Lại bàn về Quốc phục, Lễ phục Nhà nước (Kỳ 2 & hết): Chuẩn hóa áo ngũ thân truyền thống

23/11/2020 19:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Để giữ gìn vẻ đẹp truyền thống của trang phục áo ngũ thân nam, trước khi có thể công nhận nó là Quốc phục rồi Lễ phục Nhà nước, thì trước tiên cần phải “chuẩn hóa” việc may, mặc bộ trang phục này.

Từ Quốc phục tới Lễ phục Nhà nước - Nên trang phục nào?

Từ Quốc phục tới Lễ phục Nhà nước - Nên trang phục nào?

Cuối tuần này, Ngày hội áo dài truyền thống Đình làng Việt sẽ diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ ngày 21 đến 22/11, với các nội dung như: Hội thảo trang phục áo dài truyền thống; giới thiệu, trải nghiệm và trình diễn bộ sưu tập áo dài ngũ thân... Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc khẳng định vị thế của áo dài nam truyền thống (hay còn gọi là áo ngũ thân nam).

Thực tế cho thấy có rất nhiều bất cập trong cách mặc trang phục được gắn nhãn “áo dài truyền thống” của đàn ông Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây và có xu hướng lan tỏa sang cả cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Trang phục được dán mác “truyền thống”

Cho đến thời điểm hiện tại, ngay cả vùng Kinh Bắc xưa, tôi cũng không tìm thấy nghệ nhân may nào còn khả năng may áo ngũ thân theo lối các cụ xưa nữa. Nhiều người dùng máy may công nghiệp, nên thay vì giữ đúng 5 thân áo như trước đây, giờ chỉ còn thân trước, thân sau và thân con to bằng bàn tay xòe cũn cỡn.

Trong khi đó, trên sân khấu, có một thực trạng đáng buồn là loại trang phục áo ngũ thân nam truyền thống đã bị biến tướng thành áo màu gì, khăn màu đấy, lòe loẹt cho hợp với không gian diễn xướng nhưng lại trở nên lố lăng, màu mè khi đưahình ảnh sân khấu ấy vào đời sống thực.

Trong một phân cảnh của vở kịch Nàng Hến tầm duyên của tác giả Vương Huyền Cơ (đạo diễn Lê Diễn), được diễn tối 7/1/2019, tại Nhà hát Kịch TP.HCM, hai người nam mặc “áo dài” màu trắng và màu vàng, chất liệu vải mỏng nên bị chảy nhão, ống tay áo thụng, áo màu gì, khăn màu đó. Thêm nữa áo được may sẵn, mặc chung, nên nó không “ăn nhập” với cơ thể diễn viên.

Còn các nhà thiết kế đi theo hướng thời trang, làm mất hẳn kiểu dáng và công năng sử dụng.

Chú thích ảnh
Áo dài của MC Mỹ Lan và Danh Tùng

Trong BST Đêm nguồn cội của NTK Việt Hùng tại Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 năm 2020, nhìn hình ảnh người mẫu nam mặc trên mình bộ trang phục “áo dài” với mấy đặc diểm dễ nhận thấy: Nối cầu vai và thêm một đường xẻ từ cổ tới nách theo kiểu raglan khiến cho vai bồng lên như mặc bộ complet, veston, làm mất đi nét đẹp kín đáo của người đàn ông Việt.

Còn trên thị trường, để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, những bộ trang phục giả danh, dán mác truyền thống được may sẵn theo số đo S, L, M, LX… với mức giá khoảng một vài trăm ngàn đồng/combo gồm: Khăn đóng, áo dài, bộ quần áo lót, xanh, đỏ, tím, vàng đủ cả. Người sử dụng có khi mặc áo dài truyền thống mà như trang phục của các ông đồ Nho xưa...

Trên truyền hình, MC Mỹ Lan và Danh Tùng cũng mặc áo dài khá lạ. Nếu nhìn kỹ chiếc áo dài mà MC Danh Tùng đang mặc sẽ thấy ngay phần cổ áo được cắt lượn hình trái tim, nối cầu vai và đường may raglan, thêm một đường khuy đính chìm bên phía tay phải để áo ôm bó vào cơ thể khiến nó giống hao hao với bộ trang phục của một số nước Nam Á như Ấn Độ, Pakistan.

Ngay cả một số vị quan chức ngoại giao mặc áo dài nam truyền thống cũng không thực sự đúng quy cách.

Trên đây là một vài hình ảnh, phản ánh chưa đầy đủ lối mặc trang phục được gắn nhãn “áo dài truyền thống” của đàn ông Việt trong khoảng 10 năm trở lại đây và có xu hướng lan rộng sang cả cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài.

Chuẩn hóa trang phục áo ngũ thân nam như thế nào?

Trước hết, cần may đúng: Áo ngũ thân, cổ đứng, tay chẽn, khuy cài là những điểm đặc trưng của bộ “quốc phục”.

Áo 5 thân: Áo được ghép lại bởi 5 thân áo, trong đó 2 tấm vải thân trước được ghép viền, nối sống ở giữa (đường trung phùng), theo trục tung từ cổ xuống tận gấu trước. 2 tấm vải sau cũng được may ghép tương tự tạo thành đường sống áo chạy dọc theo sống lưng đến tận gấu sau. 1 tấm thân vải nữa nằm ẩn bên trong phía tay phải người mặc.

Chú thích ảnh
Áo dài nam trong “Đêm nguồn cội”...

Cổ đứng: Cổ áo cao chừng 4cm, vuông cạnh, ôm vừa vặn lấy cổ.

Tay chẽn: Có 2 điểm lưu ý: 1.Điểm nối ống tay áo do khổ vải hẹp (xoay quanh chỗ khuỷu tay); 2.Ống tay được bóp thu hẹp dần đều đến cửa tay (áo chiết (chít)).

Khuy cài: Áo được đính bởi 5 khuy: 1 khuy được đính ở cổ (chỗ yết hầu), 1 khuy ở khoảng giữa xương đòn bả vai phải (tạo thành một đường khuy nằm ngang), 3 khuy nằm ở lườn phải từ nách xuống dưới eo cách đều nhau. Khuy được làm từ chất liệu đồng, vàng, bạc, mã não, sừng, xương, đá… nhưng không phải là khuy vải bện, khuy bấm.

Thêm nữa, áo gồm 5 tà xòe.Gấu áo được thiết kế theo kiểu “tiền cánh cung, hậu vành lược”, với nhiều kỹ thuật khâu may bằng tay tinh tế như “trong dán hồ, ngoài phô trứng rận”, kỹ thuật khâu đột đường ngả viền, luôn tà giấu đường chỉ khâu, nghệ thuật quấn, bện khuyết tựa hình “con cuốn chiếu đậu trên thân áo”…

Tiếp theo là yêu cầu đối với người sử dụng áo: Cần mặc đúng, tức là phải mặc cả “combo” bộ trang phục áo ngũ thân gồm một bộ áo cánh lót có cổ và quần ống sớ màu trắng, khăn đóng/khăn vấn màu đen và đôi giày Tây màu đen. Bộ quần áo lót được thiết kế sao cho thật vừa vặn với chiếc áo ngũ thân bên ngoài để khi mặc lên người phải lộ ra điểm lé trắng ở viền cổ, ở cửa tay và ở eo giống như những điểm nhấn khoe sự sạch sẽ, nền nã và nho nhã của đấng nam nhi.

Cũng rất đáng chú ý là thái độ của người mặc áo. Ông bà mình xưa kia, ý muốn nhằm tới thời mà bộ trang phục “quần chân áo chít - áo ngũ thân gài khuy” được mặc thịnh hành ở cả 2 miền Nam - Bắc, rất trọng “lễ” trong việc giao tế với xã hội bên ngoài. Có khách đến nhà chơi hay trước khi ra đường đã phải mặc quần áo chỉnh tề và phải vấn/quấn khăn cho đầu tóc gọn gàng. Trước là muốn chứng tỏ mình được sinh ra trong một gia đình có nền nếp, được giáo dục về cách “ăn, nói, gói, mở”. Sau là thể hiện thái độ lịch sự, nhã nhặn, kính trọng người khách đến chơi nhà.

Chú thích ảnh
Hai người nam mặc “áo dài” trong vở kịch "Nàng Hến tầm duyên"

Thêm nữa, vào dịp lễ, Tết và giỗ chạp, người dâng hương vận trên mình bộ “quốc phục” như vừa cho thấy được nét nghiêm cẩn, trịnh trọng và đoan chính, đôi bàn tay cầm nén hương cung kính cúi đầu, bày tỏ sự tưởng nhớ, tri ân đối với các bậc tiên liệt vừa như muốn khẳng định mình là con cháu của các cụ, là truyền thống, là sự kế thừa, tiếp nối đến vô tận và tự thầm hứa rằng mình phải sống sao cho xứng đáng với những gì Tiên tổ mình đã gây dựng và vun bồi.

Đặc biệt, trước khi mặc áo ngũ thân nam truyền thống mình còn có thể ăn nói, cười đùa cợt nhả, hoặc làm những hành động khiếm nhã nhưng khi đã vận lên mình bộ “quốc phục” này thì miệng phải cười tươi như hoa, lời nói phải nhu hòa đoan chính, đi lại phải khoan thai đĩnh đạc, hành động phải chuẩn mực lễ nghi. Tự mình không cho phép có những hành động xằng bậy hoặc suy nghĩ ác hiểm nhằm đoạt danh đoạt lợi. Lòng cứ phải dằn lòng rằng đã trót mặc bộ trang phục trang trọng này thì phải làm sao cho “y phục xứng với kỳ đức” mới tỏ là người có văn hóa, văn minh lịch sự.

Cần chú ý, chiếc áo ngũ thân này có 5 đường tà xòe rộng (điểm cuối của tà áo giao với đường gấu áo, với độ rộng trung bình của 2 thân áo ghép lại từ 78 đến 95cm, tùy phong cách Bắc - Nam và khổ người) không phải là không có lý đâu. Khi ngồi, 2 chân dang rộng bằng vai, phủ 2 thân (vạt) áo trước che đều 2 dóng chân; phần nào trên cơ thể (tính từ hông trở xuống), còn bị lộ ra thì người mặc áo dùng thân áo con (thân thứ 5) che lại.

Trước khi ngồi, 2 thân áo sau cũng được người mặc làm một động tác vén lên, tránh để mông ngồi xuống làm nhăn vạt áo khi đứng dậy. Nhìn sẽ khó coi bởi sự nhàu nhĩ. Thái độ chăm chút chiếc áo như vậy sẽ khiến cho người đối diện cũng phải có thái độ nghiêm cẩn tương ứng trong giao tế.

Dù chiếc áo ngũ thân mình đang vận trên người là rẻ tiền hay đắt tiền thì khi cởi đồ ra, cũng bằng những động tác cẩn thận tương tự, người mặc gấp lại sao cho vuông vức, tránh vo viên, hoặc khiến cổ áo “lập/thụ lĩnh” bị cong vênh, sẽ làm xấu hình ảnh cho lần mặc sau. Bởi không giống các loại áo truyền thống khác như áo tứ thân, áo giao lĩnh… chiếc cổ áo với đường lé trắng (áo lót trắng bên trong) cộng hưởng với nhau làm tôn lên cho người đàn ông thêm lịch lãm, nho nhã và sạch tinh tươm.

Cuối cùng, người nam giới mặc bộ “quốc phục” này còn phải đảm nhận trách nhiệm “giữ hồn cho nước”, nghĩa là giữ cái phong thái uy nghi, cái chuẩn mực của một quốc gia có bề dày truyền thống, có đạo và có đức hẳn hoi. Đạo là đạo thờ cúng Tổ tiên, đạo “uống nước nhớ nguồn”, đạo biết tri ân với những người có công với quốc gia dân tộc, với quê hương mình. Đức là đức độ, là sự khiêm cung, sự hòa ái và yêu thương của thế hệ cha ông chúng ta. Nếu ai đã từng ngắm hoặc sờ tận tay bộ trang phục áo ngũ thân này sẽ tìm thấy sự cộng cảm, bởi cái gì sang quý, tinh hoa và sặc sỡ phải nằm ẩn ở bên trong như chính chiếc áo kép (chiếc áo ngũ thân được ghép từ 2 mảnh vải khác tông màu và chất liệu) mà Trung tâm Bảo tàng di tích cố đô Huế còn đang gìn giữ.

Với những tiêu chí đã nêu, cuộc thử nghiệm của các hội, nhóm phục dựng cổ phục trong đó có Câu lạc bộ Đình Làng Việt trong suốt vài năm vừa qua đã đạt được những thành quả khả quan. Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị Nhà nước đi đầu trong việc mặc áo ngũ thân truyền thống đến công sở, dự lễ chào cờ và bàn giao công việc vào thứ Hai đầu tháng; Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mặc bộ “quốc phục” tiếp đại sứ Australia tại Việt Nam; thầy giáo mặc bộ “áo the, khăn xếp” đứng trước bục giảng… là những dẫn chứng sinh động để cùng quyết tâm “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam” trên con đường hội nhập quốc tế thông qua sắc phục riêng.

Nhà nghiên cứu Đinh Hồng Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm