Nghệ sĩ lồng tiếng (kỳ 1): Văn Ngà - miễn được khóc, cười cùng các nhân vật

11/03/2020 19:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bất chợt hỏi một ai đó trong giới làm nghề phim ảnh: Có biết Văn Ngà không? Chắc trong 10 người được hỏi thì sẽ có 8-9 người trả lời không. Thế nhưng, nếu xem một phim của Hollywood (Mỹ), Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… mà được lồng tiếng, khả năng có Văn Ngà trong ấy rất cao. Hoặc ngay cả nhiều phim Việt Nam có Mạc Can và NSND Thanh Nam đóng, nhiều hãng đã mời Văn Ngà lồng tiếng.

Chuyện những người dịch và lồng tiếng phim nước ngoài

Chuyện những người dịch và lồng tiếng phim nước ngoài

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi vừa tham dự Hội thảo quốc tế về dịch thuật phim truyện, phim truyền hình và lồng tiếng trong phim. Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 18 (13-21/6/2015).

Trước năm 1975, Văn Ngà học Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Sau năm 1975, ông từng là diễn viên của Đoàn kịch nói Bông hồng và Đoàn cải lương 284 một thời gian khá dài. Các vai phản diện của ông luôn để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng và đồng nghiệp, nhưng sau đó lại gặp nhiều lao đao, thành ra khả năng hóa thân độc đáo của ông chưa kịp lan tỏa thì tắt lịm.

Cảm nhận cái số của mình không thể tỏa sáng trước ánh đèn sân khấu, ông quyết định chuyển hướng sang lồng tiếng. Từ đầu thập niên 1980, ông thọ giáo nghệ sĩ Lê Hưng về nghề lồng tiếng, rồi ông theo đuổi nghề này cho đến hôm nay. Trong mấy chục năm làm nghề, Văn Ngà đã lồng tiếng cho vài trăm nhân vật, nhưng công chúng và ngay cả giới làm nghề ít người biết mặt.

Một nghệ sĩ đáng được nể trọng

Sau khi chia tay sân khấu thoại kịch (tên gọi trước đây của kịch nói) và cải lương, ông theo thầy học nghề lồng tiếng. Vị thầy ấy chính là nghệ sĩ Lê Hưng, một người rất được nể trọng trong giới nghệ sĩ của Sài Gòn. Nhờ chất giọng hay trời cho, cùng với quá trình học thoại kịch, ông nhanh chóng trở thành một nghệ sĩ lồng tiếng phim từ đầu thập niên 1980.

Môi trường phim ảnh Việt Nam sản sinh ra nhiều nghệ sĩ diễn giỏi và có chất giọng hay. Tuy nhiên, cũng có nhiều người diễn hay nhưng không có chất giọng và đài từ đẹp, vì vậy đạo diễn cần đến nghệ sĩ lồng tiếng. Thử nghĩ xem, nếu ta coi một phim mà nhân vật đẹp nhưng giọng nói vừa yếu ớt vừa không biểu cảm, phát âm không tròn vành rõ chữ, thì ta có còn cảm xúc với nhân vật ấy không?! Chưa nói, vì điều kiện làm phim và thu tiếng trực tiếp còn hạn chế, lồng tiếng càng thêm có đất dụng võ. Nhờ thế mà Văn Ngà và các đồng nghiệp của mình đã được trọng dụng.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Văn Ngà. Hình: Chi - iDesign

NSND Kim Xuân cho biết: “Tôi biết rõ giọng nói và chất giọng quan trọng thế nào cho thành công của một vai diễn. Tôi biết anh Văn Ngà từ khá lâu và rất quý mến anh. Anh là một người say nghề. Anh cũng là người sở hữu giọng nói rất cá tính, rất riêng biệt, dễ nhận ra trong vô vàn các giọng nói khác”.

Văn Ngà và các đồng nghiệp lồng tiếng đã góp một phần quan trọng cho thành công của phim, dẫu rằng khán giả không hề biết đến sự hiện diện của họ. Bất chấp điều đó, Văn Ngà vẫn cảm thấy hài lòng với hành trình nghệ thuật lặng thầm của mình.

Ông chia sẻ: “Mỗi người có một lý do và con đường đến với nghệ thuật, ai được tổ chấm cho nổi tiếng thì mới nổi tiếng. Khi quyết định chọn đời nghệ sĩ, tôi cũng rất khát khao nổi tiếng, nhưng không phải muốn là được. Trải qua những sóng gió trong nghề nghiệp và sự chông chênh, thiếu thốn trong đời sống, nhiều lúc tôi tự hỏi rằng nếu chọn một nghề khác thì sẽ hạnh phúc, sung sướng hơn chăng. Nhưng rồi suy xét thật kỹ tôi nhận ra đời mình sẽ vô nghĩa nếu không dấn thân vào nghệ thuật. Thế nên, dù chỉ làm nghệ sĩ lồng tiếng, đóng góp thầm lặng từ phía sau, không được ai biết tới, tôi vẫn thấy mình rất hạnh phúc”.

Góp sức nâng tầm nghệ thuật lồng tiếng

Yêu nghề đến thế nhưng có lúc tưởng rằng phải rời xa nghề lồng tiếng. Hơn 10 năm trước, nghề lồng tiếng tăng trưởng nhanh về lượng nhưng yếu kém về chất. Người ta tranh nhau hợp đồng bằng cách hạ giá, làm cho có, mà ít chú ý đến bản sắc và nghệ thuật. Hệ quả là diễn viên lồng tiếng nhận mức lương rất bèo bọt, thấp hơn nhiều năm trước đó nữa.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Văn Ngà (phải) trong phòng lồng tiếng với vai Thái thượng hoàng Hồ Quý Ly trong “Việt sử kiêu hùng”

Thất vọng trước tình trạng này, Văn Ngà muốn bỏ nghề. Trong khi chưa biết phải đi đâu về đâu thì nghệ sĩ lồng tiếng Đạt Phi tìm đến.

Đó là thời điểm Đạt Phi thành lập một công ty lồng tiếng. Anh gần như tách khỏi cung cách làm việc của số đông. Anh chỉ nhận hợp đồng với giá cao, nhưng bù lại chất lượng lồng tiếng ở mức chuyên nghiệp, có phong cách riêng. Tinh thần làm việc này đã thu hút được các hãng phim hoạt hình từ Hollywood và nhiều nhà phát hành phim quốc tế tìm đến hợp tác.

Chính thái độ này đã giúp cho nghề lồng tiếng được nâng cấp lên vài nấc so với mặt bằng chung. Một trong những yêu cầu quốc tế đó là với mỗi nhân vật thì cần có 3 giọng lồng tiếng phù hợp và biểu cảm để họ chọn lựa một người, vì thế các nghệ sĩ lồng tiếng phải nỗ lực hết mình.

Kết quả thì Văn Ngà thường được chọn và được giao cho nhiều vai quan trọng. Nghệ sĩ Đạt Phi cho biết các phim hoạt hình bom tấn của Hollywood như The Lion King, Trolls… đều có dấu ấn rất lớn của Văn Ngà. Gần đây ông gây ấn tượng trong giới khi lồng vai vua cha trong phim Aladdin, vai ma cà rồng cha trong phim hoạt hình Hotel Transylvania 2…

Hỏi có buồn không khi đa số công chúng chẳng hề biết đến sự hiện diện của ông trên phim. Văn Ngà chia sẻ: “Không sao cả, miễn được khóc được cười cùng các nhân vật nhằm mang lại cảm xúc cho khán giả là hạnh phúc. Đã chọn một góc riêng lặng thầm thì cần gì nghĩ đến sự nổi tiếng nữa”. Đây có lẽ cũng là lý do vì sao khi nhờ ông kể tên các vai đã lồng, ông gần như không muốn đề cập. Năn nỉ mãi, ông chỉ nói: “Trong bản ghi chú cuối phim người ta đều có đề rõ ai lồng vai nào rồi, với người lồng tiếng như vậy đã đủ trang trọng, xưng danh nữa làm gì. Tôi đã lồng hàng trăm vai, mà vai nào cũng thấy yêu thích, nên đâu biết kể vai nào bỏ vai nào. Thôi thì cứ để khán giả vô tư đến với các nhân vật mà họ yêu thích vậy”.

(Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai)

Mọi thứ tùy vào nhân duyên

* Ông có hài lòng về cuộc sống hiện tại không?

- Tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại của tôi tạm được. Thu nhập đủ sống. Vui nhất là được sống với đam mê.

* Nếu quay trở về thời kỳ đầu của việc chọn nghề, ông có theo nghề lồng tiếng?

- Tôi không biết trả lời câu hỏi này thế nào cho chính xác nhất. Tôi là người sống tâm linh, nên mọi thứ tùy vào nhân duyên. Nếu được bắt đầu lại tôi vẫn đam mê theo nghề lồng tiếng, nhưng liệu định mệnh có đẩy tôi sang một hướng khác hay không là điều tôi không khẳng định được.

* Vậy ông có mong muốn điều gì cho nghề lồng tiếng của mình?

- Tình hình phim ảnh ở Việt Nam giờ ít cần lồng tiếng hơn trước, đó là thực tế. Khán giả nhìn sơ qua bên ngoài vẫn thấy đài truyền hình chiếu rất nhiều phim, nhưng thực ra phim mới cần lồng tiếng không nhiều. Vậy nên nghề lồng tiếng cũng bị ảnh hưởng nặng nề, rồi cả chuyện thù lao sa sút nữa. Tôi mong truyền hình tìm được phương kế phát triển mới, để tăng số lượng phim mới, có doanh thu, giúp nghề lồng tiếng của chúng tôi dễ thở hơn.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm