Nhà thơ, GS.TS Bruce Weigl: Từ chối giải thưởng là… hiện tượng toàn cầu!

08/02/2013 07:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Với gương mặt rất nghiêm nghị và “đe dọa”, nhà thơ Mỹ, giáo sư Bruce Weigl hài hước nói rằng sẽ đòi 500 USD cho cuộc trả lời phỏng vấn TT&VH về vấn đề giải thưởng văn chương - nhận và từ chối, chuyện đang “nóng ” khi mới đây có thêm hai nhà văn từ chối giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là “lấy rẻ theo giá thị trường Việt Nam”, Bruce bổ sung.

* Thưa , ở Mỹ có hiện tượng từ chối giải thưởng văn học khi được trao hay không?

- Có. Không chỉ ở Mỹ, ở đâu trên thế giới thì cũng có những hiện tượng như vậy, đó là vấn đề toàn cầu, chừng nào còn có người trao và người được nhận (cười).

* Tại sao họ lại từ chối nhỉ, chưa thỏa mãn, bất bình hay là vì một lý do nào khác?

- Có rất nhiều lý do. Có tác giả khi được nhận giải họ lại không tin tưởng lắm vào những gì họ viết, chưa hoàn toàn hài lòng với cuốn sách của họ. Ở Mỹ, thì còn do tình hình xã hội nữa, có rất nhiều vấn đề trong thời điểm mà họ được trao giải thưởng và họ, các nhà văn không muốn nhận giải trong bối cảnh xã hội, tình hình chính trị đó. Một lý do nữa là có những tác giả nhiều tuổi muốn dành giải thưởng đó cho những người trẻ hơn, như một cách bày tỏ thái độ tin tưởng vào sức mạnh của tuổi trẻ, mà họ - những người già không còn nhiều cơ hội, không còn nhiều thời gian để viết những cuốn sách hay hơn cho đất nước.

* Hình như ở Mỹ mọi người không quan tâm đến giải thưởng và những tranh cãi về giải thưởng lắm?

- Tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện về giải thưởng ở Mỹ, về một nhà văn khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, Larry Heinemann và tiểu thuyết Chuyện của Paco (Paco’s Story) của ông (bản tiếng Việt của NXB Phụ nữ năm 2010 - TT&VH). Năm đó, những người quan tâm đến văn học dồn sự chú ý vào tác phẩm của nhà văn da đen Toni Morrison. Hầu như mọi người đều nghĩ rằng giải thưởng sách quốc gia năm ấy sẽ thuộc về bà hoặc chí ít sẽ thuộc về những nhà văn danh tiếng nước Mỹ được đề cử. Nhưng cuối cùng giải thưởng rơi vào tay Larry Heinemann - nhà văn mà trước đó hầu như không ai hay biết. Một nhà phê bình lớn của Mỹ nói rằng đó là một cú choáng váng với nước Mỹ. Không ít các nhà văn ở đẳng cấp cao của Mỹ không thích các cựu binh viết, đặc biệt lại viết về chiến tranh Việt Nam. Một quyết định trao giải thưởng cho một người mà trước đó gần như vô danh, điều mà các “ông kễnh” văn chương không hề thích.

* Sau đó một cuộc tranh luận nổ ra chứ?

- Đúng. Có người chê bai, có người lại yêu mến, có một số người hỏi cái “tay” Larry Heinemann là “đứa” nào mà lại đoạt giải thưởng. Khi đó tổ chức trao giải thưởng trả lời dứt khoát rằng, chúng tôi không thể tìm ra cuốn sách nào xuất sắc hơn cuốn sách về Chuyện của Paco cho tới thời điểm trao giải. Tôi vẫn còn nhớ, khi nhà văn Larry Heinemann đến dự, đi cùng với vợ trên một chiếc xe cà tàng, mặc một chiếc quần ống ngắn, hệt như một gã nhà quê chính hiệu.

* Ở Mỹ có nhiều giải thưởng văn học bị “tác động và can thiệp” theo một hướng nào đó không, thưa anh?

- Ở Mỹ có hai giải thưởng lớn, đó là giải thưởng sách quốc gia và giải thưởng Pulitzer nổi tiếng trên toàn thế giới. Họ chỉ đề cử hai cuốn thôi, một thơ và một văn xuôi. Và sẽ lựa chọn một trong hai cuốn để trao giải. Chẳng ai biết được cuốn sách của mình có thể trở thành ứng cử viên cho giải thưởng đó. Năm nay tôi có một cuốn sách đề cử cho giải thưởng Pulitzer. Những giải thưởng này hoàn toàn bí mật, không ai hay biết, không báo chí, không truyền thông, không bàn luận trước đó. Họ không muốn ban giám khảo bị tác động, dù sự tác động đó có chiều hướng tích cực, trong sáng đi chăng nữa. Nhưng dù dưới góc độ nào thì cũng có ảnh hưởng nhất định. Các ứng cử viên hoàn toàn không biết gì về thông tin giải thưởng. Trước đó không biết, cho đến tận giờ G, lúc trao giải người được nhận giải mới biết.

Nhà thơ Bruce Weigl và những người bạn trong đêm thơ Trở về ngôi nhà Việt tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội

* Ở Việt Nam, nhiều người nghĩ rằng những người có “quyền” thường hay nhận giải, còn những người không có quan hệ mật thiết với ban giám khảo thì niềm hy vọng rất xa xôi.

- Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Không phải có “quyền” và có quan hệ mới có giải thưởng. Tôi biết ở Mỹ rất nhiều nhà văn đàng hoàng, họ là ứng cử viên của giải thưởng nhưng khi không được trao giải thì họ nói rằng cuốn sách được giải thưởng kia mới thực sự là cuốn sách đáng đọc. Đây không chỉ là sự khiêm tốn mà còn là một hành xử văn hóa.

* Mấy hôm nay, báo chí đang nói nhiều về giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam có liên quan đến nhà văn Y Ban, tôi biết anh là bạn của nhà văn Y Ban, anh đã đọc tác phẩm nào của chị ấy chưa?

- Y Ban là bạn tôi. Tôi biết nhà văn Y Ban từ rất nhiều năm trước, khi Y Ban đến Mỹ, chúng tôi đã trở thành những người bạn tốt của nhau và có nhiều kỷ niệm. Rất tiếc tôi chưa được đọc bản dịch tác phẩm nào của chị ấy cả.

* Nhà văn Y Ban và một tác giả nữa đã từ chối bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm của mình, anh có biết không?

- (Cười) Tôi cũng nghe nhiều nhà văn Việt Nam nói về việc này. Ở Mỹ người ta rất khó hiểu khi có những người chối từ giải thưởng, nếu như thực sự không có vấn đề gì thật trầm trọng. Và người ta gọi những người chối từ giải thưởng là “quả nho chua” (Sour grapes). Lý do sâu kín thì tôi không được biết, nhưng lý do đã công khai lại làm cho tôi không hiểu được. Tôi nghĩ chắc nhiều người trong các bạn cũng không hiểu hết được.

Tôi biết nhà văn Y Ban là một người làm việc nỗ lực, yêu văn chương, yêu con người trên xứ sở của mình. Việc từ chối của nhà văn Y Ban tôi không hiểu và tôi cũng không dám nói một điều gì cả.

* Anh luôn nói “tôi yêu nhà văn Y Ban”, “tôi yêu nhà thơ Hữu Thỉnh” nhưng anh “yêu” người nào hơn, theo nghĩa trong sáng đấy nhé?

- Nếu bắt buộc phải trả lời, tôi yêu nhà thơ Hữu Thỉnh hơn, vì tôi với Hữu Thỉnh đã từng ở trong một cuộc chiến tranh khốc liệt mà người này có thể giết chết người kia và chúng tôi có những ký ức chiến tranh. Tôi cho rằng Hữu Thỉnh là một trong những nhà văn quan trọng đã dựng lên cây cầu văn học giữa hai nước Việt - Mỹ, nói rộng hơn là cầu nối văn hóa giữa nhân dân hai phía. Những lần đầu tiên tôi đến Việt Nam còn đang ngỡ ngàng và đầy hoảng hốt thì chính nhà thơ Hữu Thỉnh và các nhà văn Việt Nam đã cấy vào trái tim của tôi một tình cảm ấm nóng bạn bè. Tôi yêu nhà thơ Hữu Thỉnh, vì ở đó là ký ức và những câu chuyện khác.

* Một câu hỏi riêng tư một chút: lần này anh sang Việt Nam có công to việc lớn gì không?

- Tôi đến bởi vì tôi nhớ Việt Nam, yêu Việt Nam, rất nhiều những người bạn thân thiết mà tôi không thể rời xa được, những người đã cùng tôi sống, viết và cùng quan tâm đến văn học. Lần này tôi sang hai tháng, liên quan đến rất nhiều công việc. Cùng với nhạc sĩ Vũ Nhật Tân - người viết nhạc, tôi viết lời, soạn một bản giao hưởng dựng lịch sử của hai nước Việt - Mỹ từ năm 1944 đến nay. Đồng thời, sẽ làm việc với Hội Nhà văn, thực hiện đề án dịch thuật văn học: 100 bài thơ viết về chiến tranh vệ quốc của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Hội Nhà văn sẽ phối hợp với một nhà xuất bản uy tín của Nhật để xuất bản tập thơ này bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh và Nhật, và phát hành trên toàn thế giới.

Là một trong những nhà thơ đương đại xuất sắc nhất của Mỹ, Bruce Weigl đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Giải thưởng Nhà thơ xuất sắc của Viện Thi ca Mỹ, Giải thưởng Thơ Patterson, Giải thưởng của Quỹ Phát triển Nghệ thuật Quốc gia và Quỹ Yaddo, Giải thưởng Pushcart và Giải thưởng văn học Lannan.


Bài & ảnh: Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm