Nhà thơ Nguyễn Văn Thắng: Viết lại những đề tài cũ để góp vào sáng tạo chung

08/07/2020 11:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Là hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng Nguyễn Văn Thắng đã mấy mươi năm lao động văn học. Ông đã xuất bản 14 tập thơ, đa số viết cho thiếu nhi. Ông viết cho các em chuyên nghiệp tới mức tự tin, chẳng ngại viết tiếp, viết lại những đề tài cũ, để góp sáng tạo riêng vào những mẫu mực chung, vốn đã thành cổ điển.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 12): Nhà thơ Nguyễn Sư Giao - Thơ là động lực sống

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 12): Nhà thơ Nguyễn Sư Giao - Thơ là động lực sống

Nguyễn Sư Giao bị thương trên đường hành quân ở Huế năm 1972, khiến bị mù, cụt bàn tay phải và bàn chân phải. Năm nay 85 tuổi (sinh 1935), ông có 8 người con, mất 3 còn 5, với muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, nhưng chính thơ đã là động lực sống của ông và gia đình.

Nguyễn Văn Thắng báo tin vui, năm học này tác phẩm trong sách giáo khoa Tiếng Việt của ông cũng được “lên lớp”! Chẳng là, truyện rất ngắn có tính ngụ ngôn Đám mây xấu xí được ông viết và đăng báo, từ nhiều năm trước đã được đưa vào sách kể chuyện cho các cháu mầm non ở chủ điểm Hiện tượng thiên nhiên. Kể từ năm học 2020-2021 truyện ngắn này sẽ thành bài kể chuyện với tên gọi mới Mây đen mây trắng ở trang 124 sách Tiếng Việt 1 thuộc bộ “Cánh diều”.

Từ những chủ đề gần gũi

Truyện Mây đen mây trắng như thế này:

“Dải mây trắng yểu điệu lượn gần đám mây đen xấu xí. Nó đỏng đảnh liếc mắt sang đám mây đen rồi bĩu môi:

- Nhọ nhẻm nhọ nhem thế mà cũng gọi là mây. Thật xấu hổ!

Nói rồi, mây trắng thướt tha trong tà váy bồng xốp trắng tinh cùng làn gió nhẹ lướt qua mặt mây đen một cách kiêu ngạo. Mây trắng rong chơi trên những mái nhà, những cánh đồng khô khát.

Mây đen chỉ im lặng. Nó cúi xuống nhìn cánh đồng khô hạn và nghĩ:

- Mình sẽ làm gì để giúp cô bác nông dân được nhỉ?

Nó cố chịu đựng một cái nóng bức dữ dội của ngày Hè. Mỗi lúc, đám mây đen một xám lại, nặng nề, có vẻ như càng xấu xí hơn. Rồi không biết vì thương bác nông dân hay thương cánh đồng đang khát nước dưới kia, đám mây đen bỗng òa khóc. Những giọt nước mắt của nó trắng tinh khiết và mát rượi thấm vào lòng đất mẹ thân yêu. Những cánh đồng reo vui, cây cỏ, hoa lá bừng tỉnh, ríu ran cười nói như ngày hội. Tất cả bọn chúng ngước lên trời, nhìn đám mây đen và cùng nhau nói:

Chú thích ảnh
Nguyễn Văn Thắng bên bia làng Mỹ Đôi - tấm bia có ghi tên ông

- Mây đen ơi, chúng tôi cảm ơn bạn! Nhờ bạn mà chúng tôi có nước để uống, để sinh sống!

Lúc bấy giờ, dải mây trắng mải chơi và kiêu kỳ cảm thấy xấu hổ:

- Mình ham chơi quá, chưa giúp ích gì cho mọi người.

Nó lẳng lặng bay đến bên đám mây đen và nói lời xin lỗi”.

Ngoài truyện ngắn này, Nguyễn Văn Thắng còn bài thơ Cháu nghe câu chuyện của bà ở sách giáo khoa hiện hành Tiếng Việt 4, tập 1, trang 26:

Chiều rồi bà mới về nhà

Cái gậy đi trước, chân bà theo sau

Mọi ngày bà có thế đâu

Thì ra cái mỏi làm đau lưng bà

Bà rằng: Gặp một cụ già

Lạc đường, nên phải nhờ bà dẫn đi

Một đời một lối đi về

Bỗng nhiên lạc giữa đường quê, cháu à

Cháu nghe câu chuyện của bà

Hai hàng nước mắt cứ nhòa rưng rung

Bà ơi, thương mấy là thương

Mong đừng ai lạc giữa đường về quê”

Bài thơ bắt đầu bằng những chữ gợi nhớ hình tượng những cụ bà xưa xửa xừa xưa trong văn học dân gian. Xưa như bà cụ hàng nước trong cổ tích Tấm Cám, xưa như Bà còng đi chợ trời mưa trong ca dao, không còn “cái tôm, cái tép đi đưa…”, thì bà đi cùng “cái gậy”. Gậy đỡ tấm lưng đau của bà, dẫn bước chân chậm của bà. Cái gậy giúp bạn đọc nhìn thấy tấm thân gầy guộc, run rẩy của bà trong một câu chuyện rất ngắn mà có tới 3 nhân vật và đầy chất kịch, để rồi nhân vật thứ ba - cậu học trò cùng tất cả chúng ra “rưng rưng” cảm thấy, “rưng rưng” ngộ ra cảnh báo, rồi có lúc, thời khắc “lạc giữa đường về quê” có thể xảy ra cho bất cứ ai!

Bài thơ có hơi hướm dân gian chắc là vì tác giả Nguyễn Văn Thắng - ông thầy trường huyện Bình Lục - vừa dạy trung học phổ thông vừa học thêm để lấy bằng tiến sĩ với đề tài nghiên cứu vùng văn hóa dân gian Liễu Đôi trên đất quê Hà Nam nhà mình; chắc là vì hương ước làng Mỹ Đôi của dòng tộc Nguyễn Văn nhà ông, rất trọng chữ nghĩa, luôn khuyến học, làng có hương bia, với cụ rùa đá đội bia tiến sĩ trong nhà truyền thống. Bia này có khắc tên Nguyễn Văn Thắng, tác giả trang 26 và trang 124 trong sách giáo khoa Tiếng Việt.

Chú thích ảnh
“Mây đen và mây trắng” trong sách Tiếng Việt 1, trang 124

Đến viết lại dân gian

Trong thơ Nguyễn Văn Thắng có từ chị Hằng tới chú Cuội, từ “bà Còng đi chợ…” tới “thằng Bờm có cái quạt mo”. Tất cả những nhân vật thơ ca đã là “nhãn hiệu” từ xưa ấy, đều hóa thành người của ngày hôm nay. Thằng Bờm tinh khôn, khoáng đạt hơn, đòi hoán đổi những cao sâu của núi non biển cả, của thiên nhiên hùng vĩ! Và chú Cuội thì hiện đại hơn, biết tận dụng những tiện nghi văn hóa của văn minh loài người, cùng với loài người: “Bé ngồi viết thư cho Cuội/ Vẽ trong thư một cái nhà/ Ngoài bì thư ghi nắn nót/ Bưu điện đừng ngại đường xa”.

Nguyễn Văn Thắng chuyên nghiệp trong thi pháp khi chẻ một đề tài thành 2, thậm chí thành 3 tác phẩm. Chỉ là chuyện “bé hỏi” khi thì tứ tuyệt ngũ ngôn, với đủ cả nhân vật, đối thoại và câu dẫn chuyện để 4 dòng thơ thành một truyện cực ngắn: “Mẹ ơi, con đi đâu/ Trăng cũng theo thế nhỉ?/ Mẹ mỉm cười thủ thỉ:/ Vì trăng là bạn thân”.

Vẫn chuyện “bé hỏi” ở trang khác lại là lục bát nhịp nhàng: “Ông trời đi dép màu gì?/ Rửa chân ở biển, ngủ khì ở đâu?/ Ông trời nắng đỏ tóc râu?/ Đốt rơm khói bếp thành màu mây trôi?”. Để rồi trong câu kết trên chín tầng mây kia, tác giả đề cao nhân vật trữ tình của mình: “Bao nhiêu câu hỏi tuyệt vời/ Nếu không có bé, ai người đưa ra?”.

Những đứa bé trong thơ Nguyễn Văn Thắng - những nhân vật đồng dao của thời @ đánh bạn với trăng, hỏi chuyện ông trời! Các em đủ tầm vóc thơ ca để tới trường với núi: “Lối này men núi em đi/ Mái trường tít tận bên kia trập trùng/ Nón mây lóa trắng vô cùng/ Cho em với núi đội chung tới trường”. Các em tới trường cùng: “Đám mây đi học khắp trời/ Sông đi học để biết bồi phù sa/ Biển đi học để bao la/ Bé đi học để được là bé ngoan”. Trên con đường hiếu học ấy, bé ngoan tung tăng cùng bốn mùa thiên nhiên của mình: “Mùa đông đi học chiều nay/ Để sớm mai kịp cầm tay xuân về…”.

Cùng đi học với các nhân vật của mình trong suốt thời gian đứng lớp ở trường huyện, trường tỉnh, rồi trường quốc gia, cùng chăm học như thế, Nguyễn Văn Thắng luôn nhận được những “phiếu bé ngoan” cho tới tuổi tráng niên của mình. Đó là giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh của báo Tiền phong năm 1991, giải thưởng văn học - nghệ thuật Nguyễn Khuyến của tỉnh Hà Nam Ninh (1986-1990), giải thưởng văn học- nghệ thuật của tỉnh Hà Nam (1996-2000), giải thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2002… Và mới đây, ngày 4/3/2020, công dân Nguyễn Văn Thắng đã được trao Huân chương Lao động hạng Nhì, vì “Đã có thành tích xuất sắc trong tham mưu, tổ chức thực hiện toàn diện công tác trường chính trị trên phạm vi toàn quốc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”.

Nguyễn Chơn Chất

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm