Nguyễn Hàng Tình - 'người có trái tim trên miền cao nguyên'

03/03/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Linh hồn tôi hình như rơi rụng nơi đây, vào kiếp nào đó. Có lần, tôi nhớ con thú trong mình lắm, quay quắt đi tìm lại, giữa thinh vắng không lao nhao bóng người…” - Nguyễn Hàng Tình đã viết như thế trong tập bút ký mới nhất Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa, vừa được NXB Đà Nẵng và Phanbook phát hành.

Nguyễn Hàng Tình và 'Giã biệt hoang vu': Dĩ vãng tìm đâu thấy

Nguyễn Hàng Tình và 'Giã biệt hoang vu': Dĩ vãng tìm đâu thấy

Từng làm phóng viên của một tờ báo có lượng phát hành lớn, phụ trách khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong khoảng 15 năm, Nguyễn Hàng Tình nắm rõ vùng đất này như thuộc từng đường chỉ tay của mình.

Đó là lời tự bạch thành thật và buồn của một người gốc Quảng Ngãi nhưng mê cao nguyên, núi rừng đến điên đảo.

Từ khi còn làm báo toàn thời gian, Nguyễn Hàng Tình đã gây ấn tượng mạnh về khả năng viết ký với góc nhìn độc đáo, giàu trải nghiệm và sự rung cảm. Các tác phẩm ký nổi bật của anh có Giã biệt hoang vu (2013), Sương gió bơ vơ (2016)…

Từ du tử say mê một vùng đất

Ngày xưa, có lần Nguyễn Hàng Tình từng “giã biệt hoang vu”, nhưng rừng đó, núi đó và cả con thú nhỏ đó dường như không bao giờ chịu giã biệt tác giả. Tương tự như câu nói “khu rừng - con khỉ” đã quen nơi cửa miệng của anh, không ai có thể đem cao nguyên ra khỏi Nguyễn Hàng Tình.

Những miền cao nguyên như Đăk Nông, B’lao, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum... đều rất thân thuộc với anh. Nơi đó có Yang Brơm B’lao (thần núi B’lao), Yang Bri (thần rừng), giữa Yan Bhang (mùa khô), Dak H’jan (mùa mưa) và hiển nhiên có cả Kon Chau (con người). Những con người như cỏ khô lầm lỡ đi trong thiên nhiên hoang vu, trong mất mát và đổ vỡ trên con đường đi tới hiện đại, trên một vùng đất đã thiếu vắng sự hiện diện của thần, đang trên đà bị văn minh đô thị xâm thực.

Chú thích ảnh
Nguyễn Hàng Tình từng là một nhà báo với nhiều bài ký sâu sắc. Ảnh: N.V.N

Tác giả sử dụng khá nhiều thổ ngữ trong tác phẩm, thứ ngôn ngữ của những con người đang sống cùng đương đại, nhưng xa lạ. Một thứ ngôn ngữ gợi nhớ những nền văn hóa, những huyền thoại, thoạt nghe như một “mật ngữ” chỉ còn thuộc về nhóm thiểu số kết nối với thiên nhiên và thần linh.

Nguyễn Hàng Tình trở thành du tử cất từng bước chân “lầm lỡ” đi trong miền non cao, nhặt nhạnh những huyền thoại, chạm mặt những con người và những đổi thay khốc liệt. Tưởng như có lúc gục mặt xuống vì một cậy k’nia bị đốn chỉ còn trơ gốc, ngồi khóc một mình và hát lời ca cổ sơ giờ chẳng ai còn nhớ. Lời ca ấy bàng bạc, hồn nhiên, yêu thương, giận dữ.

Sự giận giữ của một con người đồng bằng - sống bằng nghề đánh cá và có… tài khoản ngân hàng - đã bất mãn với cuộc đời, muốn chạy trốn về cao nguyên. “Ngài” - như cách xưng hô của tác giả - muốn chạy khỏi những thứ đã quá ư chán chường, nhưng vẫn còn vướng lụy vòng con cái, vừa muốn dứt mà vừa không dứt ra được. Ngài - trước đôi mắt ngưỡng mộ của tác giả - bị giằng xé giữa trật tự nguyên thủy và những hồng trần nhân thế. Không nhân vật nào trong tập ký này tiêu biểu rõ hơn cho tâm thế lưỡng nan của chính tác giả như Ngài.

Bút ký Nguyễn Hàng Tình gợi ta nhớ đến tập truyện Bay đi những cơn mưa phùn của Phạm Công Thiện (1941 - 2011), trong cái tâm tình chung của những du tử say mê một vùng đất. Phạm Công Thiện - người sinh ra ở miền đồng bằng sông Cửu Long - từng tuyên bố: “Thà làm ăn mày ở Đà Lạt còn hơn làm triệu phú ở Sài Gòn”. Nguyễn Hàng Tình không có cái xác quyết và cực đoan như Phạm Công Thiện để bước qua biên giới, để thoát và để nhớ, mà như thể bị giữ lại, như kẻ được thánh thần chọn, để hát tiếp về những huyền thoại đang biến mất trong buổi hoàng hôn nhiều mê tín, nhưng thiếu vắng đức tin. Và trong buổi hoàng hôn đó, cả hai đều day dứt đi tìm “bản lai diện mục”.

Chú thích ảnh
Tập bút ký “Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa”

Đến “vô trú xứ”

Trong Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa, Nguyễn Hàng Tình một lần nữa cho thấy tâm thế “vô trú xứ”. Như Krajan Bri, trong Lời kẻ hát rong trong rừng: “Không có chỗ nào để trú/ Gió về đây khóc nói một mình”.

“Tôi sống không thuộc thời nó ra đời, nhưng sao tôi hệ lụy thế này. Tôi là sự cất cử để trở lại, hay tôi là một bóng ma của Shiva hồi quy, của ngẫu tượng linga-yoni lờ mờ cuối dòng Da Dơng từng an yên ngủ mê tráng liệt trong đại ngàn nhiệt đới để rồi giờ chung cuộc chết thảm rực rỡ thêm lần nữa trong thân thể tro tàn như rừng thẳm kia”.

Nguyễn Hàng Tình thường mở đầu bút ký của mình như thế.

Nhân vật phi hư cấu trong Cỏ khô lầm lỡ muốt mùa đôi khi huyền hoặc, mơ hồ, mộng mị như một hư cấu. Thế nhưng tác giả chỉ chọn phác họa họ bằng vài nét mong manh, nghiêng nghiêng như ngọn cỏ khô lẫn vào đồng nội và gió chiều. Những nhân vật trong tập bút ký này và cả tác giả nữa, đang sống tựa như tên truyện ngắn của William Saroyan là Người có trái tim trên miền cao nguyên. Họ vừa có niềm say mê vui sống, vừa có sự tuyệt vọng; vừa muốn buông lỏng để mơ về “vô trú xứ”, vừa níu giữ và day dứt với một nơi chốn đã là máu thịt tự ngàn đời.

Ký là một thể loại không hiếm người viết, nhưng rất ít người tạo được dấu dấn, sự thu hút với độc giả. Đọc ký của Nguyễn Hàng Tình, ta thấy rõ sự say mê và tự vấn, sự thâm trầm và duyên dáng, điều hiếm gặp trong nhiều ngòi bút hiện nay.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm