Lại ra Bưu điện Bờ Hồ gửi thư...

06/02/2019 11:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân chuyện Bưu điện Hà Nội bị đổi tên, tôi bỗng nhớ ra rằng lâu lắm mình không đạp xe ra Bờ Hồ bỏ lá thư nào vào thùng. Cái thói quen ấy và cái thời ấy quả tình đã xa lắm.

Tòa nhà Bưu điện Hà Nội: Ba thế kỷ 'chảy' qua một cái tên

Tòa nhà Bưu điện Hà Nội: Ba thế kỷ 'chảy' qua một cái tên

Những phản ứng gay gắt của dư luận về vụ “xóa tên” tòa nhà Bưu điện Hà Nội khiến nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao kiến trúc này luôn được mặc định coi là một biểu tượng của thành phố?

Thời ấy không có điện thoại, không có máy tính cho nên con đường duy nhất giao tiếp với nhau khi ở xa chủ yếu bằng thư từ qua bưu điện hoặc nhờ người cầm thư đưa tới tận tay người nhận.

Ngóng về bưu điện

Hà Nội có hai nhà bưu điện. Bưu điện Trong nước nằm bên trái nhà Bưu điện thành phố mới xây, cạnh vườn hoa Lý Thái Tổ. Nhà Bưu điện Quốc tế nằm bên phải bưu điện mới. Hai nhà bưu điện của Pháp xây rất đẹp dù qua nhiều lần sửa chữa và bị thay thế một phần, còn nhà bưu điện của ta xây theo thiết kế của Nga thì từng bị cho là hơi cứng, tuy nhiên, theo thời gian thì cũng đi vào ký ức của Hà Nội.

Nhà bưu điện Bờ Hồ xưa, Pháp định xây làm tòa thị chính, xây xong phần móng, thanh thép nhô lên hàng mấy mét, xong cứ để như thế mấy chục năm không xây tiếp vì nghe đồn là, chính quyền thuộc địa Pháp cũng tin phong thủy sái cổ. «Thầy» dọa rằng, nếu xây tòa thị chính ở đây thì chính quyền thuộc địa Pháp chẳng tồn tại được bao lâu, vì đây là chính là... mồm của con rồng đen.

Chú thích ảnh
Bưu điện Bờ Hồ xưa

Kết quả là tòa thị chính thời Pháp đã được chuyển sang xây ở chỗ đất hình mai rùa bên cạnh, được dựa trên 4 cái “trụ” là Nhà bưu điện cũ, Ngân hàng quốc gia, Nhà kèn trong vườn hoa Lý Thái Tổ và phía trước có tháp Hòa Phong để giữ cho phong thủy được yên bình thành địa linh nhân kiệt, vì thời ấy xung quanh Bờ Hồ còn hoang vu lắm. Những đám cưới đi qua đây còn có cả ngan, bò và trâu đi bên cạnh.

Dĩ nhiên đấy chỉ là những đồn đại của dân gian. Nhưng nó cũng cho thấy rằng việc quy hoạch khu vực này là rất hợp lý, tạo sự hài hòa, vững chắc.

Bên cạnh Bưu điện ở Bờ Hồ, các quận cũng đều có phòng bưu điện. Phòng bưu điện này chỉ nhận thư gửi trong nước. Muốn gửi thư đi quốc tế phải lên nhà Bưu điện Quốc tế nằm ở Bờ Hồ. Nhà bưu điện là trung tâm của thành phố - cây số 0.

Chờ thư

Gửi thư vào hòm, người gửi rất thấp thỏm chờ đợi và không hiểu số phận của bức thư ra sao. Vì thư đi thư lại không biết bao giờ mới đến được nhau cho nên cuối thư thường có phần: “Tái bút: Nhận được thư gửi ngay tin cho biết.”

Chuyện thư từ thất lạc xảy ra như cơm bữa. Có khi gửi đi năm trước đến năm sau thư mới tới nơi. Thời đất nước chưa thống nhất có khi gửi thư phải ba, bốn năm sau mới đến tay người nhận là thường. Trong thư đề: “Hiện nay bố vẫn khoẻ”. Khoẻ là khoẻ cách đây bốn năm, còn khi người nhận được tin vẫn khoẻ thì bố đã mồ yên mả đẹp ba năm rồi.

Thời bao cấp dùng cơm để dán phong bì. Dán xong còn thừa mấy hạt cơm bỏ ngay vào mồm ăn cho đỡ phí. Cơm nhai lâu trong mồm thành vị ngọt.

Mấy lần tôi nhờ chú bé hàng xóm đi gửi thư hộ đều thất lạc. Tôi vặn hỏi chú bé vì sao thư tôi không đến tay người nhận. Sau mới rõ là chú bé này vì quá cẩn thận nên đã dán tem thư vào trong phong bì, sợ người khác bóc ra lấy mất.

Một lần tôi viết thư hẹn gặp người yêu ở Bách hoá Tổng hợp. Tôi đến chờ đến một tiếng mà người yêu không tới. Tôi đi lại sốt hết cả ruột, lại nghĩ, có lẽ mình hẹn nhầm là Đại học Tổng hợp – Trường Y bây giờ - vì cả hai đều có chữ “Tổng hợp”. Tôi đạp xe vòng quanh giữa hai nơi, nóng ruột đến vỡ tim. Mãi đến ba giờ sau mới gặp được người yêu ở Bách hoá Tổng hợp. Bao nhiêu uất ức của sự chờ đợi tôi định trút lên người yêu bỗng tiêu tan hết.

Chú thích ảnh
Bưu điện Hà Nội khi bị đổi tên thành VNPT Hà Nộigây xôn xao dư luận

Bức thư đặc biệt

Bố tôi, nhà thơ Nguyễn Hữu Mão ở số 7, phố Ô Quan Chưởng, Hà Nội có cách gửi thư cực kì lãng mạn: Người yêu của nhà thơ mất gần 80 năm mà tuần nào thi sỹ cũng gửi thư đến địa chỉ nghĩa trang của người tình. Ngay cả khi làm thơ tặng con cái cùng nhà, cụ cũng gửi bằng đường bưu điện. Cụ bảo thơ gửi qua bưu điện mới thiêng.

Cụ sinh năm 1911 mất năm 2006. Năm 17 tuổi, cụ sống cùng ông chú làm tuần phủ Lạng Sơn. Mối tình đầu của cụ với cô sơn nữ thật say đắm và thê thảm. Cô sơn nữ bị một thanh niên cùng bản ghen và đẩy xuống vực thẳm, mấy ngày sau mới tìm thấy xác. Cụ làm thơ khóc mối tình đầu đầy xúc cảm, trong đó có câu:

Ngẩn ngơ trong đám bụi hồng

Giữa nơi phú quý cõi lòng buồn tênh

Hàng ngày cụ ngâm nga bài thơ từ sáng đến tối, ngâm tới mức độ tất cả người ghét thơ trong nhà đều phải thuộc lòng.

Cụ treo bức ảnh truyền thần cô sơn nữ ngay cửa ra vào - nơi trân trọng nhất. Dưới bức ảnh là hàng chữ: “Nàng sơn nữ”. Cụ Mão còn viết một pho truyện dày hàng nghìn trang về nàng sơn nữ. Tên sách: “Nàng Sơn nữ”, “Truyện thực rừng xanh”… cuối sách đề: “Tác giả Nguyễn Hữu Mão không xuất bản và giữ bản quyền”.

Sau đó cụ đi suốt núi rừng Lạng sơn viết vào các vách đá như động Tam thanh, Nhị thanh… những bài thơ cụ tặng cô sơn nữ. Cụ viết thơ vào vách đá bằng vôi. Vôi viết trên vách đá ở trong hang động rất bền. Cụ viết từ năm 17 tuổi. Đến năm 85 tuổi, cụ tìm vào trong hang núi xưa, khi soi đuốc thấy bài thơ vẫn còn chỗ tỏ
chỗ mờ.

Thời điện thoại bàn và di động

Ngày trước, muốn gọi điện thoại phải lên nhà bưu điện thành phố đăng ký ngày, giờ và định gọi cho ai, địa chỉ ở đâu. Sau đó, bưu điện thành phố sẽ gửi giấy báo cho người nhận: Đúng ngày, đúng giờ lên bưu điện thành phố nghe điện thoại.

Sau này, điện thoại bàn mới được đặt ở nhà tư nhân. Rồi điện thoại di động ra đời làm nhân tâm náo loạn. Tác động tích cực là chính, song tác động tiêu cực cũng không kém phần nguy hại. Mọi người dùng điện thoại di động để đắm chìm vào thế giới ảo. Người ta không thích ngắm một bông hoa trong thiên nhiên mà chỉ lăm le chụp lại để ngắm hoa trong ảnh.

Đặc biệt, mọi người đều ngạc nhiên thấy thời gian đi nhanh quá, vì điện thoại di động bắt não nhận quá nhiều thông tin. Nếu ta bỏ điện thoại, sống ở nơi thanh tịnh, tốc độ sống chậm lại, thì sẽ cảm thấy ngày dài lê thê. Ngày xưa, gửi thư cho nhau có khi hàng tháng mới nhận được hồi âm. Thời gian sao dài thế, một ngày chờ thư người yêu thấy như “ba thu dồn lại một ngày dài ghê”.

Cuộc sống gấp, điện thoại dồn dập đã rút ngắn đời người lại. Từ Thức khi nhập thiên thai rất ít nhận các loại thông tin nhiễu loạn nên ở trên tiên cảnh một năm bằng sống dưới trần gian cả trăm năm:

“Từ Thức khi nhập thiên thai

Không mang điện thoại ngày dài bằng năm”

Năm mới Kỷ Hợi này, có lẽ mỗi người cũng phải viết một bức thư tay, kèm theo tấm postcard, chạy ra Bờ Hồ bỏ vào thùng thư nhỉ. Gửi thì gửi được, nhưng nghĩ mãi chưa biết người nhận là ai?

Nhà thơ dân gian Bảo Sinh, tác giả của hàng ngàn bài thơ kiểu Hồ Xuân Hương mà chốn "giang hồ" ai cũng thuộc, còn là một cây viết tản văn có hạng. Tập "Bát phố" của ông được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội" năm 2014 chỉ là một vài mảnh ghép trong bức tranh "cực thực" về Hà Nội trong ký ức ông.

Nguyễn Bảo Sinh (nhà thơ dân gian)
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm