Nhạc cổ truyền và truyền hình thực tế: Ai dựa ai?

01/07/2014 08:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Từ chỗ bị coi là "thiểu số", khó có cơ hội chen chân vào các chương trình có kịch bản ngoại, nhạc cổ truyền hoặc các ca khúc mang âm hưởng nhạc cổ truyền đang làm nên những thay đổi bất ngờ. Những giọng hát như Phương Mỹ Chi, Hoài Lâm đã thực sự tạo nên hiện tượng trong truyền hình thực tế (THTT).

Vào năm 2012, THTT đã thử sức với nhạc cổ truyền nhưng bất thành. Trong đêm chung kết Giọng hát Việt 2012, huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng đã cho thí sinh Xuân Nghi hát Dạ cổ hoài lang, nhưng tiết mục đó hoàn toàn lạc lõng vì không hợp với sở trường của Xuân Nghi.

Tới Giọng hát Việt nhí 2013, một mình cô bé Phương Mỹ Chi đã tạo nên một làn sóng hâm mộ dân ca nồng nhiệt. Từ đây một số giọng hát bắt đầu mạnh dạn tham gia các chương trình THTT với nhạc cổ truyền. Điều gì khiến khán giả của các chương trình này trở nên hào hứng bất thường với nhạc cổ truyền như vậy?

Nhạc cổ truyền lội ngược dòng

Trước hết, những thí sinh hát nhạc cổ truyền phải có tài năng thực sự. Một khi họ đã hát hay, thì dù là dân ca, pop, rock hay R&B vẫn có thể đi vào lòng người nghe.

Sau đó, phải kể tới sự nhạy bén của những người làm chương trình. Họ biết cách biến những giá trị cũ của nhạc cổ truyền trở thành mới trong một không gian âm nhạc hiện đại. Họ khéo léo tạo ra một câu chuyện kiểu người tí hon đánh lại người khổng lồ, đánh vào tâm lý "thích của lạ" của người xem.


Phương Mỹ Chi, hiện tượng của Giọng hát Việt nhí 2013

Câu chuyện Phương Mỹ Chi chỉ biết hát ca khúc mang âm hưởng dân ca, "chiến đấu" đơn độc giữa một rừng những thí sinh mạnh hơn cô về mọi mặt rất kịch tính. Hoặc Hoài Lâm, một thanh niên trẻ măng lại có thể hóa thân thành lão nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, nghệ sĩ cải lương Thanh Nga - rõ ràng không phải một câu chuyện bình thường. Anh ta là ai mà dám bắt chước những người rất khó có thể bị bắt chước này? Khán giả từ tò mò, sau khi thấy Hoài Lâm đóng đạt quá thì chuyển sang hâm mộ thực sự.

Ngoài ra, đây không còn đơn giản là chuyện âm nhạc, mà còn là câu chuyện về tâm trạng của khán giả Việt. Họ đã bội thực với những chương trình mà thí sinh chỉ thích hát nhạc nước ngoài. Họ cần những ca khúc có chất Việt thực sự. Dẫu nhạc cổ truyền đang ngày càng ít người nghe nhưng khi những giai điệu này được cất lên bởi một giọng ca tuyệt vời, chắc chắn sẽ đánh thức được thính giác của nhiều người.

Công của truyền hình thực tế?

Đầu năm nay, Giải Âm nhạc Cống hiến của Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức đã ghi nhận 2 trường hợp đặc biệt: lần đầu tiên có 2 album nhạc cổ truyền lọt vào bảng đề cử. Đó là Yếm đào xuống phố của ca sĩ Tân Nhàn, Song hành của Ngô Hồng Quang. Cả hai album này đều kết hợp âm nhạc cổ truyền Việt Nam với âm nhạc phương Tây. Sự đổi mới này đã được khán giả đón nhận tích cực. Dường như đang có những chuyển mình, dẫu nhỏ, nhưng rất tích cực của dòng nhạc cổ truyền.
Không thể phủ nhận THTT đã làm được một việc: đưa những giọng hát nhạc cổ truyền ra ánh sáng, khơi lại nguồn cảm hứng của khán giả với nhạc cổ truyền. Tuy nhiên, THTT cũng đang phải dựa vào nhạc cổ truyền, vì họ cần Việt hóa chương trình. Vào thời điểm này nhạc cổ truyền đang là "món lạ" với các game show mua kịch bản từ nước ngoài. Nó có sức mạnh nội tại của riêng mình và đã góp phần đưa các chương trình THTT đi tới thành công.

Bằng chứng là Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên đã thành công mỹ mãn nhờ công không nhỏ là của bé Phương Mỹ Chi. Vietnam's Got Talent 2013 cũng được nở mày nở mặt khi giới thiệu với công chúng ca nương Kiều Anh. Còn Gương mặt thân quen 2014 đã thực sự thăng hạng nhờ Hoài Lâm. Chương trình X-Factor - Nhân tố bí ẩn đang phát sóng hiện nay cũng rất ưu ái chọn các thí sinh hát nhạc cổ truyền vào vòng trong.

Giai điệu nhạc cổ truyền là tâm hồn của người Việt, là kho báu văn hóa dân gian xứng đáng có một vị trí đáng kể trong nền âm nhạc đương đại. Thế nên kể cũng buồn khi âm nhạc cổ truyền chỉ được coi là một yếu tố lạ, đổi món cho các chương trình vốn quá nặng yếu tố ngoại lai.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm