Người giàu châu Á xây bảo tàng nghệ thuật để…chơi!

10/05/2012 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Theo một số nguồn tin, trong hơn 2 năm qua, bà Wang Wei và chồng là Liu Yiqian - những nhà sưu tầm nghệ thuật nổi tiếng nhất Trung Quốc - đã chi 317 triệu USD cho sở thích của mình. Giờ đây họ muốn xây dựng bảo tàng nghệ thuật tư nhân để trưng bày bộ sưu tập của mình.

Bà Wang và tỷ phú Liu thuộc thế hệ những người giàu nhất châu Á mới nổi. Họ nổi tiếng với sở thích “ném tiền” vào những trò chơi đắt tiền như mua báy bay riêng, tậu những chiếc du thuyền lớn và ô tô đắt tiền. Họ còn đầu tư vào những bộ sưu tập nghệ thuật lớn và giờ đây muốn giới thiệu chúng tới lượng khán giả lớn hơn.

Xu hướng này hiện đang nổi lên rõ rệt nhất ở Trung Quốc, nơi các doanh nhân giàu có đang “đổ” tiền vào việc sưu tầm nghệ thuật, nhờ đó mà năm ngoái Trung Quốc đã trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới năm thứ 2 liên tiếp.


Tỷ phú Budi Tek tại một cuộc đấu giá ở Hong Kong.

* Để “nâng tầm” văn hóa cho những người giàu

Bảo tàng rộng 10.000m2 của bà Wang, có tên là Long, dự kiến được khai trương vào cuối tháng 10 tới và ước tính mỗi năm sẽ tốn 10 triệu NDT (1,6 triệu USD) để hoạt động. Bên cạnh không gian trưng bày bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật cách mạng và đương đại Trung Quốc, bà Wang còn muốn biến bảo tàng thành một nơi giáo dục văn hóa cho những người giàu có đồng xứ.

“Nhiều bà nội trợ giàu có nhưng không biết tiêu tiền vào việc gì ngoài việc shopping. Thông qua bảo tàng của mình, tôi muốn giúp họ có óc thẩm mỹ hơn” – bà Wang bày tỏ.

Với mục tiêu đó, bà Wang nhận thấy lập một bảo tàng thôi chưa đủ. Bà đã lên kế hoạch xây dựng bảo tàng thứ 2 ở Thượng Hải. Dự án này sẽ được khởi công vào tháng 8 và sẽ khánh thành vào tháng 10/2013.

Ngoài vợ chồng bà Wang, tỷ phú người Hoa gốc Indonesia Budi Tek cũng khai trương bảo tàng De Museum ở Thượng Hải vào năm 2013, sau khi ông đã mở bảo tàng đầu tiên của mình ở thủ đô Jakarta, Indonesia, hồi năm 2008. Bảo tàng mới của ông sẽ trưng bày nghệ thuật đương đại châu Á và phương Tây.

Khi ông Tek bắt đầu tạo dựng bộ sưu tập nghệ thuật riêng, ông vẫn cho rằng cái tôi và sự phù phiếm đóng vai trò lớn. Nhưng giờ đây ông đã duy trì phong cách sống giản dị, không còn đeo những chiếc đồng hồ hay mặc những bộ quần áo khác thường nữa và cũng tránh trả lời quá nhiều các cuộc phỏng vấn của báo giới.

“Việc mở bảo tàng là cách để mở rộng tình yêu với xã hội” - ông Tek nói. “Khi tới thăm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York, nhìn thấy nhiều đoàn người tới đây mỗi ngày, tôi thấy hơi chút ghen tị”.

Nhờ việc tạo dựng các bộ sưu tập riêng, ông Tek và nhiều nhà sưu tầm giàu có khác đã biến Hong Kong thành thị trường đấu giá các tác phẩm nghệ thuật lớn thứ 3 thế giới. Tại một cuộc đấu giá diễn ra ở Hong Kong mùa Thu năm 2010, ông Tek đã trả 6,7 triệu USD cho một bức tranh Chapter of a New Century Birth of the People's Republic of China II của họa sĩ siêu thực Trung Quốc Zhang Xiaogang.

Hồi đầu tháng 4, ông lại tới Hong Kong để dự một cuộc đấu giá nghệ thuật châu Á đương đại do hãng Sotheby’s tổ chức.

Theo các nhà quan sát thì các nhà sưu tầm giàu có đang muốn xây bảo tàng khắp Trung Quốc. Nhà sưu tầm Guan Yi cũng đang có kế hoạch xây dựng một bảo tàng ở ngoại ô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khả năng duy trì hoạt động bảo tàng luôn là vấn đề lớn đối với các chủ nhân của chúng. Họ phải có những túi tiền “khủng” để bảo đảm các chi phí của bảo tàng.

Ông Magnus Renfrew, giám đốc Art HK, nơi tổ chức hội chợ nghệ thuật thường niên của Hong Kong, cho biết: “Việc xây dựng bảo tàng, lắp đặt các thiết bị mới và các chi phí sau đó tốn kém nhiều triệu USD. Đương nhiên, thú chơi này không dành cho những người nhát gan”.

* Trào lưu bảo trợ nghệ thuật

Sự tăng trưởng kinh tế nhanh khiến mỗi năm châu Á có thêm hàng ngàn triệu phú mới. Tính từ tháng 1/2011 đến tháng 3 năm nay, 100 nhà hảo tâm hàng đầu Trung Quốc đã ủng hộ được 1,6 tỷ USD, tăng 5 lần so với năm 2004.

Trào lưu này gợi người ta nhớ lại những thời kỳ đầu ở Mỹ và châu Âu, khi các nhà bảo trợ nghệ thuật giàu có hỗ trợ xây dựng các công trình giờ là những bảo tàng nổi tiếng thế giới.

Cuối thế kỷ 19, ông trùm sản xuất đường người Anh - Henry Tate - đã ủng hộ tiền xây dựng một tòa nhà để lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật của mình từ thời Nữ hoàng Victoria (1837-1901), nhưng ông đã tặng nó lại cho nước Anh. Và công trình đó đã trở thành viên gạch nền cho một mạng lưới các bảo tàng nổi tiếng mang tên ông ra đời. Bên cạnh đó, năm 1929 các thành viên trong gia đình của nhà công nghiệp dầu lửa Mỹ John D. Rockefeller cũng hỗ trợ xây dựng Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York. Doanh nhân Solomon Guggenheim thì được nhớ đến nhất với Bảo tàng New York mà tổ chức của ông đã thành lập từ năm 1939 - công trình này sau đó mang tên ông.

Việt Lâm (lược dịch)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm