Nhà nghiên cứu VH Giang Quân: “Trong tôi, Hà Nội lúc nào cũng đẹp”

12/10/2011 10:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Với 50 năm làm việc, in hơn 50 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn viết riêng về Hà Nội (như: Ký sự địa chí Hà Nội, Từ điển đường phố Hà Nội), nhà báo - nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân vừa được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011.

Lần đầu tiên tôi gặp nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khi ông cùng các đồng chí trong ban thi đua khen thưởng của thành phố cùng các anh chị em văn nghệ sĩ triển khai làm tập sách Những bông hoa đẹp thứ 17. Trong đội ngũ những người viết sách ấy, ông là tác giả lớn tuổi nhất và tâm huyết nhất. Đã 18 năm viết về những tấm gương “người tốt, việt tốt” mà ông vẫn chỉn chu, tâm huyết với từng nhân vật. Sau này, khi tiếp xúc với ông nhiều hơn, tôi mới hiểu tất cả những việc dù lớn, dù nhỏ ông đã làm cho Thủ đô đều xuất phát từ “Ý thức công dân, ý thức người Hà Nội”, điều ấy thật giản dị mà cũng thật đáng quý và trân trọng.

Ngưỡng mộ nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An

Nhà báo - nhà nghiên cứu
văn hóa Giang Quân

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thái, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cẩm Giàng, Hải Dương. Những hoạt động đầu tiên gắn với cách mạng của ông đều ở quê hương Cẩm Giàng: 16 tuổi, bài thơ thiếu nhi đầu tiên của ông được in trên báo Truyền bá của NXB Tân Dân; sau Cách mạng tháng Tám, ông làm kiểm soát viên bình dân học vụ huyện nhà.

Năm 1950, ông lên Hà Nội mở hiệu sách, viết báo, làm thơ, viết kịch. Năm 1953 ông nhận công tác tại Sở Văn hóa Hà Nội, giữ nhiệm vụ là cán bộ sáng tác phụ trách huấn luyện cho anh em văn nghệ. Năm 1956, tờ báo văn nghệ đầu tiên của Hà Nội ra đời: Tiếng hát quê ta được giao cho ông phụ trách. Nhớ lại những ngày ấy, ông xúc động: “Chỉ hơn 10 năm thôi nhưng Tiếng hát quê ta là tờ báo đã in những bài thơ, những truyện ngắn đầu tay của các nhà văn, nhà thơ sau này như Phan Thị Thanh Nhàn, Ngô Văn Phú, Vương Tâm, Vương Trí Nhàn. Nhiều lắm. Những bài thơ đầu tiên của Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh cũng là những bài thơ in trên Tiếng hát quê ta.

Công việc của người làm báo, của cán bộ văn hóa khiến ông có nhiều dịp đi khắp các vùng của Hà Nội, bởi có đến 7, 8 năm trời ông kiêm nhiệm làm đội trưởng đội tuyên truyền văn nghệ, cùng anh em đến những vùng bị địch phá hoại, những nơi bộ đội đặt pháo bắn máy bay; cả những nơi khó khăn nhất, những nơi lũ lụt, thiên tai của Thủ đô, đội tuyên truyền văn nghệ đều có mặt. Những chuyến đi ấy, anh cán bộ Giang Quân ăn ở cùng dân, tối đến lại mời các bô lão trong làng đến uống nước chè và “lân la” hỏi chuyện. Từ những chuyện thành hoàng làng là ai, rồi tục ngữ, ca dao của làng có gì riêng biệt. Ban ngày ông lại tranh thủ nhờ bà con đưa đến đình, chùa của làng để tìm hiểu. “Cứ thế, những tập tư liệu của tôi dần dày lên, chỉ đơn giản thôi nhưng đủ để mọi người hình dung về Hà Nội”.

40 năm tỉ mỉ với từng vùng đất của Hà Nội, đến khi về hưu, ông mang cái kho tích cóp ấy ra để đào sâu và viết sách. 18 năm, ông đã in tròn 30 cuốn sách viết về đất và người Hà Nội (chưa kể hàng trăm cuốn in chung). Những cuốn như: Ký sự địa chí Hà Nội, Từ điển đường phố Hà Nội, Văn hóa gia đình người Hà Nội... chính là tâm huyết, là tình yêu của ông với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

“Tôi đến Hà Nội cư trú, rất thích nét văn hóa, ứng xử, giao tiếp của người Tràng An. Tôi đã tự nhủ rằng mình phải học tập cái hào hoa, phong nhã của người Hà Nội, rồi tiếp xúc với những sĩ phu Bắc Hà, tôi ngưỡng mộ cái khí chất của họ lắm, lại càng thấy mình phải học tập họ nhiều hơn, chỉ đơn giản vậy thôi”.

Không “nói xấu” Hà Nội ở bất cứ phương diện nào

Hà Nội với Giang Quân thật đặc biệt, ông đã có hàng năm trời viết về lối sống, văn hóa của người Tràng An trên báo Kinh tế & Đô thị, mỗi số 1 bài, “2 bài được giải cao của tôi ở báo Lao động cũng là 2 bài viết về văn hóa Hà Nội đấy” - ông tâm sự - “Tôi dành cho Hà Nội con mắt hơi khác biệt. Tôi luôn thấy và luôn đi tìm những cái đẹp chứ tôi không muốn “nói xấu” Hà Nội ở bất cứ phương diện nào. Nên tôi mới viết rất nhiều về đất và người Hà Nội thanh lịch, văn minh (phải có đến hàng chục cuốn sách như thế đấy)”.

Còn nhiều người tốt lắm, nhưng cái xấu lại dễ nổi lên, cứ để mãi thế sao được”, thế là ông cần mẫn đi viết về những người tốt, việc tốt của Thủ đô. Những tấm gương người tốt, việc tốt ấy không phải đến khi Những bông hoa đẹp của Thành ủy ra đời năm 1993 mới có. Trước đó, Giang Quân cũng đã đi khắp các đường làng lối phố của Hà Nội để viết, để in hàng chục cuốn sách về gương người tốt, việc tốt rồi.

Không phải ông không thấy những mặt trái của Hà Nội hôm nay, đứng trước những ngôi biệt thự bề thế nơi làng Quảng Bá, đã có lúc ông rưng rưng: “Thương quất thu mình nép giữa sân”. Đã có lúc ông thấy những việc làm của mình dành cho Hà Nội chỉ như ném đá ao bèo. Nhưng “trách họ sao được, năm sương mười nắng mới được mớ rau mùi, bó hành hoa, sớm hôm chở từ làng Láng đến các chợ bán lấy vài đồng bạc, trong khi có thể bán đất đi lấy nhiều tỷ đồng để an dưỡng tuổi già, để lo cho con, cho cháu”! “Tôi chỉ muốn nói với những người đến Hà Nội sinh sống như tôi, rằng: Chúng ta mang đến Hà Nội những gì tinh hoa nhất, điều đó thật đáng quý, nhưng chúng ta không có quyền mang theo những cái xấu. Chúng ta đến Hà Nội thì phải theo cách sống của người Hà Nội chứ, nhập gia tùy tục cơ mà”.

Vẫn biết Hà Nội với văn hóa Tràng An đang bị “xâm lấn”, song trong trái tim một người đã gắn bó 62 năm với từng làng xóm, phố xá của Hà Nội, Giang Quân vẫn lạc quan, vẫn đầy nhân ái, yêu thương: “Làng Ngọc Hà mất đi để làng hoa Tây Tựu được hình thành, đào Nhật Tân có vắng bóng cũng là để làng đào Vân Tảo (Thường Tín) phát triển. Bao nhiêu năm xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã có những ngày khốn khổ, rồi chiến tranh phá hoại, nhưng Hà Nội vẫn kiên cường, vẫn đứng vững được thì về lâu dài, không có lẽ gì mà Hà Nội lại không là... Hà Nội. Tôi tin Hà Nội!”.

Bài 3: Nhà văn Tô Hoài - Đi xuyên hai thế kỷ cùng Hà Nội

Uông Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm