Nhà văn, dịch giả Hoàng Long đòi 'trả lại tên'

19/08/2016 17:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn, dịch giả Hoàng Long đã tìm đến báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) để tố cáo anh bị đạo văn. Hoàng Long được biết đến là nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản và là dịch giả của 15 đầu sách văn học Nhật in tại Việt Nam.

Tác phẩm Hoàng Long tố bị đạo văn là bài tiểu luận Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật Bản in trong cuốn sách Bông hồng cho ngày tháng không tên. Đây là cuốn sách của Hoàng Long do NXB Văn học và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2014. Bông hồng cho ngày tháng không tên chia làm hai phần, gồm: tiểu luận và dịch thuật một số tác phẩm văn học Nhật Bản.

Thế nhưng mới đây, lang thang trên mạng, Hoàng Long phát hiện bài tiểu luận Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật Bản của mình được in trên báo Văn nghệ (của Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 26/3/2016 và in lại trên trang vanvn.net vào ngày 24/4/2016. Tuy nhiên, bài tiểu luận Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật Bản của Hoàng Long bị sửa tựa thành Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật. Nhưng bút danh Hoàng Long lại bị ghi thành… Nỗ Nam.


Từ trang 80 - 88 cuốn tiểu luận và văn học Nhật Bản của dịch giả, nhà nghiên cứu Hoàng Long in năm 2014 có bài tiểu luận Hoa anh đào trong tâm thức người Nhật Bản

Dịch giả Hoàng Long tốt nghiệp ngành Đông Phương học trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, sau đó du học 5 năm ở Nhật Bản. Dịch giả sinh năm 1980 này hiện đang giảng dạy văn học Nhật và tiếng Nhật tại ĐH Sư Phạm TP.HCM và ĐH Hoa Sen. Từ năm 2005 đến nay, Hoàng Long là dịch giả của 15 đầu sách văn học Nhật, như: Truyện ngắn Murakami Haruki nghiên cứu phê bình; Thế giới trùm chăn; Musashi con đường kiếm thuật; Tuyển tập thơ Haiku; Murakami Ryu 69 tiểu thuyết…

Có thể nói, Hoàng Long là một nhà nghiên cứu văn hóa và dịch giả trẻ của văn học Nhật. Anh luôn làm việc âm thầm, như anh nói: “Tôi học theo tinh thần rất hay của người Nhật là lặng thầm làm việc. Nhưng với một bài tiểu luận của tôi mà ông bà Nỗ Nam nào đó lại copy nguyên văn thì không thể chấp nhận. Bởi, tôi còn đi dạy học, cuốn Bông hồng cho ngày tháng không tên được tôi dùng làm giáo trình về văn hóa và văn học Nhật khi giảng cho sinh viên; nếu không làm rõ điều này thì học trò tôi nghĩ tôi như thế nào?”.

Xác minh sự việc này, ông Lã Thanh Tùng, Phó Tổng Biên tập kiêm nhiệm trang Văn học nước ngoài của báo Văn nghệ, cho biết: “Tôi rất hiểu nỗi bức xúc của tác giả Hoàng Long, nhưng thực ra câu chuyện không phải như vậy đâu, mà đơn giản thôi. Trước đây (khoảng năm 2005-2006 gì đó), tôi có quan hệ bài vở với một Tạp chí tiếng Anh của Nhật Bản. Từ đó thỉnh thoảng họ giới thiệu những bài viết về văn hóa Nhật Bản cho báo Văn nghệ như một sự cộng tác”.

“Bài “Hoa anh đào...” này cũng vậy, họ giới thiệu từ trang Web vijaexpress.com (đường link cụ thể là http://vijaexpress.com/hoa-anh-dao-trong-tam-thuc-nguoi-nhat-ban/) là nơi chuyên đăng những thông tin văn hóa Nhật Bản như thế. Nhưng cuối bài lại không có tên tác giả, nên tôi đăng trên báo Văn nghệ, vẫn có nguồn vijaexpress.com, và để tên Nỗ Nam (theo nghĩa No Name, tiếng Anh là không tên) để nếu có ai nhận thì sẽ gửi trả nhuận bút cho tác giả” - ông Lã Thanh Tùng cho biết.

Ông Lã Thanh Tùng cũng gửi lời mời tác giả Hoàng Long đến báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội), nhận nhuận bút thay tên Nỗ Nam; hoặc cho địa chỉ, tài khoản, báo Văn nghệ sẽ gửi nhuận bút và báo biếu tận nơi. “Nếu thấy có bài nào của mình bị đạo nữa, rất mong các bạn thông tin để báo Văn nghệ xử lý kịp thời” - ông Lã Thanh Tùng khẳng định.

Về phần mình, dịch giả Hoàng Long đề nghị báo Văn nghệ đính chính bằng cách “trả lại tên” tác giả cho bài viết trên.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm