Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Cuộc sống tạo ra nhà văn

03/05/2017 07:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tiểu thuyết Giọt sầu đa mang của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Cuốn sách này khá đặc biệt khi nhà văn “tiểu thuyết hóa” một cuộc đời có thực - một việc làm “rất dễ mà cũng rất khó”.

Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của nhà văn Nguyễn Đình Tú, một nhà văn luôn thao thức với những đề tài mới. Nguyễn Đình Tú được biết đến là nhà văn quân đội nhưng luôn gây ấn tượng với nhiều tác phẩm viết về những đề tài gai góc của đời sống xã hội. Gần đây, tiểu thuyết Phiên bản của anh chuyển thành phim Hương ga là một ví dụ.

1. Với Giọt sầu đa mang, lần đầu tiên Nguyễn Đình Tú viết một cuốn tiểu thuyết với bối cảnh và nhân vật chính là đất và người phương Nam. Miền Tây sông nước cùng những câu chuyện liên quan đến chiến khu bưng biền Đồng Tháp cũng như các hoạt động thương mại vô cùng phức tạp của một tập đoàn kinh tế đa ngành đã được nhà văn “tiểu thuyết hóa” đem lại nhiều ngạc nhiên cho người đọc.

Nhân vật chính trong Giọt sầu đa mang là ông Mười Phúc với nguyên mẫu ngoài đời là doanh nhân Phạm Phúc Toại, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Long, một trong những người giàu nhất Việt Nam. Văn chương hóa chuyện người thật việc thật lâu nay nhiều nhà văn đã làm. Nguyễn Đình Tú cũng đã thực hiện việc này, khi nhiều người đọc Phiên bản hay xem phim Hương ga dễ dàng nhận ra nhiều nhân vật là hiện thân của trùm giang hồ đất Cảng Dung Hà hay trùm giang hồ Sài Gòn Năm Cam.

Cuốn tiểu thuyết "Giọt sầu đa mang"

Nhưng công việc của nhà văn không giống như nhà báo hay người viết tiểu sử, tức là “bạch thoại” cuộc đời của một cá nhân lên trang giấy khá dễ dàng. Nguyễn Đình Tú làm việc khó hơn, anh chỉ mượn tiểu sử cuộc đời doanh nhân Phạm Phúc Toại để từ đó xây dựng số phận nhân vật Mười Phúc trong Giọt sầu đa mang. Số phận của Mười Phúc gắn liền với chiến tranh và tình yêu bị ngăn cách, gắn liền với thương trường với các đòn cân não khiến nhân vật bị tai biến bất tỉnh…

Người giàu tại Việt Nam ngày càng nhiều, những triệu phú đô la như doanh nhân Phạm Phúc Toại bây giờ không phải là hiếm. Vậy duyên cớ gì một nhà văn thành danh như Nguyễn Đình Tú lại chấp bút “tiểu thuyết hóa” cuộc đời doanh nhân Phạm Phúc Toại?

2. Câu trả lời được thể hiện qua từng trang tiểu thuyết Giọt sầu đa mang. Cuộc đời doanh nhân Phạm Phúc Toại đã tạo nên nguồn cảm hứng cho nhà văn. Không chỉ tính toán làm ăn giỏi, ông Phạm Phúc Toại còn là một nghệ sĩ cô đơn, đa sầu đa cảm với nhiều góc khuất cần được chia sẻ. Ông Toại hay Mười Phúc thể hiện những tâm tư này qua thơ, qua nhạc khi viết lời cho các bài tân cổ.

Nếu chỉ dừng lại ở nguồn cảm hứng giữa một nhà văn và tâm hồn một doanh nhân - nghệ sĩ thì Giọt sầu đa mang vẫn chưa thể trở thành một tiểu thuyết hấp dẫn. Nguyễn Đình Tú đã thể hiện mình là một “nhà tiểu thuyết” cao tay khi anh đưa người đọc lật giở từng trang sách qua những mảng miếng làm ăn của giới kinh doanh chuyên nghiệp. Đọc Giọt sầu đa mang có cảm tưởng tác giả thuộc giới doanh nhân hơn là một nhà văn viết về mảng đề tài này.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Kiếp này, tôi phải viết văn chứ không dừng lại ở việc “luận tội” người khác

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Kiếp này, tôi phải viết văn chứ không dừng lại ở việc “luận tội” người khác

Có trong tay 8 tiểu thuyết và một số bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của mình, phim gần nhất là "Hương Ga", nhưng xem ra bút lực của Nguyễn Đình Tú vẫn còn rất sung mãn.

Nguyễn Đình Tú cho biết: “Biên độ đề tài trong các sáng tác của tôi khá rộng, người ta có thể tìm thấy đủ các yếu tố, từ chuyện thiếu nhi đến tội phạm, chiến tranh và giới tính. Với một nhà văn chuyên nghiệp thì đề tài cũng là một vấn đề quan trọng, vì bạn đọc luôn đòi hỏi cái mới, nếu viết mãi trên một đề tài quen thuộc thì cũng trở nên lặp lại mình và bị bạn đọc bỏ rơi thôi. Chưa kể văn chương vốn là cuộc sống, mà cuộc sống thì muôn màu muôn vẻ, là chất liệu phong phú cho sáng tác của nhà văn. Nhà văn dĩ nhiên là người sáng tạo rồi, nhưng cuộc sống mới chính là tác nhân gợi nhắc sự sáng tạo không ngừng trong mỗi nhà văn. Nhà văn không sáng tạo ra cuộc sống mà chính cuộc sống mới tạo ra nhà văn”.

Hỏi Nguyễn Đình Tú, anh học được nhiều ngón nghề kinh doanh để viết Giọt sầu đa mang, có khi nào anh “bỏ bút” làm doanh nhân? Nhà văn cười: “Viết về giang hồ tôi phải hiểu giới giang hồ. Viết về dân kinh doanh tôi cũng phải hiểu kinh tế là gì. Nhưng tôi chỉ là nhà văn thôi, trải nghiệm của người này chưa chắc đúng với người khác”.

Đậm tính tiểu thuyết, với cảm hứng sáng tạo nhân bản

Viết về một nhân vật trong thương trường, lại là nhân vật vẫn đang sống, đang kinh doanh và thành đạt là một việc rất khó. Nếu không khéo nhà văn sẽ rơi vào kiểu thể ký người thật việc thật với cảm hứng ngợi ca. Nhưng với Giọt sầu đa mang, tôi đã thực sự bị thu hút từ trang đầu đến trang cuối, với những chi tiết đậm tính tiểu thuyết, với cảm hứng sáng tạo nhân bản cùng với giọng văn giàu tình cảm, ngồn ngộn vốn sống” - Hà Thanh Vân (Tiến sĩ Văn học)

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm