Nhà văn Văn Giá: Một ngày nát vụn… về thời “nát băm”

06/11/2009 14:41 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - PGS-TS Ngô Văn Giá lâu nay được biết đến với tư cách là nhà lý luận phê bình văn học. Quãng gần một thập kỷ qua, dù bận bịu đủ việc nhưng ông vẫn tự dành cho mình những khoảng lặng riêng để cầm bút thử sức với thể loại truyện ngắn. Vừa đây, ông đã “tiến một bước dài” khi vừa cho ra tập truyện đầu tay gồm 13 truyện mang tên Một ngày nát vụn (NXB Hội Nhà Văn 2009).

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông khi tập sách này còn thơm mùi mực.

* Thưa nhà văn Văn Giá, tại sao lại là Một ngày nát vụn? Phải chăng ông từng có những ngày như thế?

- Cuộc sống hiện đại khiến cho ai cũng vội, ai cũng bận. Đời sống, thời gian của mỗi người bị băm nát ra, chia sẻ khiến cho con người nhiều khi cảm thấy ngộp thở vì công việc, vì các sự vụ của đời sống riêng tư cho đến công sở. Đại đa số những người sống trong đời sống hiện đại ngày hôm nay đều lâm vào tình trạng như vậy. Và tôi muốn thể hiện ý tưởng ấy trong cái tên của một truyện ngắn Một ngày nát vụn và lấy nó làm tên cho cả tập truyện.

* Như thế thì Một ngày nát vụn có vẻ hơi... bi quan?

- Chủ đề xuyên suốt của tập truyện chính là nỗi day dứt lớn nhất của tôi về sự băng hoại, tha hóa của văn hóa, sự xuống cấp chất lượng của văn hóa trong đời sống của mỗi cá nhân và cộng đồng. Những vẻ đẹp, những giá trị nhân văn của đời sống ngày hôm nay bị cái ô trọc, cái thô lậu của đời sống tấn công ghê gớm quá. Một ngày nát vụn một mặt muốn trình bày tình trạng ấy, mặt khác muốn lên tiếng hòng vãn hồi lại những cái đẹp, những cái nhân văn, thuộc về văn hóa của dân tộc đang bị đời sống đương đại “vấy bẩn”, nhất là trong đời sống của giới trí thức. Giới trí thức vốn là nơi cần ngự trị của cái thiêng và cái đẹp nhưng đã bị tha hóa hoặc bị tấn công, bị bào mòn từng ngày từng giờ...

* Đọc Một ngày nát vụn tôi thấy giọng văn trong mỗi truyện không được sôi nổi như chính ông và truyện thường không có cốt truyện. Đây có phải là cách để ông chạm đến chiều sâu nhân sinh của phận người bằng một giọng văn đằm thắm hơn?

- Đúng thế. Đôi khi giữa đời sống bên ngoài và trang viết vẫn có sự khác nhau. Đời sống của tôi thì... thường lắm. Còn những trang viết của tôi thì tôi luôn cố gắng, hầu như không đừng được thì mới viết được. Nghĩa là tôi viết bởi sự thôi thúc bên trong. Thông qua mỗi truyện tôi cũng gửi gắm một cái gì đó về đời sống, về phận người, về tình trạng nhân thế và văn hóa ngày hôm nay. Chính vì vậy, tôi đã chọn một thứ văn đằm lắng để đi vào chiều sâu của đời sống chứ không chạy theo quan hệ bên ngoài của đời sống.

* Có người cho rằng ông viết văn ngày càng lên tay là nhờ có học thuật (chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học - PV). Đã có một hiệu quả nhất định trong viết văn nhờ vào sự tương tác giữa học thuật và năng khiếu viết văn chăng, thưa ông?

- Học thuật giúp cho sáng tác có chiều sâu suy tư, còn sáng tác làm cho mình được sống trong cảm hứng. Nhờ vào nghiên cứu phê bình văn học lâu nay mà tôi quan niệm mỗi một sáng tạo phải đem cho bạn đọc một cái gì mới, độc đáo mặc dù ít thôi, lớn bé gì là tùy sức, nhưng nhất thiết phải có được cái mới và độc đáo. Tôi đã phát huy ý thức phê bình vào trong sáng tác ở chỗ, mỗi một truyện là một thể nghiệm nho nhỏ của lý thuyết, ví như cách viết truyện trong truyện, cách kết nhiều phương án, đối thoại giản lược...

* Hiện ông đang là Chủ nhiệm khoa Sáng tác và lý luận - phê bình văn học, Trường ĐHVH Hà Nội (tiền thân là Trường Viết văn Nguyễn Du). Để giúp các sinh viên rồi đây sẽ là những người viết văn làm thơ thì kinh nghiệm của cá nhân ông truyền lại cho họ là gì?

- Hãy khơi mở toàn bộ những năng lượng sống, năng lượng sáng tạo trong mỗi trang viết. Tức là bạn phải sống tận độ, phải bộc lộ cá tính trong từng câu chữ, trong từng chi tiết, trong từng ý tưởng. Tôi cho rằng trong nghề viết nếu không có cá tính sẽ không có gì hết. Vì vậy tôi luôn khuyến khích các học viên hãy đi đến tận cùng cá tính của mình và “phải trở thành những cá tính lạ hoắc”. Dĩ nhiên là không được xâm hại, trấn áp những cá tính khác bởi lẽ các cá tính có quyền sống thân ái và bình đẳng bên nhau. Thứ nữa là tôi muốn các học viên của mình phải gắn bó chữ nghĩa của mình đối với con người, với đất nước, rộng ra là đối với văn hóa. Nếu chỉ viết khơi khơi, viển vông thì sẽ chẳng có ích gì. Cái quan trọng nữa mà tôi muốn chia sẻ với các học viên viết văn là về kỹ thuật, kỹ năng viết ở chỗ khi tổng kết được mẹo mực của nhà văn khác thì sẽ tìm cách mách nước cho các học viên, và nếu tôi có “chiêu” nào của riêng thì tôi cũng sẽ chia sẻ với họ. Sau khi đã học được các ngón nghề thì hãy kết tinh cho riêng mình một cái gì đó chứ tuyệt đối không được bắt chước.


* Xin cảm ơn ông!

     Nhà văn - nhà phê bình Văn Giá (bút danh khác: Chung Sơn). Quê quán: Tân Yên, Bắc Giang. Tác phẩm: Vũ Bằng bên trời thương nhớ (chuyên luận, sưu tầm 2001); Một khoảng trời văn học (tiểu luận, phê bình 2001); Đời sống và đời viết (tiểu luận, phê bình, chân dung 2005), Viết cùng bạn viết (tiểu luận, phê bình, chân dung 2008).


Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm