

- Tôi thấy các cuộc thi hầu như toàn vơ hết “học sinh” đi thi. Nhưng còn đào tạo cho họ, ai đào tạo? Trong khi rõ ràng là buộc phải đào tạo. Nhìn sang trường hợp của U23 Việt Nam, nếu không có bầu Đức hy sinh biết bao tiền của cho công tác đào tạo thì sao chúng ta có những cầu thủ “vàng” như thế.

Về công tác đào tạo nghệ thuật. Tôi cho rằng rất cần có sự cập nhật. Những người đào tạo nghệ thuật không phải dạy theo giáo trình mà phải dạy bằng cả cuộc đời.

* Bản thân anh cũng đang làm công tác đào tạo. Vậy phương pháp của anh là gì?

- Tôi chỉ dạy một thầy một trò. Thầy trò ngồi với nhau, tôi giảng giải xong, học trò hiểu rồi về thực hiện. Làm không được thì đừng quay lại gặp thầy. Có học trò phải 3 tháng sau mới trở lại gặp tôi.

Âm nhạc phải có sự khổ luyện. Ngày trước tôi sang nước ngoài học, thầy giáo ra đề bài, tôi nhìn vào ánh mắt của thầy mà tự cảm thấy xấu hổ khi mình không đạt được đến yêu cầu đấy. Thế là phải ép mình luyện tập, mỗi ngày ngoài giờ đi học phải luyện 5 tiếng, thời gian đâu mà chơi nữa. Tôi nghĩ, ngành nghề nào cũng vậy, có lòng tự trọng thì mới phát triển được.

Chú thích ảnh

Vẫn còn nhiều nhân tài “ẩn dật”

* Anh tìm kiếm điều gì từ các chương trình truyền hình thực tế?

Tôi tìm thấy niềm tin rằng vài năm nữa âm nhạc Việt Nam sẽ khác. Không trông chờ vào lứa trẻ thì còn ai nữa.

Tôi rất thích những cuộc chơi như thế, nhìn thấy các bạn trẻ tôi như thấy chính mình ngày xưa. Ngày xưa mình thiệt thòi hơn và không có những cuộc chơi như này.

* Anh có tiêu chí gì đối với những ca sĩ, nhạc sĩ trẻ mình hợp tác, hay nói theo ngôn ngữ của “Sing my song” là “gạt cần” mời về đội của mình?

- Tôi chọn vì cảm thức. Ví dụ ở Sing my song, HLV không phải kiểu “ăn sẵn”, cứ thấy hay là tranh nhau mời về đội mình, kiểu đó thì ai chẳng làm được. Quan trọng là phải thấy được cái mà có thể hôm nay các bạn chưa hay, nhưng vào tay mình, mình biến được nó thành hay. Đấy mới là HLV.

Tôi có thể khẳng định cái cần của tôi chưa bao giờ gạt sai.

* Vậy anh nhận xét gì về các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay. Có nhiều ý kiến cho rằng các bạn đang chạy theo thị trường, theo trào lưu mà bỏ quên các giá trị nghệ thuật đích thực?

- Thật ra theo tôi, không có cái gọi là nhạc thị trường, chỉ có nhạc hay hoặc dở, thế thôi.

Thực trạng hiện nay là có vẻ các bạn đang thiếu đi thủ lĩnh dẫn dắt về tinh thần, chủ yếu tập trung vào làm thế nào để thu lời, nổi tiếng thật nhanh. Thành ra làm những thứ liên quan đến văn hoá nghệ thuật đích thực rất khổ.

Người thủ lĩnh tinh thần rất quan trọng. Như tôi vẫn luôn coi nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Trần Tiến là thầy. Bản thân các bạn trẻ là những hạt giống tốt, cần có người định hướng.

Nhưng ngoài cái bề nổi, chúng ta vẫn cần để ý đến ở phần chìm, nơi còn có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đang âm thầm làm việc, âm thầm sáng tạo, và có cả những tài năng chưa được phát hiện. Thật sự tôi thấy sức sáng tạo của các bạn rất lớn.

Chú thích ảnh
"Quan trọng là phải thấy được cái mà có thể hôm nay các bạn chưa hay, nhưng vào tay mình, mình biến được nó thành hay. Đấy mới là HLV"

* Có giải pháp nào để đưa được hết những tài năng vẫn còn đang ở “phần chìm” ra ánh sáng, vì không phải ai cũng có cơ hội được đứng trên một sân khấu hay gameshow nào đó?

- Đây cũng chính là điều tôi đau đáu. Tôi đã có những chuyến đi với nhạc sĩ Nguyễn Cường đến nhiều nơi, và thấy chúng ta có nhiều tài năng, nhiều người hát rất hay. Nhưng không nhiều người có cơ may để được làm ca sĩ, hay có đủ tiền bạc sức lực tham gia một gameshow truyền hình.

Từ đó, tôi ấp ủ ý tưởng cho dự án Alo Song, để tạo một sân chơi cho những người có khả năng ca hát có thể thoả đam mê và kiếm được thu nhập. Ý tưởng này đã được tôi ấp ủ từ cách đây 2 năm, và chạy thử cũng được gần một năm rồi.

Chỉ cần một chiếc smartphone có kết nối Internet, bạn có thể livestream qua ứng dụng Alo Song, hát những gì mình muốn, xây dựng được cộng đồng khán giả và có thu nhập tương xứng với giọng hát của mình.

* Một sân chơi đại trà như vậy hẳn sẽ có cả giọng hát hay lẫn dở. Vậy anh làm thế nào để “cám” và “vàng” không lẫn lộn?

- Chúng tôi có kiểm soát hết, người hát dở sẽ được cho vào một “phòng” riêng và cũng có cát xê nếu người đó được yêu thích. Như siêu thị ấy, có gian hàng bình dân và gian hàng hiệu, phân khu tách bạch hoàn toàn và không ảnh hưởng gì đến nhau. Người mua hàng bình dân thì sẽ không bước vào gian hàng hiệu, và ngược lại.

Sắp tới, cuộc thi Alo Song Star dựa trên nền tảng Alo Song do tôi làm trưởng BGK cũng sẽ khởi động. Thành phần BGK còn có nhạc sĩ Nguyễn Cường. Thông qua cuộc thi này chúng tôi mong muốn tìm kiếm những tài năng ca hát còn ẩn giấu.

Chúng tôi bắt đầu nhận sản phẩm dự thi từ ngày 15/5/2018 đến hết ngày 20/7/2018. Các thí sinh vào đến bán kết sẽ được kí hợp đồng làm việc trên ứng dụng Alo Song với công ty chủ quản.

Đến đêm chung kết, chúng tôi sẽ tổ chức một sân khấu lớn để các thí sinh trình diễn vào giữa tháng 9. Người thắng cuộc ngoài tiền mặt còn được đầu tư sản phẩm âm nhạc, sản phẩm ấy được lập tức khai thác kinh doanh bởi các nhà mạng lớn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

'Sing my song' tập 8: Bị loại nhưng 'Giời ơi' hứa hẹn trở thành 'bài hát quốc dân'

'Sing my song' tập 8: Bị loại nhưng 'Giời ơi' hứa hẹn trở thành 'bài hát quốc dân'

Ca khúc mang tính trào phúng "than vãn" về việc "cuối tháng hết tiền" như đánh trúng tâm lý của đông đảo khán giả đã khiến Nguyễn Minh Cường nhận được số điểm khá cao từ hội đồng bình chọn.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm