18/05/2009 14:47 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - “Trước đây, khi chưa thể xây dựng được tượng đài kiến trúc sư (KTS) Kazik, chúng tôi thường tự an ủi rằng không có bia mộ nào, tượng đài nào hơn bia mộ, tượng đài trong lòng mình. Nhưng đời người ngắn ngủi, một đời người không đủ nói lời cảm ơn với Kazik bởi tình cảm cũng như công sức mà ông đã đóng góp cho mảnh đất này. Vì vậy, một tượng đài để nhắc nhở công lao của Kazik đối với Mỹ Sơn là điều chúng tôi đã, đang làm để thể hiện lòng tri ân của nhân dân Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung với người KTS này”.
Ông Trịnh Sơn Hải |
Không làm sai lệch và làm giả di tích
* Trước và sau kiến trúc sư Kazik đã có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều kiến trúc sư gắn bó với sự nghiệp bảo tồn, trùng tu khu đền tháp Mỹ Sơn. Vậy tại sao huyện Duy Xuyên lại quyết định chọn xây dựng tượng kiến trúc sư Kazik?
- Thời đó, giới chuyên môn ở Việt Nam còn ít kinh nghiệm về trùng tu di tích, nhất là di tích bằng đất nung và đá. Khi trùng tu di tích Chàm làm bằng đất nung và một phần bằng đá ở dạng phế tích, Kazik tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của trường phái “trùng tu khảo cổ học” được quốc tế công nhận: đó là giữ gìn nguyên vẹn di tích gốc và các thành phần gốc, không làm sai lệch và không làm giả di tích, chủ yếu sử dụng biện pháp gia cố kỹ thuật để duy trì hiện trạng, chỉ phục chế từng phần nếu có cơ sở khoa học, không phục nguyên, không làm lẫn cái gốc với cái mới đưa vào để gia cường.
Kazik (trái) với linh mục Chánh xứ Trà Kiệu những năm 1980. Trà Kiệu là nơi Kazik thường dừng lại suy ngẫm với những đồ gốm Chăm trong sưu tập của nhà thờ Trà Kiệu |
Kazik của Mỹ Sơn
* Công lao đóng góp của kiến trúc sư Kazik với khu đền tháp Mỹ Sơn lớn như vậy, trong khi cho đến nay chúng ta mới xây dựng tượng ông ở đây, có phải là điều quá muộn không?
- Thật ra, ngay khi KTS Kazik vừa mất, không chỉ chính quyền và nhân dân huyện Duy Xuyên mà hầu hết bạn bè cũng như đồng nghiệp của ông trong giới chuyên môn cũng muốn xây mộ giả và dựng tượng đài của ông tại Mỹ Sơn. Nhưng tượng đài thì phải đặt ở nơi ông gắn bó, cũng chính là nơi ông đã đóng góp công sức để cứu vãn di tích và là nơi mà du khách thường lui tới, tức là khu đền tháp Mỹ Sơn. Nhưng cho đến ngày 30/12/2008, quy hoạch tổng thể khu đền tháp Mỹ Sơn mới được phê duyệt. Và trên cơ sở quy hoạch tổng thể ấy, chúng tôi mới có thể xây dựng và đặt tượng.
Thay vì khắc ghi bên dưới tượng đài tiểu sử của kiến trúc sư như ở Hội An, chúng tôi sẽ khắc lên đó câu nói mà ông đã từng nói về Mỹ Sơn. Đó là câu: “Người Chăm pa cổ đã gửi tâm linh vào đất, đá và biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn thâm nghiêm, tráng lệ, hùng vĩ. Đây là một bảo tàng điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật vô giá của nhân loại mà sẽ còn lâu chúng ta mới hiểu hết”. Đó là câu nói ngắn gọn mà đầy đủ nhất, đẹp đẽ nhất mà kiến trúc sư Kazik đã dành cho Mỹ Sơn.
Kazik ký hoạ những phù điêu ở Mỹ Sơn
(theo cuốn "Kazik - ký ức bạn bè") |
* Ông có thể cho biết, dự kiến tượng đài sẽ hoàn thành vào khi nào?
- Tượng đài sẽ được khởi công vào tháng 6/2009, đúng vào dịp lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2009 và dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 4/12/2009 nhân kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn được vinh danh là di sản văn hóa thế giới.
“Khi tôi chết, hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn”
Ông đã gắn bó với Việt Nam suốt 17 năm liền và chọn Việt Nam là tổ quốc thứ hai của mình. Có thể nói, sau những nỗ lực của người Pháp do H. Parmentier chủ xướng về nghiên cứu và bảo tồn đền tháp Chàm từ trước 1945, thì KTS Kazik và các chuyên gia Ba Lan cùng cán bộ Việt Nam đã thực hiện một công cuộc khảo cứu, điều tra, ghi chép quy mô và đồng bộ nhất hầu hết các di tích Chàm sau vài thập kỷ chiến tranh và sự lãng quên. Đó quả là một sự tích lũy vô giá cho khoa học, cho mai sau.
Ngày còn sống, có những buổi chiều ngồi trong vùng không gian tím của lòng chảo Mỹ Sơn, những đêm tĩnh mịch bên đống lửa với chai rượu “Nàng Hương”, “Lúa Mới”, nghe giọng dế Mỹ Sơn hòa tấu bản nhạc đêm, Kazik vẫn thường nói: “Khi tôi chết, hãy chôn tôi ở Mỹ Sơn. Sống làm cư dân Mỹ Sơn, chết hòa cùng con giun, con dế Mỹ Sơn...”. Nhưng ngày ông mất tại Huế (19/3/1997), thi hài ông lại được chuyển về Ba Lan trong một quan tài kẽm... Và người dân xứ Quảng chỉ còn cách tri ân ông bằng những tượng đài. |
Khiếu Thị Hoài (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất