Người mẫu nam: Thực tế có như mơ?

22/11/2010 07:56 GMT+7 | Văn hoá

Người mẫu nam: Thực tế có như mơ?

Ở các trung tâm thời trang thế giới, người mẫu nam đang có xu hướng trẻ tuổi, dáng cao, với gò má cao của dân Slave, lưng ngắn và hai bên cơ sườn thanh mảnh, rắn chắc như dân leo núi. Người mẫu nam chuyên đi phi cơ, họ ở New York một ngày, ngày sau đã ở Paris; họ được trả tiền cho vẻ đẹp trai và cả khả năng bán trang phục; họ là khuôn mẫu cho hàng xa xỉ và phong cách sống như mơ.

Còn ở Việt Nam, dù tiêu chuẩn về ngoại hình của người mẫu nói chung vẫn không rõ ràng, cuộc sống sau vẻ hào nhoáng của họ cũng không phải ẩn số nhưng vẫn có hơn 10.000 bạn trẻ, trong đó nam chiếm gần ½, gửi đơn tham gia cuộc thi tuyển vào CLB người mẫu teen của một kênh truyền hình diễn ra hồi năm 2009. Ở một sân chơi chuyên nghiệp hơn - Siêu mẫu 2010 – xấp xỉ 150 hồ sơ tham dự cũng đã được gửi về. Dù cho nhiều người làm trong ngành thời trang than thở rằng ở thời điểm này, tìm được mẫu nam cá tính thật khó thì với nhiều chàng trai trẻ nghề người mẫu vẫn… như mơ.

Vậy thực tế có như mơ?

Người mẫu nam bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam từ cuộc thi Siêu mẫu được tổ chức từ năm 2002. Năm nay, lần đầu tiên, cuộc thi Người mẫu nam Việt Nam (Mister Vietnam), phiên bản Mr. International, sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối năm. Cuộc thi do VTV9 kết hợp với công ty Bắc Đẩu Entertainment tổ chức, nhằm vinh danh vẻ đẹp mạnh mẽ, thanh lịch của đàn ông Việt. Đêm chung kết được tổ chức tại Nhà Thi đấu Thể thao TP Vũng Tàu, truyền hình trực tiếp trên VTV9 lúc 20h ngày 1/1/2011. Ngoài số tiền 750 triệu đồng tiền thưởng, chàng trai đăng quang sẽ đại diện Việt Nam tham dự Mr. International 2011 tại Philippines.

Tổ chức chuyên đề: DƯƠNG VÂN ANH


(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều tháng trên đường, xa rời bạn bè và gia đình, những căn hộ nhồi nhét 6 gã trai vào một phòng ngủ, tiền nhận thấp hơn nhiều so với các người mẫu nữ. Và rồi có những gã xấu – những kẻ ăn thịt sống bỏ tiền và danh vọng ra để đổi lấy tình dục, có quyền lực cắt đứt mọi sự nghiệp nếu bị phản đối. Ma túy và rượu mạnh tự do ngập tràn dâng lên tận mũi và đổ xuống những chiếc cổ họng của những chàng trai trẻ nhạy cảm, già vừa đủ tuổi lái xe. Đó là một vòng quay tự thân vĩnh cửu. Nếu ai nói không, sẽ có kẻ khác đứng chờ thay thế vị trí của anh ta ngay.

Chỉ là một trò chơi

Bruce Raubenheimer chào đời và lớn lên ở Nam Phi, 16 tuổi anh đến New Zealand và lập tức được nhiều công ty mẫu hàng đầu quốc gia săn tìm. Anh nói không. Yêu cầu vẫn tiếp tục. Anh tiếp tục từ chối nhưng 5 năm sau, sau khi anh tốt nghiệp đại học, một đại diện từ công ty August Models đã thuyết phục được Bruce thử một phen với thế giới người mẫu.

Những tấm ảnh được chụp và gửi đi khắp thế giới và không lâu sau đó, một trong những đại diện hàng đầu của trung tâm thời trang Milan đã ký hợp đồng với Bruce. Anh nhanh chóng bay đến thủ đô thời trang của nước Ý mà chẳng có ý tưởng nào về những gì mình kỳ vọng. Nhanh chóng sau đó trái bóng bắt đầu lăn. “Chính là mùa đầu tiên tốt đẹp” Bruce kể, “vượt qua khỏi vòng loại tôi được Etro và Cavalli đăng ký, rồi là các sô diễn của Gucci và Armani, tôi cũng làm việc cho các khách hàng như Diesel.”

Sự thành công ngay tức khắc của Bruce có thể được đóng góp bởi một số điều. Ngay cái nhìn đầu tiên, anh giống kiểu người Mỹ sống ngoài trời, cao, tóc vàng. Nhìn kỹ hơn, bạn có thể nhìn thấy làn da không nếp nhăn, hàm răng sáng bóng và đôi môi dày hơi vểnh lên một chút. Nhưng trên tất cả, anh kiềm chế sự chú ý. Đó là sự kết hợp giữa uy tín và hormone nam tính hàng đầu. Anh ồn ào, kiêu hãnh và một chút phách lối, nhưng đó chỉ làm tăng thêm sự quyến rũ của anh. Anh biết cách chơi trò chơi.


Các người mẫu nam sáng giá nhất thế giới trong cuộc trình diễn
BST của nhãn hiệu Armani tại tuần lễ thời trang Milan 2010

“Đó không chỉ là ngoại hình của bạn mà còn là một chút yếu tố X nào đó trong buổi casting. Bạn phải đo lường tình huống, nhìn xem ai là stylist, liệu đó là đàn bà hay đàn ông, một gay hay lesbian… và chơi theo kiểu của họ. Đôi khi bạn bước vào phòng và ném cuốn sách lên bàn, nói với khách hàng với thái độ như “Tôi không cần điều này” và lần khác thì lại như “Xin chào hôm nay anh thế nào, thật tuyệt khi ở đây, tôi luôn muốn làm việc với mấy anh…”. Và rồi bạn được nhận.

“Công nghiệp mẫu quá chừng thay đổi để không thay đổi”, anh giải thích, “Giống hệt như một trò chơi. Và có người này chơi tốt hơn người kia”.

Vấn đề với trò chơi, dù vậy, chính là hiếm được chơi với danh nghĩa người mẫu. Một số lớn các chàng trai thì trẻ tuổi, khả năng tạo ấn tượng tốt, khao khát danh vọng và tiền bạc, dưới sự “chăm sóc” của những người trưởng thành, có những chủ ý không thường trong sạch như người ta tưởng. Và đôi khi, bất kể họ được chăm sóc tốt như thế nào, những người mẫu bị kích động bước vào những tình huống bất tiện. “Có lần tôi thấy mình đứng phía ngoài một câu lạc bộ đồng tính vào 4 giờ sáng, chụp ảnh với quần lót và giày ống công nhân, với một nhóm người quanh tôi cố gắng kiểm soát cho trò chơi tiếp tục”. Raubenheimer nhớ lại.

Tiền và những lối đi

Về mặt tài chính, người mẫu nam thường kiếm ít tiền hơn nữ và chỉ một vài người tên tuổi phát triển được. Chụp ảnh cho tạp chí, các người mẫu nam được trả ít hơn 250 USD, trong đó 20% thuộc về người đại diện.

Michael Whittaker bước vào công ty Auckland ở tuổi 15. Cao, gầy với nước da tái xanh ma quái, anh có vẻ đẹp như ma cà rồng hồi sinh và thu hút nhiều ánh mắt nhìn khi bước đi. Anh bỏ nhà để đến châu Âu sau trung học và mất gần 3 năm ở nước ngoài trước khi trở về Auckland để học luật. Mặc dù làm việc cho một số những cái tên lớn nhất trong ngành công nghiệp thời trang như Christian Dior, Balenciaga và Raf Simons – Whittaker nhận thấy tiền bạc không dễ dàng đến và dù thành công ở ngoài nước, anh đã phải trải qua gần một năm nghèo khó ở New York. “Cũng hơi buồn cười khi bạn uống thứ rượu giá hàng ngàn đô-la trong đêm và bị người khác ghen tị với máy bay, rồi đến Burger King và trở về nhà với tấm đệm trải ngay trên nền nhà”.


Còn John Doe, 23 tuổi, làm người mẫu khắp châu Âu vào giữa những năm 2000 trước khi quay trở lại New Zealand cho một công việc hậu trường thời trang. Anh nói tiền bạc chẳng ở gần những gì người ta tưởng. “Ở châu Âu, trừ phi bạn được thương hiệu lớn chọn, bạn mới có thể trang trải các chi phí, và chẳng có người mẫu nào không có danh mà kiếm được tiền ở New York ngày nay”.

Trong mùa biểu diễn đầu tiên của anh ở Milan, Brucer nhìn thấy chính xác người mẫu nam kiếm được ít tiền như thế nào so với người mẫu nữ trong cùng công việc. “Tôi nhận được 400 euro cho show của Roberto Cavalli, còn một trong các cô gái nhận được 20.000 euro. Nhưng vào cuối ngày, cô gái đó xuất hiện trên các báo lá cải. Cô ấy nổi tiếng. Người ta trả tiền để nhìn cô ấy vì họ thích nhìn”.

Cũng có chọn lựa khác, chấp nhận được cho những chàng trai trẻ, người không thành công trong nghề. Doe kể: ”Tôi biết một vài người mẫu thường đi nghỉ ở châu Âu kiếm thêm thu nhập bằng việc đi khách để thêm vào tiền thuê nhà”. Bruce cũng thấy chuyện này. “Rất nhiều gã trai người Brazil được trả 400 euro mỗi đêm để đi ăn tối và ngủ với các bà lớn tuổi. Họ có thể kiếm 1.600 euro mỗi tuần, tiền tươi trao tận tay”.

Và những hệ lụy

Không chỉ những người mẫu không gặp thời, bị khai thác. Zack, người New Zealand làm mẫu ở Sydney, cho biết có rất nhiều nhiếp ảnh gia có những động cơ thầm kín khi chụp ảnh những chàng trai trẻ. “Họ luôn dụ chụp bạn khỏa thân; họ bảo điều này sẽ có lợi cho công việc của bạn”.

Bruce cũng đã từng gặp những nhiếp ảnh gia có hành vi bất chính với anh. “Có một ông ở Milan bắt đầu chụp ảnh tôi, và rồi ông ta chạm vào mông tôi. Tôi nói: Này, và tôi đấm vào mặt anh ta. Tôi bỏ việc nhưng cơ bản, tôi không chịu nổi trò đó. Tôi có nhiều đồng nghiệp và bạn bè đồng tính trong công việc nhưng họ đâu có như thế. Tôi sẽ không phải đặt bản thân mình vào một vị trí cảm thấy không thoải mái cho một vài nghìn đô la. Không đáng với tinh thần của bạn”.

Whittaker cho biết: “Các người mẫu trẻ làm những điều họ sẽ hối tiếc, bởi vì họ sợ họ bị thay thế và vì thế dễ dàng bị áp bức. Khi bạn có nhiều kinh nghiệm hơn và chắc chắn về bản thân mình hơn, bạn chấp nhận bạn có thể bị thay thế và nhận ra chẳng có điều gì có thể làm tổn hại uy tín của bạn cả”.

Đôi khi một nhiếp ảnh gia bắt đầu tất cả. Ngày nay, ai cũng có trang web, nhiếp ảnh gia, stylist, ngay cả các trợ lý... và với hệ thống tìm kiếm thông minh của Google, một khi những bức ảnh đăng trên mạng, sẽ không đường trở lại. Cú bấm máy điên rồ dường như  là một chuyện đùa, rồi vào một ngày kia quay trở lại ám ảnh bạn. Bruce đã chứng kiến tận mắt áp lực của ngành công nghiệp lên một chàng trai trẻ. Anh sống chung với hai người mẫu nam, giờ đã chết - Ambrose Olsen, 24 tuổi, người tự tử đầu năm nay và Luiz Freiberger, 21 tuổi, chết vì dùng ma túy quá liều vào tháng trước. Anh kể: "Tôi đã nhìn thấy rất nhiều người chung phòng bỏ mạng. Như Ambrose Olsen. Tôi sống với anh ấy ở London. Anh ấy bị dằn vặt bởi những hình khiêu dâm mọi lúc vì anh trẻ nhưng cũng quá dễ bị ảnh hưởng. Anh ấy chụp những tấm ảnh rất sốc nhưng cùng lúc khi bạn để bản thân sa vào chuyện này và hậu quả thật đáng tiếc”.

Whittaker không hối tiếc với trải nghiệm của mình. “Một vài việc tôi cảm thấy tự hào. Quần áo đẹp và ảnh chụp khiến tôi nhìn giống như một vai diễn và nắm giữ tất cả tuổi trẻ và cảm xúc của tôi”. Nhưng anh cảnh báo bất kỳ gã trai nào bắt đầu xem đó là triển vọng. “Nghề người mẫu cho bạn rất nhiều nhưng nó cũng lấy đi từ bạn rất nhiều. Nếu bạn là một người mạnh mẽ, hãy làm đi. Hãy thực tế, biết rằng bạn có thể bị thay thế và rút cục bạn cần làm điều gì đó mang ý nghĩa với cuộc sống của mình. Rất nhiều người muốn và mơ về nó, lý tưởng hóa nghề người mẫu, khi bước vào thực tế, họ không còn tinh thần để biến những gì đang xảy ra trở thành trải nghiệm tích cực và thành người tốt hơn từ đó. Giống như tôi nói, bạn có thể bị thay thế như một người mẫu nhưng trí nhớ của bạn thì không”.

Đón đọc Bài 2: Tay trái, tay phải

Hoàng Dương (Theo New York Times)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm