Một yêu tóc bỏ đuôi gà... (*)

14/09/2013 17:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nói về các kiểu tóc, theo ngôn ngữ thời nay là “thời trang tóc”, như đã nói trong phần 1 bài viết này (*), người Việt xưa cho thấy đã có những quan niệm về thời trang (tóc) chứ không quê mùa như người ta vẫn nghĩ.

Tất nhiên thời trang kiểu cách không đến với người nông dân. Nông dân Việt Nam có lối tóc tai truyền thống riêng và rất ít thay đổi đến 200 năm qua. Ngoài chiếc nón che mưa che nắng, người nông dân không có loại mũ gì khác, nên không cần đến các kiểu đầu như các bà hoàng và rất có thể họ không bao giờ biết giới quyền quý để đầu tóc như thế nào.

Đàn ông nông thôn ngoài 40 tuổi mới được phép để râu, đó là quy định bất thành văn, vì trong làng xã họ thường lên lão vào đình vào tuổi đó (sau này là 50 tuổi), cho nên không được tỏ ra là già hơn các cụ. Tuy nhiên vài ông đồ trẻ vẫn có thể để râu vì họ là kẻ sĩ nay mai sẽ đỗ đạt làm quan, vượt lên trên đời sống bình dân. Kiểu tóc của nông dân nam thì giống nhau ở mọi vùng, để tóc dài, búi tó củ hành thấp về phía sau gáy. Ra đường thì vấn khăn vành, khăn xếp, khăn đóng (thực ra cả ba kiểu chỉ là một, làm theo cách khác nhau, nghĩa là dùng vải gấp thếp nhiều vòng rồi đội lên đầu). Người ta cho rằng cái khăn đóng, khăn xếp Việt có nguồn gốc Đông Nam Á gần gũi với cái khăn mũ nhiều lớp của Ấn Độ. Lối quấn khăn như mũ kín cả đầu thấy ở người Chăm và những người Việt thế kỷ 17, 18 trên con đường Nam tiến học lối vấn khăn của người Chăm.



Tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Định. Ảnh tư liệu Đông Dương đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới.

Ca dao có câu: Một yêu tóc bỏ đuôi gà/Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên/Ba yêu má lúm đồng tiền/Bốn yêu răng nhánh hạt huyền kém thua… Câu ca này có thể thịnh hành trong thế kỷ 19 và 20, cách dùng từ cũng tương đối hiện đại, giống như lời ca quan họ thời gian đó. Tóc bỏ đuôi gà là như thế nào, có người cho rằng phụ nữ sau khi chải đầu buộc tóc túm một lọn lớn để phía sau lưng hơi cong lên (giống như đuôi con gà trống), song phần nhiều ý kiến nói rằng đó là lối buộc tóc đuôi ngựa. Phần đông phụ nữ trưởng thành, sau khi chải đầu, vấn tóc vành, thì bỏ lại một lọn nhỏ buông tỏa xuống thái dương, cái này giống một chiếc lông gà trống dài hơi cong. Có lẽ đó mới là tóc bỏ đuôi gà. Con gái còn trẻ, tóc dài và dày, chải đầu mượt mà rồi quấn lệch về một phía, phía sau bọc dần vào một miếng vải thành hình con rắn và vấn tròn trên đầu như đội một chiếc khăn vành. Một lọn tóc nhỏ được bỏ ra sẵn, chính là cái đuôi gà nói trên. Lối để tóc này khiến khuôn mặt phụ nữ nom rất tròn trặn, đoan chính, trở thành thẩm mỹ truyền thống cho đến tận ngày nay. Nên người ta ví vẻ đẹp của người phụ nữ như khuôn trăng, mặt nguyệt, điều này được Nguyễn Du miêu tả nhân vật Thúy Vân trong Truyện Kiều: Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang (nét ngài ở đây là lông mày cong vừa phải và rậm đều, thể hiện tướng người phụ nữ phần nữ tính đầy đặn, vượng phu ích tử, giàu có, sau này thì đa phần phụ nữ lại thích lối lông mày dài và thanh). Bộ tranh Tố nữ Hàng Trống cũng có niên đại thế kỷ 18, được Hồ Xuân Hương bình lại: Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/Chị cũng xinh mà em cũng xinh, các cô tố nữ đầu vấn khăn vành để tóc đuôi gà, chứng tỏ lối khăn vành và tóc đuôi gà ít nhất phổ biến trong thế kỷ 18. Bên ngoài khăn vành, khi ra đường phụ nữ sẽ trùm thêm một cái khăn vuông, gấp chéo thành cái mỏ quạ phía sau lưng.



Hình ảnh phụ nữ Bắc bộ thời cổ với các kiểu vấn tóc, Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh tư liệu Đông Dương đầu thế kỷ 20. Nguồn: NXB Thế giới.

Vấn khăn vành trong giới bình dân còn phổ biến đến toàn thể phụ nữ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên, đến thời thực dân, khi đô thị hình thành, nhiều phụ nữ chỉ chải đầu, rẽ ngôi và cặp tóc một lọn dài phía sau lưng, hoặc búi tó, hoặc gấp thếp sau gáy, cổ và gáy luôn được để rõ sáng, và đeo thêm một vòng hạt trai, đá xanh trên cổ, mặc áo dài tân thời. Lối thời trang này trở nên phổ biến ở thành thị cho những cô gái từ trẻ đến gần trung niên, còn già hơn chút ít họ lại quay về lối khăn vành. Họ trở thành hình mẫu cho các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chuyên vẽ về phụ nữ. Sau Cách mạng Tân Hợi năm 1911, ở Trung Quốc, người ta bắt đầu từ bỏ cái đuôi sam Mãn Thanh. Phụ nữ ở Thượng Hải để tóc ngang vai và sấy bồng lên đôi chút, mặc váy xườn xám, bộc lộ đường cong cơ thể. Đầu sấy hay phi-dê không phổ biến lắm ở Việt Nam và bị coi là theo Tây, nhưng đến những năm 1960, kiểu cách đó bắt đầu được ưa chuộng. Nam giới cũng sấy quăn chút ít ở tóc mái, còn phụ nữ có thể cắt tóc ngắn, tóc ngang vai và sấy quăn cả đầu. Lối này cũng bị phản ứng nhiều cho đến khi phụ nữ phải tham gia lao động công nghiệp, đi bộ đội, công trường thì tóc ngắn và gọn gàng phù hợp hơn với lao động thường ngày. Đến những năm 1980 mới xuất hiện nhiều lối cắt tóc tém, mái đầu phụ nữ còn rất ít tóc, nhiều cô ngực lép, trông không còn nhận ra là nam hay nữ. Phong trào nhuộm tóc cũng từ năm 1990 cho đến nay.



Tượng Ngọc nữ chùa Bút Tháp, thế kỷ 17, lấy mẫu từ thiếu nữ khoảng 13-15 tuổi. Đây là hình ảnh hiếm hoi về thiếu nữ Việt khoảng tuổi 13-15 thời xưa. Ảnh Nguyễn Anh Tuấn.

Lịch sử thời trang gắn với tập tục, tự do, các trào lưu xã hội hay biến động thẩm mỹ, luôn là những vấn đề phức tạp thú vị. Người phụ nữ xưa để đầu tóc thế nào là phục vụ cho xã hội, đàn ông, chứ không phải cho chính họ. Ngày nay phụ nữ không muốn như vậy nữa, họ vẫn làm đẹp cho người khác ngắm, nhưng không nhất thiết phải theo tập tục và chiều lòng ai, tuy nhiên các xu hướng xã hội vẫn chi phối họ, nhất là các trường phái thời trang thịnh hành trên thế giới, tự do với cái này, nhưng không tự do với quy ước thẩm mỹ của trường phái. Để tóc đuôi gà, vấn khăn vành, chít khăn mỏ quạ cũng nên được coi là một phong cách thời trang của người Việt xưa.

(*): Tiếp tục phác thảo về kiểu tóc của người Việt

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm