Mùa thi

16/07/2014 09:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ bảo phải cải tiến thi cử, cải mãi chẳng thấy tiến đâu hết. Năm kia năm kìa rồi năm nay, năm nào cũng nghe đến việc đổi mới thi, giảm áp lực thi... Nhưng mà cứ thử xem trên ti-vi rồi đọc báo mấy hôm nay, rồi ngẫm mà xem, sẽ chẳng bao giờ thi cử được đổi mới hay áp lực giảm. Bởi cái tâm lý chung của cả xã hội là coi trọng thi cử, coi trọng đến quá mức.

Bà chủ quán nước chè bỗng dưng bình một câu như vậy, khi mấy bậc cha mẹ ngồi lì ở quán nước chè của bà từ sáng, bỗng dưng bật dậy như máy để lao đi, sau khi xem đồng hồ 10 phút một lần. Lao đi, là vì giờ thi buổi sáng đã hết, mặt mũi họ căng thẳng có dễ trên đời không gì căng thẳng bằng.

Thi đại học, cao đẳng mỗi đợt có vài ngày. Mà cứ như một chiến dịch ra quân của toàn xã hội. Nào ưu tiên chỗ từ nhà xe nhà tàu, nào thanh niên tình nguyện chờ sẵn tại bến để hướng dẫn đường đi, nơi ăn nơi nghỉ...Đoàn thanh niên các cấp có hẳn chương trình tiếp sức mùa thi hàng năm mà. Báo chí còn đưa cả hình ảnh các anh cảnh sát giao thông tận tình chỉ đường cho thí sinh và gia đình thí sinh, thậm chí còn dùng cả xe đặc chủng đưa thí sinh đến phòng thi. Thật cảm động khôn xiết! Rồi bao nhiêu gia đình tự nguyện nhường phòng, dành chỗ cho các thí sinh tỉnh xa. Nào suất ăn miễn phí, nào nước mát miễn phí... Mùa thi đúng là mùa của tình cảm thân thiện giữa người với người. Các cô cậu học sinh rời lũy tre làng lộc ngộc ra thành phố hẳn phải xúc động sâu xa vì những giúp đỡ tận tâm tận tình như vậy... Thôi, ít ra cũng là những kỷ niệm đẹp đầu đời. Cứ thử ra thành phố không phải để thi mà để kiếm việc làm xem. Xã hội không ngọt ngào bao dung thế đâu. Bố mẹ không sụt sịt đi theo xách túi, ba lô, lo từng miếng ăn hớp nước cho thế nữa đâu. Đây là đi thi, nhấn mạnh nhé, nên được coi trọng thế. Đời người sau kỳ ứng thí lai kinh chẳng biết rồi có trưởng thành?

Tôi thì tôi chẳng thấy như thế là hay lắm, bà chủ quán bảo. Cứ như người ta đang làm cho xúc động hóa, hoặc đúng hơn nữa là sến hóa mùa thi. Cứ thế này chẳng trách có nhận xét rằng người Việt có tuổi ấu thơ dài nhất thế giới. 18 tuổi mà ra thành phố lóng ngóng, bố mẹ đi kèm cũng lóng ngóng... Chính cha mẹ thí sinh nhìn cũng chưa ra người trưởng thành thì nói gì đến chúng nó. Chính là cha mẹ thí sinh đi cầu cúng đền chùa miếu mạo, đi xoa đầu rùa Văn Miếu đến nhẵn ra. Chính là cha mẹ thí sinh ép con cái mình vào con đường phải thi đỗ đại học, nếu không sẽ phụ cả tấm lòng cha mẹ, dù điều đó không được tuyên bố công khai, nhưng nhìn cách đứng chờ cổng trường thi với chai nước và cái khăn mát trên tay..., thì chỉ có mỗi một con đường để con cái hiểu là không đỗ đại học chính là tội lỗi.          

Nhưng, đỗ rồi thì đã phải là xong đâu. 162.000 cử nhân thất nghiệp là con số mà hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 2, quý 2/2014, do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức sáng 1/7 tại Hà Nội đưa ra. Con số này tăng lên mỗi năm. Riêng trong quý 1 năm nay đã có 504,7 ngàn thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 bị thất nghiệp, tăng gần 55 ngàn người so với quý 4/2013. Đặc biệt có đến 21,2% thanh niên trong độ tuổi từ 20-24 có trình độ cử nhân đại học trở lên bị thất nghiệp.

Đấy, cứ mỗi mùa thi, nghe những thông tin này mà buồn. Tốt nhất để bọn trẻ tự thích nghi với cuộc sống, giảm áp lực thi đại học, cao đẳng thật sự bằng cách để chúng tự đi thi, tự tìm chỗ ăn chỗ nghỉ. Xã hội bớt chăm lo thí sinh đi một chút, có khi lại tốt hơn...

Bà chủ quán nói thế, nhưng chẳng ai trả lời.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm