'Ma chê, cưới trách', chuyện thường...

02/06/2014 08:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là ý kiến của TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, xung quanh một số ý kiến về văn hóa ứng xử trong đám tang của một nhạc sĩ nổi tiếng trên nhiều diễn đàn mấy ngày qua.

Sau khi đăng bài: Văn hóa tang lễ và nỗi buồn từ “kền kền chờ đợi” (trên số báo ra ngày 30/5/2014), TT&VH đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà nghiên cứu (trong đó có PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng). Tiếp tục loạt thông tin này, TS Nguyễn Văn Vịnh (ảnh) trao đổi với TT&VH:

Đừng đưa tin kiểu phản cảm

“Tôi hiểu và chia sẻ với thân quyến của nhạc sĩ về sự bức xúc này. Nhưng nói đi cũng cần nói lại rằng: Dân gian có câu “ma chê, cưới trách”. Trong đám tang, xảy ra sơ suất, thiếu sót dẫn đến chê trách, phàn nàn là chuyện bình thường, khó tránh. Vì đây là nơi tập trung đông người, nhiều thành phần xã hội khác nhau, là những việc ai cũng phải tham gia. Vì vậy, về phía “khổ chủ” rất cần có sự tổ chức, hướng dẫn chu đáo. Đối với tang lễ, tất cả mọi người có mặt cần có thái độ nghiêm trang, xót thương, vừa là sự tôn trọng người đã khuất, vừa thể hiện văn hóa ứng xử của người đang sống. Đối với những người nổi tiếng, ở bất cứ đâu và bao giờ cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý cao trong dư luận”.

TS Nguyễn Văn Vịnh

TS Nguyễn Văn Vịnh

Chia sẻ quan điểm về việc truyền thông có hay không nên “săn tin” ở những đám tang của người nổi tiếng, thậm chí việc đăng những bài báo khi tang quyến đang đau buồn thì “cần xem lại nhân cách”, TS Nguyễn Văn Vịnh có cách nhìn khá mở. Theo ông, trong thời đại xã hội thông tin như hiện nay có quá nhiều hình thức báo chí, quá nhiều phóng viên, ai cũng muốn có được những bức hình tốt, những góc chụp đẹp thì việc chen lấn xô đẩy của các phóng viên cũng là chuyện bình thường. “Cũng cần có cái nhìn thông cảm và rộng lượng” – ông thẳng thắn.

“Và nữa, trong xã hội thông tin đa chiều như thác lũ này, mọi cung bậc Hỷ, nộ, ái, ố đều được đưa lên mặt báo, cho nên, khi làm tin, bài, các phóng viên cần có những lựa chọn đúng mức, không gây phản cảm đến đời sống tinh thần của công chúng, vì sự tiễn biệt của người sống với người đã khuất thường có nhiều cung bậc, nhiều cách biểu lộ khác nhau, tùy theo địa vị xã hội của người mất và của tang chủ. Những biểu hiện ra bên ngoài của các sự kiện loại này bao giờ cũng mang dấu ấn văn hóa...” – ông Vịnh nói thêm.

Chả nên “vẽ rắn thêm chân”

* Thực tế hiện nay, đám tang nhất là đám tang người nổi tiếng lại quá “ồn ào” hơn cả khi còn sống. Thành ra, những người nổi tiếng bỗng “sợ” đến các đám tang để tiễn biệt người thân, vì sợ bị quay chụp những khoảnh khắc không đẹp, sợ có fan xin chụp ảnh cùng...

- Nói đến cùng, người nổi tiếng cũng là con người, cũng phải sống với những tình huống đời thường và cần có bản lĩnh vượt qua những xét nét vặt vãnh trong đời sống. Ở đây có một vòng luẩn quẩn rất buồn cười: Người chưa nổi tiếng thì tìm mọi cách để nổi tiếng, đã nổi tiếng thì muốn nổi tiếng hơn, và cuối cùng thì lại sợ sự nổi tiếng...

* Theo một số nhà nghiên cứu, nhiều nghi lễ truyền thống trong đám tang hiện bị bỏ qua. Văn hóa tang ma thời nay đang khác xưa nhiều, thưa TS?

- Phải nói thế này mới đủ: Có nhiều nghi lễ bị bỏ qua, nhưng cũng có nhiều nghi lễ mới được mọc ra nhan nhản. Nhiều khi đám tang không phải của người mất mà là cơ hội để người sống thể hiện các cung bậc bi hài của nhân sinh.

Nhân đây, tôi cũng nói thêm một hiện tượng cứ tạm gọi là “giao thoa văn hóa” cho tiện: trước đây trong xã hội phương Đông truyền thống thì tang phục chỉ là màu trắng thuần túy, thể hiện triết lý tuần hoàn của vũ trụ: sinh trụ dị diệt - sinh lão bệnh tử; trong khi đó đối với phương Tây, tang phục là màu đen, thể hiện sự nghiêm trang, sâu kín. Nhưng hiện nay, ta thấy một cách rất phổ biến của đám tang là: trong là bộ đen ngoài có áo xô trắng, có lẽ làm vậy cho “chắc”, Đông - Tây kết hợp, chả còn ai chê vào đâu được.

* Nói tóm lại, theo ông, một cái nhìn tổng quát về đám tang hiện nay là thế nào?

- Tôi quan niệm đám tang nên đơn giản, trang nghiêm với tất cả mọi người. Vì nói cho cùng, sinh, lão, bệnh, tử là cái khung cứng của kiếp nhân sinh, chả nên “vẽ rắn thêm chân”.

Hoa Chanh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm