Mỹ Lệ: Đầu tư thời điểm này không hiệu quả

12/07/2013 06:39 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cái tên Mỹ Lệ mấy năm nay gắn với những ồn ào kiểu lời qua tiếng lại. Từ vụ “kiện không thành” với một tờ tạp chí về ăn mặc, rồi mới đây là tranh cãi về chuyên môn với giám khảo ngay trên sân khấu Cặp đôi hoàn hảo. Lâu lâu chuyện gia đình, xe cộ của Mỹ Lệ cũng là đề tài “ném đá” trên một vài diễn đàn. Sự nghiệp chững lại, thị phi vây quanh đã khiến có lúc công chúng quên đi Mỹ Lệ là một giọng hát từng được đánh giá là có đẳng cấp, và có khi, chính bản thân Mỹ Lệ cũng đã quên đi quãng thời gian làm nghề say mê nhất của mình.

Gặp lại Mỹ Lệ khi ồn ào tạm lắng xuống và chị đang hào hứng biểu diễn trong chương trình ca nhạc thiếu nhi Tuổi thần tiên, nhắc lại những chuyện cũ, Mỹ Lệ như trở về với thời còn kiệm lời và chỉ có hát.


Chỉ nể nhất Thanh Lam

* Cách đây ít lâu, một đồng nghiệp cho tôi nghe bản thu âm khúc Aria Em nghĩ sao không ra (trích từ nhạc kịch Cô Sao - Đỗ Nhuận) được tìm thấy trong kho tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, do chị hát lúc còn là sinh viên nhạc viện Huế, tôi khá là bất ngờ vì giọng hát chị khi ấy.

- Đó là cái thời ngô nghê mười mấy tuổi đầu của tôi. Bạn nhắc lại làm tôi cũng thấy bồi hồi… Lúc đó thầy tôi đưa văn bản rồi bảo hát chứ thú thật cũng chưa được xem hoàn chỉnh vở nhạc kịch kinh điển đó nữa. Thầy giải thích một số chỗ và phân tích tâm lý nhân vật rồi bắt hát thôi…

Bây giờ nghe lại tôi còn thấy ngạc nhiên vì chưa đầy 20 tuổi mà giọng mình đã đầy học thuật như vậy. Mà ngày xưa thu âm không được chỉnh sửa như bây giờ đâu, phải tập trung hát một lượt thôi, sai đoạn nào là xem như lại từ đầu… Những ngày tháng ở nhạc viện Huế là hành trang quý giá cho tôi khi bước vào thị trường âm nhạc. Vì được học hành, đào tạo bài bản mà sau này tôi nắm rất rõ các kỹ thuật, dòng này dòng kia. Tôi phải cảm ơn trường lớp chính quy đã đào tạo ra một Mỹ Lệ của ngày hôm nay.

* Lúc Mỹ Lệ từ Huế vào Nam đi hát, nhiều ca sĩ Hà Nội còn phải nể nang trình độ của chị, nhưng nghe nói ngành chị học đầu tiên ở nhạc viện không phải là thanh nhạc.

- Tôi tốt nghiệp loại giỏi trung cấp cello, mà là hệ chính quy 11 năm, phải học từ nhỏ chứ không phải 4 năm thông thường đâu nhé. Rồi bằng thanh nhạc của tôi cũng là loại giỏi, hệ đại học đàng hoàng. Những kỹ thuật học được là thuận lợi ban đầu để tôi bước chân vào nghề hát. Tôi thấy mình may mắn bởi thông thường dân nhạc viện học xong hát cứng nhắc, mô phạm và yếu cảm xúc lắm, mình thì dung hòa được giữa kỹ thuật và tình cảm. Không phải ai cũng làm được như vậy.

* Bây giờ thì sao? Chị nhận thấy khả năng của mình như thế nào so với lúc đó?

- Tất nhiên bây giờ tôi phải hát hay hơn chứ, có điều quãng giọng bây giờ không còn rộng như lúc trước nữa, mình hát nhạc nhẹ nên quãng cũng hẹp dần. Ví dụ hồi xưa tôi hát được đến năm quãng tám (từ giọng thật hát đến giả thanh), giờ thì chỉ còn bốn quãng thôi. Lâu ngày mình không “đụng” đến nên cũng mòn hết, quãng giọng cũng “đóng” lại, nhưng thử cho tôi hai tháng luyện tập thôi, đảm bảo tôi hát lại được như xưa, không mất đi đâu cả. Thế mới nói là âm nhạc cổ điển đã nuôi dưỡng mình trong suốt thời tuổi trẻ. Ngay cả lúc sinh con xong tôi hát cũng không bị tụt tông nữa mà… Có điều là hát nhạc nhẹ riết rồi mai một bản thân trong khi hát cổ điển bây giờ thì chẳng ai nghe!

* Là một trong số ít ca sĩ nhạc nhẹ được đào tạo bài bản như thế, vậy trong làng này chị nể ai nhất?

- Tôi nể nhất Thanh Lam, chị ấy không phải là dân học thanh nhạc nên không có kỹ thuật nhiều đâu, nhưng cái bản lĩnh, nội lực của Lam thì kinh khủng thật. Cho đến bây giờ Thanh Lam vẫn là một tượng đài nhạc nhẹ sừng sững mà không ai có khả năng thay thế. Nếu ở Việt Nam có cái gọi là diva thì Thanh Lam là một diva thực sự. Còn thích nghe thì tôi thích Trần Thu Hà và Thu Minh.




Tỉnh táo trong sự kiểm soát

* Lâu lắm rồi, kể từ Mỹ Lệ In Symphony năm 2009, chị không có một sản phẩm mới nào. Tại sao chị lại “im lặng” với sự nghiệp suốt một thời gian dài vậy?

- Giai đoạn này mà làm cái gì thì phí lắm, đĩa, bài hát có hay đến cỡ nào thì cũng chỉ tồn tại được tối đa hai tháng là nguội rồi, không tạo được gì cả. Tôi thấy công sức, tiền bạc mình bỏ ra không xứng đáng nên thôi.

Trong thời gian tới có lẽ tôi cũng chỉ đặt hàng một vài nhạc sĩ trẻ để phát hành single online thôi, có thể quay MV để phát trên các kênh truyền hình âm nhạc. Một người bạn lâu năm cũng rủ rê tôi hợp tác sản xuất một album hát cổ điển trên nền nhạc dance nhưng tôi còn do dự vì thấy bỏ một số vốn mình đầu tư trong thời điểm này thì không hiệu quả cho lắm.

* Nghe có vẻ giống mấy ca sĩ teen choai choai bây giờ nhỉ! Tham vọng của chị bay đi đâu hết rồi?

- Tôi có tham vọng gì đâu. Lúc học xong vào TP.HCM tôi cũng tính làm giáo viên chứ chưa hề nghĩ đến chuyện làm ca sĩ. Thực ra, với lứa đầu 7X thời đó thì ca sĩ cũng đâu có kiếm được nhiều tiền ghê gớm như bây giờ đâu, chẳng có gì cả nên tôi cũng chẳng có tham vọng gì… Sau này thì mình dần dà gắn bó hơn với nghề.

Tôi cũng không khao khát mình làm số 1 hay số 2 gì cả. Chỉ thích sống theo ý mình, muốn làm gì thì làm thôi. Tôi thấy mình sẽ mắc cỡ lắm khi có người này nói “Tôi có công đưa Mỹ Lệ lên” hay “Nhờ tao thế này, thế kia mà Mỹ Lệ mới được như vậy!”. Cho đến giờ tôi vẫn tự hào vì mình tự đứng được trên đôi chân của mình, đó là điều đáng quý.

* Chị có thấy mình quá tỉnh táo và chính điều này đã cản trở sự nghiệp của mình?

- Tôi luôn kiểm soát được bản thân, điều khiển được mình. Trong thời trang cũng vậy, tôi muốn là làm, mình đạt được những thành công trong khả năng của mình. Trên sân khấu tôi cũng tỉnh nhưng tỉnh với cảm xúc của mình đang có chứ không giả tạo như nhiều người. Tôi tỉnh táo trong sự kiểm soát, dung hòa.

* Lý do nào để một người im ắng, đã lui về hậu phương chăm sóc chồng con như chị lại nhận lời tham gia những chương trình truyền hình thực tế ồn ào thời gian vừa qua như Hợp ca tranh tài, Cặp đôi hoàn hảo vậy?

- Chương trình nào tôi cũng từng từ chối. Ban tổ chức Cặp đôi hoàn hảo còn “gí” tôi hơn nửa năm tôi mới gật đầu mà. Với Hợp ca tranh tài lần lữa mãi cuối cùng mới gật đầu vì ý nghĩa từ thiện của nó, mình mang được chút tiền về cho quê hương, giúp được gì thì giúp mấy đứa nhỏ mê ca hát. Với Cặp đôi hoàn hảo thì vì tình cảm lâu năm với công ty sản xuất…

* Chị đã gặp chuyện không hay ở một cuộc thi, trước khi tham gia chị có biết đến những “mặt trái” của truyền hình thực tế?

- Có chứ! Tôi thấy truyền hình thực tế mất thời gian và thú thực là không tin tưởng vào cái gọi là kết quả của nó. Rồi không chỉ mình phải đấu trí trên sân khấu mà mình còn phải đấu với fan, tranh thủ từng tin nhắn nữa, khủng khiếp và bầm gan tím ruột lắm chứ! Tính tôi rạch ròi và thẳng thắn, tôi sợ rồi mình mang bực bội vào người nên lúc đầu đều một mực từ chối. Tôi không phải là kẻ mê danh hão nhưng thú thực mình cũng muốn có dịp show những giá trị của mình.


Tôi không sống đạo đức giả

* Đàn bà hai con, lại có công ty thời trang riêng, chị sắp xếp thời gian tham gia các chương trình đó thế nào?

- Với tôi, phải làm tròn trách nhiệm gia đình rồi mới tính đến chuyện khác. Nhiều khi tôi thấy mình cứ như ảo thuật gia tung đĩa vậy (cười). Tôi thừa mứa năng lượng lắm, cùng một lúc làm được nhiều việc lắm. Khi may đồ, chỉnh đồ hay lúc nấu ăn, tôi tranh thủ nghĩ đến chuyện mình sẽ hát hò gì sắp tới, vậy mà ủi đồ hay coi đồ ăn chưa bao giờ bị cháy nha!

* Trước giờ người ta toàn thấy Mỹ Lệ lên báo kể chồng sắm cho cái này, cái kia, con ngoan như thế nào, công việc kinh doanh thành công ra sao… Chị nghĩ sao nếu người ta lật ngược vấn đề và cho là chị đang từ huyễn hoặc mình bằng hai từ “hạnh phúc”?

- Tôi không sống đạo đức giả và cũng chẳng diễn bao giờ. Vậy nên đừng bao giờ nghi ngờ những gì tôi nói. Ví dụ như chúng tôi có cãi nhau, chiến tranh lạnh với nhau hay thậm chí anh ấy có đánh tôi thì tôi cũng nói ra! Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng êm đềm, tôi cũng chẳng che giấu. Gia đình có bền chặt hay không là do cái đức hy sinh của cả hai người. Ai mà không mong muốn có một mái ấm gia đình, con cái ra đời được thành công. Tôi thì luôn vì chồng, vì con nên có mâu thuẫn gì cũng hóa giải, khắc phục được cả.

* Có bao giờ chị cãi lời chồng không?

- Có chứ! Vừa rồi anh bảo thay cái bếp đi nhưng tôi thấy còn được nên một hai bắt anh phải để xài tiếp (cười lớn).

* Kế hoạch trong thời gian tới của chị?

- Thời gian vừa qua kinh tế suy thoái quá, cuộc sống cũng khó khăn nên mọi thứ cũng trì trệ chứ không riêng gì việc kinh doanh. Nếu như năm 2011 thương hiệu trang phục trẻ em Misa Misu của tôi rất thành công, mang lại lợi nhuận lớn thì 2012 vừa rồi mình hòa vốn cũng là giỏi lắm rồi! Sắp tới tôi sẽ phát triển thêm ở mảng trang phục dành cho bà bầu và “mẹ của bé” và tung hàng vào siêu thị. Tôi cũng dự tính mở rộng ra thị trường phía Bắc, khai trương một số chi nhánh của Misa Misu ở Hà Nội. Bên cạnh đó tôi vẫn nhận thiết kế trang phục đi diễn cho một số bạn bè thân quen như Phương Thanh, Thu Minh…

Bài: Khánh Nguyễn. Ảnh: Sông Loan
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm