15/09/2017 08:32 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Hoà ngồi trước mặt tôi, tóc bạc, dáng người nhỏ bé, cặp mắt sáng lên khi kể về khoảnh khắc không bao giờ quên của một thời tuổi trẻ. Ông nhớ lại:
- Đêm ấy dàn nhạc giao hưởng đang biểu diễn trong khu Bách Thảo chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III thì Bác Hồ đến. Bác đi cùng một đoàn khách quốc tế đến xem hoà nhạc. Khi nhạc trưởng mời Bác lên bục chỉ huy, bác đề nghị dàn nhạc chơi bài Kết Đoàn. Âm nhạc sôi nổi, rộn ràng. Bác rất vui... Khi ấy tôi để ý thấy có một phóng viên ảnh ngồi ở phía sau Bác, cầm máy chờ đợi. Sau này tôi mới biết đấy là phóng viên ảnh Lâm Hồng Long của TTXVN, người trong đêm ấy đã ghi lại một khoảnh khắc đặc biệt trong bức ảnh lịch sử: "Bác Hồ bắt nhịp Kết Đoàn "....
Câu chuyện đó diễn ra vào năm 1961. Trong bức ảnh, Nguyễn Xuân Hoà chơi violon, ngồi phía bên tay phải, trẻ trung với tuổi 21, hồ hởi biểu diễn cùng các nhạc công bè bạn dưới sự chỉ huy của Bác Hồ, người nhạc trưởng vĩ đại. 56 năm đã trôi qua. Bây giờ, người thanh niên trẻ trung Nguyễn Xuân Hoà trong ảnh đã là một người đàn ông 78 tuổi. Bức ảnh ấy là một khoảnh khắc không thể nào quên với riêng ông.
Câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Hoà nhắc tôi nhớ về những điều nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long nói với tôi về việc chụp bức ảnh này nhiều năm trước. Khi hai anh em rong ruổi nhiều ngày trong mùa Xuân 1975 ông kể về nhiều chuyện trong cuộc đời cầm máy của mình, trong đó có câu chuyện ông đã chụp bức ảnh này như thế nào.
Ông nói: "Khi Bác Hồ bước lên bục, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, người cầm máy nào cũng biết đây là một cơ hội tuyệt vời với nhiếp ảnh. Tất cả các phóng viên đều tìm chỗ đứng ở cùng phía với các nhạc công để chụp Bác. Ở góc ấy, hình ảnh Bác rất dễ sinh động và có nhiều thời khắc bấm máy. Nhưng góc chụp ấy có một nhược điểm là ngoài hình ảnh Bác ra, trong khuôn hình chỉ thấy được phía sau các nhạc công. Tôi có suy nghĩ khác".
Ông chia sẻ: "Vì muốn trong khuôn hình có Bác và có cả gương mặt các nhạc công, tôi lặng lẽ di chuyển ra phía sau lưng Bác và hy vọng vào khoảnh khắc nào đó Bác sẽ quay lại. Tôi kiên nhẫn chờ đợi, tính toán khuôn hình, đèn máy sẵn sàng. Bác là người vô cùng nhạy cảm, khi biết có một phóng viên ở phía sau thế nào cũng có lúc Bác quay lại. Và khoảnh khắc ấy đã đến. Bác quay lại phía tôi, gương mặt tươi cười, đũa chỉ huy vung cao. Cùng với hình ảnh Bác là gương mặt các nhạc công đang say mê hồ hởi trong giây phút biểu diễn thăng hoa nhất! Tôi bấm máy và với linh cảm của một người làm nghề, tôi tin rằng mình đã có một hình ảnh tuyệt vời".
Quả đúng như vậy. Bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp Kết Đoàn" của Lâm Hồng Long đã trở thành một biểu tượng lịch sử về hình ảnh lãnh tụ vĩ đại, có sức khái quát lớn và trường tồn với thời gian! Tài năng, kinh nghiệm, sự linh cảm và cả sự may mắn đã giúp ông đón được khoảnh khắc tuyệt vời mà trong đời cầm máy không mấy ai có được. Tác phẩm ấy đã ghi tên tuổi Lâm Hồng Long như là một nhà nhiếp ảnh bậc thầy!
Trong cuộc đời cầm máy của mình, nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã trải qua nhiều khoảnh khắc đáng nhớ. Do điều kiện công tác và cũng là một sự may mắn, tôi đã có một số dịp cùng ông chứng kiến những khắc ấy. Những ngày Điện Biên Phủ trên không 1972, tôi đã thấy ông đội mũ sắt lên sân thượng nhà cao tầng cùng các đồng nghiệp săn ảnh B52 cháy trên bầu trời Hà Nội.
Mùa xuân năm 1975, tôi đã cùng ông trong đội hình của tổ phóng viên mũi nhọn của TTXVN vào Huế, Đà Nẵng giải phóng, rồi một loạt các thành phố lớn ở miền Trung rồi có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4 lịch sử. Tôi đã thấy ông say mê ghi lại những khoảnh khắc xúc động trên mỗi nẻo đường hành quân. Tôi có dịp chứng kiến khoảnh khắc ông gặp lại người thân trong gia đình tại thị trấn Hàm Tân - Phan Thiết quê hương sau 20 năm xa cách; và đặc biệt nhất khi ông gặp lại người con gái đã hứa hôn cùng ông sau bao năm vẫn chung thuỷ đợi chờ...
Tôi cũng không bao giờ quên gương xúc động của ông sau khi ghi lại được hình ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" trong lần hai anh em đi Vũng Tàu đón các chiến sĩ từ Côn Đảo trở về những ngày đầu giải phóng. Một lần nữa, lịch sử lại trao cho ông cơ hội bằng vàng khi ông may mắn được chứng kiến anh Lê Văn Thức, tù nhân Côn Đảo, gặp lại người mẹ của mình khi bà từ miền Tây nghe tin lặn lội lên Vũng Tàu tìm con.
Qua cuộc gặp mặt của hai mẹ con anh Thức, Lâm Hồng Long đã tạo nên một hình tượng bất hủ cho Mùa Xuân 75, mùa xuân đất nước sum họp, thống nhất!
Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, phóng viên TTXVN, là con người của những khoảnh khắc lịch sử, của những hình tượng có sức khái quát lớn. Ông cũng là một con người hết mực khiêm nhường, đức độ, một gương mặt nổi bật trong đội ngũ những nhà nhiếp ảnh tài năng, tâm huyết của TTXVN. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật là sự ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của ông cho sự nghiệp thông tấn, nhiếp ảnh báo chí nước nhà.
Cũng chính nhờ có những tác phẩm của ông, những người bình thường như mẹ con chiến sĩ Lê Văn Thức, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Hoà... đã có mặt trong những bức ảnh lịch sử, mang dấu ấn một thời đất nước.
Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất