Nhà văn Trà Đóa: Triết lý về những kẻ... khó thích nghi

29/06/2017 17:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người nhận định, nếu tập truyện ngắn Những kẻ khó thích nghi(Domino Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM, quý 2/2017) của Trà Đóa xuất hiện vào thời văn chương còn được dư luận quan tâm nhiều, thìsẽ là một dấu ấn đặc biệt.

Trà Đóa 45 tuổi, quê Quảng Nam, tốt nghiệp khoa dược Đại học Y Dược TP.HCM, hiện làm việc trong lĩnh vực dược. Anh bắt đầu viết văn từ năm 2005, 30 truyện trong tập này được lẩy ra từ hơn 100 truyện ngắn đã in rải rác trên các website văn chương.

  

Chú thích ảnh
Nhà văn Trà Đóa

* Với tựa đề Những kẻ khó thích nghi,hẳn nhiên độc giả muốn biết:cái nhìn “khó thích nghi” xuyên suốt cả tập truyện này đến từ đâu?

- Có lẽ tôi nên bắt đầu từ một tiền đề của chủ nghĩa vị lợi: mọi thiết chế xã hội nên hướng tới việc đem lại hạnh phúc cho tối đa thành viên của nó. Một hệ quả tất yếu được rút ra: trong một xã hội, dẫu tốt đẹp đến mấy, vẫn còn một thành phần nào đó sẽ không được hạnh phúc, hay thậm chí, bất hạnh. Tôi tin là không bao giờ có những xã hội toàn hảo, may ra chỉ có những xã hội tốt đẹp.

Những câu hỏi thường ám ảnh tôi: Những kẻ kém may mắn này là ai? Tại sao họ lại bị đẩy vào tình trạng khó thích nghi như vậy? Liệu họ có ý nghĩa gì không với sự tiến bộ xã hội?

* Có phải chỉ vì sự kém may mắn đó mà các nhân vật của anh trở nên khó thích nghi đến như vậy?

-  Ở đây tôi không hoàn toàn đồng nhất sự kém may mắn với sự khó thích nghi, dù sự khó thích nghi là một điểm nhìn xuất phát từ sự kém may mắn. Có những trường hợp những kẻ kém may mắn nhưng họ không thể hiện sự phản kháng nào để cải thiện sự bất hạnh của họ.

Chú thích ảnh
Tập truyện ngắn "Những kẻ khó thích nghi"

Ngược lại, những kẻ khó thích nghi là những kẻ có thể bất hạnh hoặc không, nhưng họ có tinh thần sẵn sàng tranh đấu để cải thiện các tình trạng bất công, các giá trị bất hảo… Sự khó thích nghi còn đến từ sự va chạm có tính phổ quát giữa tự do cá nhân với các định kiến, các thiết chế văn hóa lạc hậu của xã hội.

Bởi vậy, một xã hội mà vẫn còn những kẻ khó thích nghi thì xã hội đó vẫn còn hy vọng.

* Những nhân vật trong truyện của anh thường ít khi có tên riêng, danh xưng riêng, vì sao vậy?

- Các truyện ngắn trong tập này được viết với ý muốn tạo ra những “mẫu dạng”, tức là những phân mảnh được lặp đi lặp lại trong xã hội. Nó là của cá nhân nhưng vượt khỏi thân phận cá nhân, bởi vậy tên riêng cho nhân vật là không cần thiết.

Chẳng hạn như khi tôi viết về một anh chàng “tóc bạc sớm”, tôi muốn đi lý giải một cách hài hước cái nguyên nhân đã sinh ra hiện tượng này. Bạn thấy đó, tóc bạc sớm là một hiện tượng có tính phổ biến hiện nay, nhưng chúng ta chẳng hiểu gì về nguyên nhân đã gây ra nó cả.

Văn chương có giành được người đọc từ truyền thông?

Văn chương có giành được người đọc từ truyền thông?

Truyền thông tạo định kiến “người Israel chuyên đánh bom cảm tử”, “người Anh lãnh đạm và xa cách”, nhưng văn chương liên kết nhân loại bằng những câu chuyện giản dị. Chủ đề này được nói đến trong Những ngày Văn học Châu Âu tại Hà Nội.

* Có thể nói anh là một “cây bút bản năng”, bước vào văn chương khi tuổi đã “tứ thập nhi bất hoặc”. Vậy anh có bị hấp dẫn, hoặc thần tượng ai khi cầm bút không?

- Tôi đọc nhiều sách văn chương từ nhỏvà cũng thích nhiều, nhưng không thần tượng ai. Tôi tin nếu bạn đọc sách đủ nhiều, đến một lúc nào đó bạn sẽ có ý muốn viết một cái gì đó.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Kỳ quặc và... hấp dẫn

“Tập truyện gồm những câu chuyện ngắn, hầu hết được kể ở ngôi thứ nhất (tôi), theo phong cách của thể loại truyện cực ngắn, truyện chớp, với ít nhân vật, tình tiết được chắt lọc và ít diễn biến tâm lý phức tạp, phù hợp với những “câu chuyện kỳ quặc đột ngột xuất hiện, bạn không có cách nào lý giải được duyên cớ và cũng vì thế, khi nó biến đi, bạn cũng không thể hiểu được điều gì”. Chính điều này đã làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ những dòng đầu tiên” - nhà văn Vũ Thành Sơn nhận định.

Như Hà(thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm