Nhạc sĩ Dương Cầm: 'Muốn làm người nông dân trên mảnh đất Bandland'

10/09/2020 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ấp ủ từ vài năm nay nhưng để “chạy” chương trình đến hàng tháng, nhạc sĩ - nhà sản xuất Dương Cầm mới chịu công bố và trả lời về dự án mới của anh: Bandland Channel.

Dự án Bandland Channel của nhạc sĩ Dương Cầm: Mảnh đất 'hứa' dành cho các ban nhạc

Dự án Bandland Channel của nhạc sĩ Dương Cầm: Mảnh đất 'hứa' dành cho các ban nhạc

Hoạt động của Bandland Channel khá đa dạng về hình thức tổ chức: Đó là “live in studio” diễn ra vào 20h30 thứ Năm hàng tuần trên kênh Youtube, biểu diễn ngoài trời tại phố đi bộ Hà Nội vào 20h30 thứ Bảy tuần thứ 2 của tháng, concert mỗi quý. Chưa kể đến các hoạt động mang tính chuyên sâu như workshop, training, festival…

(Kỳ 2 & Hết)

“Bandland Channel là một sân chơi dành cho các ban nhạc trao đổi, học hỏi thông qua các nhóm diễn đàn trên fanpage facebook và youtube. Sẽ có những buổi workshop được tổ chức bởi bandland với đa dạng chủ đề định hướng phong cách âm nhạc, kinh nghiệm sáng tác, nâng cao kĩ năng chơi nhạc cụ, hay là về bản quyền âm nhạc …

Bandland cũng sẵn sàng là nhà sản xuất hay đơn vị sản xuất những sản phẩm âm nhạc cho các ban nhạc khi cần hỗ trợ.

Và xa hơn Bandland sẽ là nhà tổ chức những lễ hội, liveshow cho các ban nhạc cùng với những ban nhạc và nghệ sĩ khách mời.

“Tôi muốn được làm một bác nông dân chăm chỉ cày xới, trồng cây và chăm bẵm để Bandland trở thành mảnh đất cho các cây (các ban nhạc) có thể sinh sống và đâm chồi nảy lộc. Đó cũng là lý do tôi lấy chữ Band (ban nhạc) ghép với chữ Land (mảnh đất)” - nhạc sĩ Dương Cầm chia sẻ - “Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra một vòng quay thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các ban nhạc Việt nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung”.

Vẫn còn 150 ban nhạc… chưa dùng đến

* Kể từ khi Dương Cầm tham gia các gameshow thiên về ban nhạc, đó cũng là một gợi ý cho anh khi nghĩ đến Bandland Channel chứ?

- Đúng là khi tham gia những gameshow truyền hình, tôi có cơ hội nhìn ra được nhiều mặt của vấn đề. Và một cuộc thi hay một gameshow rồi sẽ kết thúc còn tôi mong muốn Bandland sẽ tồn tại dài hơn thế!

Chú thích ảnh
Ban nhạc Mạc And The Odd Stones

* Vậy nhớ lại thời điểm ngồi ghế nóng, anh thấy mình được gì sau những chương trình như vậy?

- Cái được của việc ngồi ghế “nóng” là có thêm nhiều người yêu (mến) và một số gạch để xây nhà…. (cười lớn). Còn ý tưởng hình thành Banlland xuất phát từ chính tôi: Người chơi ban nhạc và hay theo dõi các kênh âm nhạc của các trường âm nhạc trên thế giới như Berklee của Mỹ và một số trường ở Hàn Quốc. Ở đó các bạn sinh viên có những MusicVideo dưới dạng những bài tập cho đến bài tốt nghiệp đều là những sản phẩm rất hay. Từ đó ý tưởng hình thành Bandland ra đời: Một nơi cho các ban nhạc được giao lưu học hỏi và thể hiện đam mê sáng tạo cũng như cái riêng của mình.

* Những gameshow về ban nhạc mà anh đã tham gia có giúp anh "rủ rê" được nhiều ban nhạc đến với Bandland không?

- Chúng tôi không sử dụng hình thức quảng bá rộng rãi qua truyền thông như các chương trình truyền hình mà đi từ sự truyền tai nhau của các ban nhạc đã từng tham gia Bandland, họ thấy hay thấy vui thì rủ nhau tham gia.

Đó là một yếu tố quan trọng để Bandland xây dựng thành một cộng đồng các ban nhạc Việt Nam, không giới hạn và phong cách, thể loại. Một tín hiệu đáng mừng là cho đến hiện tại tôi còn chưa sử dụng đến danh sách hơn 150 ban nhạc từ chương trình The Band By Vinaphone để đi mời gọi.

* Chính xác thì trước đây vẫn luôn có các sân chơi dành cho các ban nhạc nhưng có lẽ để công chúng biết đến thì không nhiều. Lựa chọn đưa các ban nhạc lên Internet như anh là một giải pháp tiếp cận gần với công chúng nhất, ở thời đại công nghệ số. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Anh sẽ làm thế nào để chương trình có sức hút với công chúng?

- Bandland được xây dựng trên nhiều tiêu chí khác nhau và tiếp cận số đông khán giả chưa phải là sự ưu tiên hàng đầu của chúng tôi tại thời điểm này. Chúng tôi đang từng bước xây dựng sự gắn kết cộng đồng các ban nhạc trên cả nước từ chính những người yêu thích chơi ban nhạc. Bandland có thể là nơi bạn tìm thấy nhưng mảnh ghép còn thiếu trong ban nhạc của mình.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Dương Cầm

* Với dự án này, anh nghĩ gì về bản quyền trực tuyến âm nhạc của các ban nhạc?

- Một sản phẩm được tạo ra là cả quá trình làm việc của một tập thể nên cần được tôn trọng. Hầu hết các tác phẩm được trình chiếu trên kênh youtube của Bandland đều là tác phẩm mới, chúng tôi rất tôn trọng bản quyền về tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ biểu diễn.

Chúng tôi có cam kết rõ ràng và sự đồng thuận từ tác giả và nghệ sĩ tham gia trong sản phẩm. Ngoài Youtube chúng tôi cũng sẽ xuất bản trên những nền tảng có bảo hộ bản quyền như Itunes và Spotify.

* Có thể nói anh đang "tay không bắt giặc" vì làm dự án mà bỏ tiền túi chỉ đủ để trả cho hoạt động sản xuất, không có gì trả cho nghệ sĩ. Niềm tin nào khiến anh vẫn làm?

- Chúng tôi làm bằng sự đam mê và lan tỏa tình yêu âm nhạc với khát khao được làm nghề …

Tạo ra “cú nổ” cho các band

* Tôi được biết anh sẽ lựa chọn các ban nhạc tham gia dự án bằng đôi tai của mình. Điều đó là đương nhiên trong âm nhạc nhưng nghe có vẻ cảm tính. Có tiêu chí nào khác dành cho các ban nhạc tại sân chơi này chứ nhỉ?

- Tất nhiên chúng tôi cũng có những tiêu chí riêng của Bandland, ví dụ như ca từ không gây phản cảm, âm nhạc mang tính tích cực, và trình độ các ban nhạc chơi ở mức tương đối.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Minh tốc trình diễn trong số thứ 21 của Live in studio ca khúc "Chẳng một mình nhưng vẫn cô đơn".

Ở Bandland các sản phẩm đều được chơi LIVE hoàn toàn (Không phải thu âm rồi mới ghi hình). Đây là một thử thách không nhỏ đối với các ban nhạc tham gia. Cá nhân tôi nghĩ đó cũng là một trải nghiệm thú vị với chính các bạn ấy.

* Những gì mà các ban nhạc hiện nay có và chưa có để anh có thể thực hiện được mong muốn của mình ?

- Khi làm việc và tiếp xúc với các ban nhạc trẻ hiện nay bản thân tôi tiếp thu được nhiệt huyết và cái đam mê được chơi được sống với âm nhạc, điều mà ở những nghệ sĩ đã thành danh không mấy ai giữ được nữa.

Có nhiều ban nhạc mà các thành viên nghề chính là một công việc hoàn toàn khác với âm nhạc, chỉ làm đủ sống, đủ tồn tại để được chơi nhạc. Có thể nói Bandland là vùng đất màu mỡ, chúng tôi có đa dạng các màu sắc âm nhạc đến từ các ban nhạc Jazz, pop, indie, rock, funk, fussion…

Các bạn ấy đang làm tốt rồi và chúng tôi chỉ cần thời gian để hoàn thiện hơn trước khi đến với khán giả trong một “cú nổ”.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Lam trình diễn trong số thứ 21 của Live in studio ca khúc "Chẳng một mình nhưng vẫn cô đơn".

* Khi chia sẻ, anh muốn đây là sân chơi chuyên nghiệp dành cho các ban nhạc. Nhưng như tôi được biết, các ban nhạc tham gia lại có cả từ không chuyên đến chuyên nghiệp. Vậy anh có định đồng bộ hóa tính chuyên nghiệp ở đây ? Hay việc làm thế nào để những ban nhạc từ không chuyên trở nên chuyên nghiệp tại sân chơi này sẽ là thử thách dành cho anh?

- Ở đây chúng ta đang tạm gọi không chuyên là những người không được đào tạo bài bản, không được định hướng để theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Các bạn ấy hầu như là tay ngang, nhưng không phủ nhận những tố chất, bản năng nghệ sĩ mạnh mẽ trong các bạn. Tôi tin rằng, Bandland sẽ mang đến cho các bạn tất cả những thứ cần thiết, bằng niềm say mê và ý chí của các bạn.

* Ca sĩ ra đĩa thường có nhà tài trợ. Còn anh đang làm dự án khởi đầu phi lợi nhuận. Hẳn là anh có điều kiện? Và sự đầu tư này có ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống thường ngày của anh với gia đình không?

- 2020 là một năm khó khăn chung với toàn thế giới, bản thân tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19. Tôi không có điều kiện về kinh tế nhiều. Hiện tại tôi đang phải gồng gánh khá nhiều thứ xung quanh cuộc sống gia đình nhưng không phải bây giờ thì là bao giờ??? Đây là lúc tôi có thể tập trung toàn bộ sức lực và tâm trí để dành cho Bandland!

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện !

Lam Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm