12/02/2020 19:05 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếng vọng là một trong số những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Quang Thiều được in trong sách giáo khoa và gắn liền với độc giả nhiều thế hệ. Nhưng ít ai biết rằng, “tiếng vọng” không chỉ là thơ mà cuộc đời cầm bút của Nguyễn Quang Thiều vẫn còn những “tiếng vọng” chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh ngày 13/2/1957 tại làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1983 và nhanh chóng nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu trong thế hệ của mình. Soi chiếu vào một sự nghiệp văn chương quá ư đồ sộ, có lẽ người ta hay nhớ đến Nguyễn Quang Thiều với Sự mất ngủ của lửa (1992); Nhịp điệu châu thổ mới (1997) hay Mùa hoa cải bên sông (1989) mà quên mất rằng Tiếng vọng chính là những rung cảm giản dị mà sâu cay về con người và cuộc sống.
“Tiếng vọng” của sự ích kỷ và lòng nhân ái
Đôi khi văn chương nghệ thuật ra đời bằng sự “tỉnh giấc” bất chợt của một ký ức đã quên, điều này hoàn toàn đúng khi gắn với Tiếng vọng của Nguyễn Quang Thiều được in trong SGK Tiếng Việt lớp 5 tập 1. 16 dòng thơ tựa như một cuốn băng quay chậm ngược về quá khứ, nơi có đồng ruộng, làng quê, một ngôi nhà lợp rạ gió lay lay, một tuổi thơ thật yên ả, thanh bình…
“Hồi nhỏ nhà tôi ở quê, cây cối nhiều, ao hồ nhiều, đầu nhà tôi thường treo ống tre có rất nhiều chim về làm tổ, khi ấy tôi khoảng hơn 10 tuổi suốt ngày cùng đám bạn trèo lên đó để nhòm cả trứng lẫn chim mẹ. Thế rồi, trong một đêm mưa bão, tôi đang nằm ngủ nghe thấy tiếng chim đập cửa, tôi tỉnh rồi lại ngủ say, sáng hôm sau con chim chết trước hiên nhà và những quả trứng chẳng bao giờ nở được”.
Ký ức chỉ có vậy, không kém không hơn. Chính Nguyễn Quang Thiều của năm 10 tuổi không ngờ được rằng, 10 năm sau câu chuyện về quả trứng, con chim trong đêm mưa bão kia lại ám ảnh mình. Nỗi ám ảnh này đi theo nhà thơ trong nhiều năm như một bài học đầu đời về sự ích kỷ và lòng nhân ái.
“Có thể mỗi người sẽ thích một câu thơ hay khổ thơ khác nhau, cá nhân tôi tâm đắc nhất câu thơ "Tôi nằm trong chăn nghe cánh chim đập cửa/Sự ấm áp của gối chăn đã giữ chặt tôi", bởi nó nhấn mạnh vào sự ích kỷ, vô cảm của con người trước sinh linh đang hoạn nạn, cuộc sống cũng vậy, đôi khi vì lợi ích của bản thân mà ta quên đi cái khốn khó, đau khổ của nhân quần, ích kỷ quá sẽ biến thành tội ác”.
Nhưng sâu và xa hơn, bên cạnh việc phê phán thói ích kỷ của con người thì nhà thơ cũng cho rằng, khi con người ta biết suy nghĩ, ân hận về những tội lỗi, sai lầm trong quá khứ, đó chính là lúc sự thức tỉnh, ý thức sống của họ được khai mở, trong sáng, tốt đẹp hơn để chạm tới lòng nhân ái.
Tiếng vọng là hình tượng nghệ thuật, nó có sức sống vượt xa khuôn khổ của một tác phẩm thông thường và dường như với tính triết lý đó, thật khó để học sinh khối tiểu học có thể tiệm cận được. Khi Tiếng vọng được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, chính nhà thơ cũng cảm thấy bất ngờ và lo lắng: “Tôi rất ngạc nhiên, ngạc nhiên vì lâu nay người ta thường đưa những bài thơ có vần điệu dễ nhớ, dễ đọc, những câu chuyện về mặt trời, mặt trăng, chiếc cặp sách, cha mẹ, ông bà…, tôi lo rằng với học sinh lớp 5 thì liệu đã hiểu được tư duy hình tượng? Tư duy nghệ thuật và cả nỗi ám ảnh, day dứt của chính tôi qua bài thơ này?”
“Nhưng tôi đã lầm… Sau này, tôi gặp những cô bé, cậu bé học sinh hay con cháu của đồng nghiệp tôi, chúng nói lên cảm nhận về bài thơ khiến tôi giật mình. Tôi thấy bản thân đã nhìn nhận lớp trẻ một cách chưa chính xác. Chọn Tiếng vọng là một sự thay đổi quan trọng trong tư duy làm sách giáo khoa, nó giáo dục trẻ em về nhân tính, về lòng trắc ẩn trong mỗi con người thay vì viết theo kiểu bài học đạo đức thông thường”.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên Tiếng vọng được đưa vào giảng dạy, biết bao thế hệ học trò, biết bao giờ tập đọc, làm văn, biết bao lần đổi mới sách giáo khoa, in rồi tái bản… Nhưng có một điều chắc chắn, tuổi thơ của chúng ta đều có những chú chim sẻ nhỏ, những quả trứng lăn vào giấc ngủ như một sự đắp bồi cho lòng nhân ái.
“Tiếng vọng” về thiên chức của người làm văn
Trong suốt nhiều thập kỷ cầm bút với khối gia tài văn chương đồ sộ bao gồm 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi, 3 tác phẩm dịch cùng rất nhiều tiểu luận, công trình nghiên cứu, hơn 20 giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, nhiều tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều được xếp vào hàng kinh điển và bản thân nhà thơ đã có một vị thế nhất định trong nền văn học hiện đại. Nhưng dường như với ông, sự cống hiến đó vẫn là chưa đủ.
“Đối với tôi, viết xong tác phẩm của hôm nay là tôi đã cảm thấy rằng tác phẩm tốt hơn là của ngày mai, ngày mai viết xong nó thì tác phẩm khác hay hơn nữa là của ngày kia, tôi luôn mong muốn vươn tới những giá trị đẹp đẽ của nghệ thuật, sự không hài lòng này luôn thúc đẩy con người phấn đấu hơn” – ông nói.
Chẳng ngẫu nhiên người ta gọi văn chương là “nghiệp”, bởi là nghiệp nên mới thao thức, trăn trở, đớn đau, sự mẫn cảm của người cầm bút trước thời thế chính là điều khiến họ dày vò nhất, có lẽ vì thế mà nếu được quay ngược thời gian, Nguyễn Quang Thiều luôn muốn dành toàn bộ thời gian cho sáng tạo mà không tham gia công việc quản lý như ông đang làm, ông cho rằng một trong những điều dở nhất cản trở những tác phẩm lớn của nhà văn Việt Nam là họ tham gia vào những công việc không phải văn chương nhiều quá.
“Đây là một điều rất nguy hiểm, đừng nghĩ hôm nay làm ở cơ quan này là chiều tối hay ngày mai tôi có thể viết, anh ta cần được sống trọn vẹn 100% thế giới của sáng tạo, để va chạm, để suy ngẫm, để sẻ chia rồi cầm bút viết. Còn chúng ta vẫn viết trong cảm giác của sự vội vã, khi mà cảm xúc chưa thật đầy, thời gian chưa thật đầy, ý tưởng chưa thật đầy, dày vò chưa thật đầy thì khi viết xuống tác phẩm sẽ luôn thiếu hụt, không đi được đường dài”.
Đối với Nguyễn Quang Thiều, người cầm bút cần có sự va chạm với đời sống, từ đời sống viết lên những tác phẩm giàu tính nhân văn, khơi gợi được vẻ đẹp tâm hồn và đánh thức lòng trắc ẩn. Nhà văn cũng rất cần tìm đến cái mới, đặc biệt là những nhà văn trẻ luôn dồi dào sức sáng tạo và cuộc sống cho họ thời gian.
“Tôi rất muốn viết về thiên nhiên, chúng ta đã đánh mất rất nhiều, một khi bạn dẫm đạp lên một bông hoa, tất cả các cánh đồng hoa trên thế giới sẽ lụi tàn. Khi bạn chặt một cái cây, những cánh rừng ngoài kia sẽ bị san phẳng. Tôi cũng đã ngoài 60, cái mới mẻ, đột phá đến với tuổi này là rất khó, nó cần hơn với những người trẻ, đó là nguyên lý của sáng tạo”.
Những “tiếng vọng” cho văn học thiếu nhi
Đọc các tác phẩm dành riêng cho thiếu nhi của Nguyễn Quang Thiều như Con quỷ gỗ; Ngọn núi bà già mù; Bí mật hồ cá thần hay tập Thơ tuyển cho thiếu nhi (2004)... người đọc mới cảm nhận hết được tình yêu mến, sự ưu ái của ông khi dành một “khoảng trời văn học” cho thiếu nhi to lớn và đẹp đẽ đến nhường nào. Ông cũng bộc bạch mình sáng tác truyện, thơ dành cho trẻ em bởi lời hứa với con gái năm xưa và quan trọng hơn, lời hứa với một đứa trẻ chính là lời hứa với Thượng đế.
Chia sẻ về quan điểm sáng tác dành cho thiếu nhi, ông cho rằng văn chương dành cho người lớn hay văn chương dành cho thiếu nhi đều có một tư tưởng chung là đánh thức những vẻ đẹp còn ẩn giấu trong tâm hồn, gieo vào tâm hồn hạt mầm của lòng nhân ái. Chỉ khi gieo vào lòng trẻ em cái đẹp, khi đứa trẻ đó đã có sẵn tình yêu thương trong mình, thì lúc trải nghiệm và va chạm với cuộc sống, chúng sẽ biết được đâu là tốt xấu, đúng sai, đó mới chính là cuốn cẩm nang vô tận…
Về thực trạng các tác phẩm dành cho thiếu nhi hiện nay, nhà thơ cũng thẳng thắn nhận định:
“Những tác phẩm dành cho thiếu nhi ngày một vắng bóng nhiều hơn trên văn đàn, viết cho thiếu nhi là khó, nhưng việc đặt vấn đề để viết cho thiếu nhi thì các nhà văn chưa thực sự coi đó là một sứ mệnh lớn, lượng sách dành cho thiếu nhi ở các quốc gia trên thế giới là rất hệ trọng, thậm chí là thước đo cho sự phát triển, tại Việt Nam chưa làm được điều này.”
Nhà thơ cũng nhấn mạnh thêm văn học thiếu nhi đang gặp phải vấn đề đời sống hóa, nôm na những câu chuyện ở trường, chuyện chơi, không truyền tải được những điều thực sự có ý nghĩa. Hơn nữa, xu hướng đạo đức hóa bằng văn chương đôi khi còn hơi khô cứng, hơi nghị luận, tạo thành một “lề thói” trong sáng tác dành cho trẻ em.
Đặc biệt, truyện và thơ thiếu nhi Việt Nam đang dần xa rời thiên nhiên, trong khi thiên nhiên kỳ vĩ luôn là nguồn đề tài phong phú, bất tận của thơ ca, phim ảnh cho thiếu nhi nước ngoài, một thiên nhiên diệu kỳ tràn đầy nhân tính và chứa đựng rất nhiều bài học đạo đức.
“Truyện thiếu nhi cần dẫn người đọc vào một thế giới mà ở đó đứa trẻ cần được hòa đồng với thiên nhiên, cây cối, muông thú, côn trùng và hoa cỏ. Khi không mang lòng yêu thiên nhiên, không yêu một cái cây, một bông hoa, một con chim thì chắc chắn không có khả năng yêu một con người.”
Thế giới hình tượng trong văn học thiếu nhi của Nguyễn Quang Thiều đều là những gì thân thuộc, gần gũi với trẻ em nhất. Từ ngôi nhà, con chó nhỏ, con cá, những bông hoa tầm xuân…đều tràn đầy sinh khí và thấm đẫm tính nhân văn. Điều quan trọng nhất chính là việc nhà thơ luôn đặt mình vào tâm thế của một đứa trẻ với những cái nhìn đơn thuần và trong trẻo nhất.
“Cho đến bây giờ tôi vẫn đồng ý với quan điểm của các bậc thầy: Anh ta phải trở thành một đứa trẻ để anh ta có thể nói đúng ngữ của trẻ em. Chúng ta không nên đưa những bài học đạo đức theo cách của người lớn vào những tác phẩm văn học, mà chúng ta phải hóa thân vào một đứa trẻ cất lên ngôn ngữ và tâm hồn của chính nó. Thế mới tuyệt vời!”
Dù tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng những vần thơ, câu văn dành cho thiếu nhi của Nguyễn Quang Thiều vẫn tươi mới và tinh khiết, bởi chỉ khi đến với văn chương, tuổi thật của nhà văn với nhân vật anh ta tưởng tượng sẽ không còn khoảng cách. Và cũng chỉ có văn chương – dưới góc nhìn trẻ thơ mới đủ sức “làm dịu đi” mảnh hồn chai sạn sau những năm tháng thăng trầm.
Cũng giống như ông từng nói: “Viết truyện thiếu nhi là cơ hội được quay trở về tuổi thơ, được trong sạch và bớt đi những phàm phu của cuộc đời.”
Xét ở khía cạnh thành tựu, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã thực sự “viên mãn” nhưng trên phương diện sáng tạo, khát khao cống hiến của nhà thơ dường như vẫn độ hai mươi. Phải vậy! Chừng nào những day dứt, trăn trở của nhà thơ về đời, về nghề vẫn còn hiện hữu; chừng nào Tiếng vọng vẫn là bài thơ được đọc giả, học sinh nhiều thế hệ yêu mến, đón nhận, thì chừng ấy Nguyễn Quang Thiều vẫn miệt mài lao động và cống hiến!
Những “tiếng vọng” chưa bao giờ ngơi nghỉ…
Bài thơ “Tiếng vọng” Con chim sẻ nhỏ chết rồi |
Hỏi đáp Quá khứ - Hiện tại - Tương lai Tôi muốn viết để chạm tới những vẻ đẹp nghệ thuật * Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình không? - Tôi nghĩ không ai hài lòng với cuộc sống của mình. Đứng về đời sống gia đình, tôi không có gì phải nuối tiếc hay thiệt thòi, nhưng đứng trong một giấc mơ lớn của con người, tôi chưa hài lòng đặc biệt là trong sáng tạo văn chương. Tôi muốn viết thêm nhiều tác phẩm hay và có giá trị hơn nữa, chạm tới những vẻ đẹp của nghệ thuật. * Nếu được quay trở lại thời sung sức, ông sẽ làm gì? - Tôi sẽ dành toàn bộ thời gian của mình cho văn chương mà không nên tham gia những công việc mà tôi đang làm, những công việc tôi nghĩ nhiều người khác có thể làm tốt hơn, không nhất thiết phải là một nhà văn. Tôi muốn trải nghiệm và viết thử về đề tài thiên nhiên - điều mà tôi chưa làm trước đây. * Mong muốn lớn nhất của ông dành cho sáng tác giờ đây là gì? - Tôi muốn tiếp tục hoàn thiện một số bản thảo chưa xong như trường ca, tiểu luận. Tôi mới khởi công viết một câu chuyện thiếu nhi đơn giản dành tặng hai cháu của tôi và tôi bắt đầu lẩn vào trong tâm hồn, cái nhìn của chúng để sáng tác. Đây cũng là món quà tôi muốn dành tặng cháu tôi khi tròn 1 tuổi vào năm 2020. |
Hiền Lương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất