Nhà thơ Trương Nam Hương vẫn mãi vẹn nguyên tình yêu Hà Nội

10/10/2010 12:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nói về những “nhà thơ Hà Nội” sống xa mảnh đất ngàn năm, không thể không nhắc đến Huỳnh Văn Nghệ, Phan Vũ, Thanh Tùng, Thái Thăng Long, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo... Nhà thơ Trương Nam Hương là một gương mặt tiêu biểu trong số các “nhà thơ Hà Nội” như thế.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Xa Hà Nội từ năm 12 tuổi, anh không thể nhớ hết mình có bao nhiêu bài thơ viết về Hà Nội. Không nhớ hết bởi ký ức về Hà Nội chưa bao giờ cạn nguồn hứng khởi thi ca trong anh.

Quê cha ở Huế, quê mẹ Bắc Ninh, nhưng anh sống gần suốt tuổi thơ ở Hà Nội. Cuối năm 1975, anh theo cha về phương Nam. Hà Nội của Trương Nam Hương những năm thơ trẻ là Hà Nội của “Một thời đạn bom, một thời hòa bình”.


Nhà thơ Trương Nam Hương bên cầu Thê Húc
Anh kể: “Năm 2 tuổi đã phải ngủ hầm trong đợt Mỹ oanh tạc miền Bắc lần thứ nhất. Năm 9 tuổi đã suýt chết trên đường đi học về bởi loạt rocket của Mỹ xuống Ngọc Hà mở màn cho 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội”.

Anh nhớ mãi những ngày học ở trường Thống Nhất dưới chân Núi Bò. Mỗi lần đi học mẹ lại đưa anh một cái bao kiểu bao đựng gạo, cho vào trong cặp. Tan trường, anh lên Núi Bò nhặt đầy bao lá mang về cho mẹ thổi cơm. Những kỷ niệm ấy đi vào thơ anh tự nhiên là vì vậy: “Điều chẳng vô tâm là thương mẹ lắm/ Tôi nhặt mùa Thu trên đỉnh Núi Bò/ Lá ơi lá, bếp mỗi chiều mẹ nhóm/ Rủ khói về đỡ mẹ, ngún âu lo” (Thành phố tuổi thơ).

Hà Nội cho tuổi thơ anh những quả bàng, quả sấu, những hoa sữa, heo may, những mưa phùn gió bấc, áo bông, kẹo lạc, bi đất, gà con... Những thứ đơn sơ ấy giờ sao vẫn cứ trĩu nặng trong ký ức tuổi thơ anh: “Một thời Hà Nội lo toan/ Gạo ngô thì thiếu, hoa xoan lại thừa/ Một thời. Ôi một thời xưa/ Áo phong phanh gió bốn mùa buồn vui” (Hà Nội một thời). Hà Nội ngày ấy người ta trồng rất nhiều xoan để lấy cột làm nhà, khu anh ở, xoan nhiều vô kể. Sáng dậy, ngõ nhà anh hoa xoan ngao ngát tím. Anh viết về Hà Nội bằng những kỷ niệm nho nhỏ đó.

Trong số các bài thơ về Hà Nội của anh có khoảng hơn 20 bài được các nhạc sĩ phổ nhạc. Mỗi nhạc sĩ đã mang đến cho thơ anh những giai điệu đẹp, rất thăng hoa, trong số đó anh thích sự nồng nàn trong nhạc Phú Quang với Quán thời gian, sự da diết khắc khoải của nhạc Lê Trung Tín trong Góc nhớ Hà Nội, Sông 17 tuổi...

Nói về đề tài Hà Nội trong sáng tác của các đồng nghiệp ở TP.HCM, anh nhận xét: “Hình như nhà thơ nào cũng có ít nhất một câu thơ, một bài thơ về Hà Nội. Một góc chiều Hà Nội của nhà thơ Nguyễn Duy, Tôi mang Hồ Gươm đi của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và Chiều phủ Tây Hồ của nhà thơ Thái Thăng Long... là những bài thơ hay. Một người không phải gốc Hà Nội như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết một câu thơ rất tài tình, tôi vẫn nhớ: Em sâu sắc như kinh thành cổ kính/ Gốc si già da mốc ngói rêu xanh”.

Các nhà văn TP.HCM viết về Hà Nội

Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa ấn hành 2 cuốn sách kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Các tác giả của 2 cuốn sách này là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM đến từ khắp nước Việt đang sinh sống tại thành phố mang tên Bác.


2 cuốn sách của các nhà văn TP.HCM mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Tập thơ mang tên Một dáng Thăng Long quy tụ 117 tác giả, trong đó có nhiều tác giả đã có tác phẩm nổi tiếng viết về Hà Nội như: Thanh Tùng, Nguyễn Duy, Thái Thăng Long, Bùi Thanh Tuấn, Trương Nam Hương...

Tập văn và ký mang tên Sắc Thu Hà Nội gồm 23 tác giả mà nhiều người trong số đó đã có một thời gian dài gắn bó với Hà Nội như: Nguyễn Quang Sáng, Lưu Trùng Dương, Hoài Anh, Trần Thanh Phương, Đoàn Minh Tuấn, Trần Thị Thắng... Sắc Thu Hà Nội ngoài những sáng tác đã lâu giờ vào tuyển tập này, còn có những trang viết mới, như của nhà nghiên cứu, PGS Huỳnh Như Phương với tác phẩm Hà Nội trong sương mù ký ức vừa viết nhân dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi.


Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm