Nhà phê bình Văn Giá: Từ văn mình nhìn sang văn người

03/03/2013 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Buổi ra mắt cuốn chân dung, tiểu luận, phê bình Người khác và tôi (NXB Hội Nhà Văn, 2013) của nhà phê bình/ nhà văn Văn Giá tại Trường ĐH Văn hóa đã rất đông người đến dự, dù chùng đúng giờ cao điểm tắc đường, kẹt xe.

Danh xưng nhà phê bình/nhà văn là cách gọi có phần khiêm tốn, vì thực tế, Văn Giá đã là PGS.TS, Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí (Đại học Văn hóa  Hà Nội) từ nhiều năm rồi.



Nhà phê bình Văn Giá

1. Văn Giá vốn là người nhiệt tình, ai mời cũng nhận lời, ai nhờ cũng gật đầu. Phần nào đó, Văn Giá giống với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Không rõ có cầm bút ghi vào sổ tay hay viết trên máy điện thoại hay không, mà việc gì nhận làm Văn Giá đều nhớ. Nếu giục mau thì anh làm mau, nếu có thể đủng đỉnh thì anh sẽ thõng tay làm sang việc khác.

Liên lạc với Văn Giá cũng rất dễ, vì điện thoại anh thường nghe, mạng anh hay online và có thể chat qua gmail. Không được thì để tin nhắn, rảnh anh sẽ trả lời. Nếu chưa thể làm được, thì Văn Giá sẽ nhờ người khác làm. Đến với Văn Giá với mục đích nhờ vả gì, anh sẽ để bạn về với một tâm trạng vui vẻ và yên tâm rằng việc sẽ xong.

Thích kết nối người viết với nhau, mỗi lần ở Khoa có việc gì, thể nào Văn Giá cũng gửi tin nhắn mời bạn tận tình, và biết trước tính cách không ưa tụ họp của ai đó, thế nào anh cũng “thòng” trước câu: “Ít người thôi, toàn thân thiết cả”. Rồi khi đến, thể nào cũng thấy hai phòng tiếp khách của Khoa hoặc hội trường của Đại học Văn hóa đầy khuôn mặt khách. Chiều dân văn chương, bao giờ cũng phải là rượu, mà dứt khoát rượu ngon chu tất. Đã có rượu, ít ai muốn về sớm, sẽ khề khà, sẽ bàn bạc, sẽ tán gẫu, sẽ thanh minh. Dăm người giận nhau lâu không gặp mặt, cũng làm lành được qua cuộc rượu mà Văn Giá tổ chức.

2. Trong cuốn Người khác và tôi, bài viết về cuốn Luận bàn minh triết và minh triết Việt đã từng in Trên giá sách TT&VH, sau khi gửi bài viết đó đến tôi, nhà văn Văn Giá nói nhẹ nhàng, nhờ em đặt bài mà anh mới hoàn thành được ý định của mình là viết về thầy Hoàng Ngọc Hiến của mình, và em nhớ gửi anh tờ báo để anh đặt lên bàn thờ nhân ngày giỗ thầy. Văn Giá là người sống với cái tình là thế. Vậy nên, khó thấy trong mỗi bài viết, Văn Giá thẳng thắn chê ai cùng những sáng tác của họ bao giờ.


Bìa tập sách Người khác và tôi.

Ấy thế nhưng, nếu là một buổi thảo luận về tác giả tác phẩm, có được mời phát biểu, Văn Giá sẽ có đủ khen và chê theo cảm nhận chủ quan. Và khi sử dụng cách nói nhẹ nhàng, từ tốn, chậm rãi… à thì thế này nhỉ, à thì thế đấy nhỉ… người nghe chủ yếu thấy sự trung dung lẫn thuận của khen chê, nên không vì khen mà vui, không bởi chê mà buồn. Thì Văn Giá vốn không thích làm mất lòng người quen. Nếu ai đó trót giận, anh sẽ tìm cách giải thích. Nếu để có thể vừa lòng mọi mối giao hữu, theo kiểu biết mình biết người khác, Văn Giá đủ khéo léo trong những thực thà.

“Chiều tình cờ gặp thầy ở lối vào văn phòng khoa. Chỉ định chào thầy một câu rồi đi, ai dè thầy vẫy tay lại bảo: “Này cậu, có mấy bài làm của các cậu đặt cạnh nhau mà thấy chênh nhau một trời một vực”. Tôi đâm lo lo (…) Mạnh dạn hỏi thầy, thầy cười tươi bảo: “Cậu thì còn lo gì nữa. Bài của cậu khá đấy”. Tôi cười xòa, hết lo, lại đùa tếu với thầy: “Vậy chắc bài của em là trời thầy nhỉ”. (Ngắm… nhan sắc thầy tôi. T09)

3.Người khác và tôi, chia làm hai phần, phần thứ nhất là chân dung của nhà giáo Nguyễn Đình Chú, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, nhà giáo Trần Đình Sử, nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, nhà thơ Tế Hanh, nghệ sĩ Vương Trung, nhà văn Thanh Châu và tiếp theo là phần tiểu luận phê bình gồm 17 bài, chủ yếu là nói đến tác phẩm, nhưng phần thông tin của tác giả bao giờ cũng được Văn Giá ghi chú thật kỹ.

Khi viết, không chủ yếu làm văn, chọn hành văn, giống một nhà báo hơn, Văn Giá dùng các câu đơn giản với cách kể gần gũi, mộc mạc, sao cho người đọc có thể thấy ngay những vấn đề được nêu và nhận ngay được chân dung mà anh đề cập tới. Cũng hẳn vì thế, phần nhiều các bài viết in trong cuốn sách Người khác và tôi, đã được đăng báo, hoặc được đọc trong một buổi tọa đàm, thảo luận, phê bình nào đó.

“Lứa chúng tôi gặp nhau quen nói về thầy Nguyễn Đăng Mạnh là cụ Mạnh. Cụ Mạnh mới đăng một bài được lắm. Cụ Mạnh nghe đâu đang bị trái gió giở giời. Cụ Mạnh có phải mới vào Sài Gòn. Cụ Mạnh mới ở Đà Nẵng ra. Cụ Mạnh vừa bị đánh… Cụ Mạnh” (Cụ Mạnh. T15)

Sẽ tạo ra sự liên kết nhịp nhàng thế nào khi vừa là người viết văn, vừa là người phê bình, lại vừa là giáo viên dạy cả viết văn, làm báo lẫn phê bình văn học? rõ ràng Văn Giá muốn đi đến mọi điểm nút của văn chương, để có cái nhìn đa chiều về văn chương, và có thể hiểu văn chương được tận cùng bản chất của nó.

Có điều, Văn Giá là người hiền lành. Thế nên, đứng ở vị trí nào, anh cũng không giấu được sự lành hiền qua mỗi trang viết.

Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm