Kính biệt nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Người xa khuất, tác phẩm còn ngân mãi

24/03/2022 08:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của những kịch bản nổi tiếng Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông… đã gửi lại cõi tạm tuổi 90 (1932 -2022) vào lúc 4 giờ 50 phút sáng 20/3. Lễ viếng sẽ diễn ra từ 7h30 ngày mai, 25/3 tại Nhà tang lễ số 5 – Trần Thánh Tông, Hà Nội; an táng tại quê nhà.

Hoàng Tích Chỉ - Đến các chiến trường để viết kịch bản phim

Hoàng Tích Chỉ - Đến các chiến trường để viết kịch bản phim

Sau khi về Phù Lưu - Chợ Giàu dự Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, tôi hẹn người bạn cùng quê Bắc Ninh ở Bộ VH,TT&DL đến thăm nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - em trai cụ Hoàng Tích Linh. Cả nhà vui lắm khi thấy chúng tôi đến thăm.

Người nghệ sĩ dù phiêu du “miền mây trắng”, nhưng sẽ luôn hiện hữu trong những người đang sống một cuộc đời khác, bởi những kịch bản phim nổi tiếng của ông còn mãi với thời gian, ghi dấu ấn của tác phẩm điện ảnh kinh điển giàu tính sử thi trong nền điện ảnh nước nhà...

Hoàng Tích Chỉ sinh ngày 01/9/1932 trong gia đình Nho học có truyền thống yêu nước tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Một trong những người viết kịch bản đầu tiên của điện ảnh Việt Nam

Năm 7 tuổi, mẹ mất, cậu bé Hoàng Tích Chỉ mới được cha đón về nuôi bên làng Phù Lưu. Cụ Hoàng Tích Phụng thương con và rất nghiêm khắc trong dạy dỗ. Nhưng năm 8 tuổi cha mất, ông lại một lần nữa mồ côi. Từ đó, Hoàng Tích Chỉ sớm nếm trải một tuổi thơ vô cùng cơ cực, vất vả, sớm phải tự lập, sớm phải ra những quyết định cho bản thân, sớm phải vượt lên nghịch cảnh. Cách mạng tháng Tám thành công là cơ hội để ông quyết định rời làng quê đến với cách mạng.

Chú thích ảnh
Các con đưa cha Hoàng Tích Chỉ về thăm nhà thờ họ Hoàng ở Phù Lưu - Chợ Giàu (TP Từ Sơn, Bắc Ninh)

“Tôi là con út, mồ côi cha mẹ sớm, 13 tuổi làm trinh sát Ty Liêm phóng (công an) tỉnh Bắc Giang. 15 tuổi tôi đã cầm súng đối mặt với các thế lực thù địch sừng sỏ như tướng phỉ, tình báo đặc nhiệm; 16 tuổi trở thành Đội trưởng Đội Điệp báo”, ông kể. “Tôi được rèn giũa tính kỷ luật, khiêm nhường, sống trong cái nôi tình nghĩa của đồng đội, đồng bào. Truyền thống văn hóa của gia đình, dòng tộc là bệ đỡ, nền móng cho tôi vượt khó vươn lên”.

Cơ duyên đến bắt đầu khi ông vào học lớp biên kịch điện ảnh cùng những người bạn khóa I Trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội), như: Hải Ninh, Hồng Sến, Huy Thành, Trà Giang, Tuệ Minh, Phi Nga… Năm 1964, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng biên tập (Hãng Phim truyện Việt Nam). Từ năm 1989, ông giữ chức Giám đốc Hãng Phim truyện I cho đến khi nghỉ hưu năm 1996.

Chú thích ảnh

Cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Hoàng Tích Chỉ gắn với kịch bản phim kể từ đây. Ông là một trong những người viết kịch bản đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, với: Trên vĩ tuyến 17 (1965), Biển gọi (1967), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972, từ Bão tuyến), Em bé Hà Nội (1974), Thành phố lúc rạng đông (1975), Mối tình đầu (1977), Đất mẹ (1980), Đứa con người hàng xóm, Cuộc chia tay mùa hạ, Mắt bão dựng thành phim Tọa độ chết (hợp tác với Liên Xô, 1985); Dòng sông khát vọng; SBC (từ tiểu thuyết Tướng cướp hoàn lương); Bông hoa rừng Sác (từ tiểu thuyết Bóng ma rừng Sác); Người đàn bà bị săn đuổi… Bên cạnh đó là các phim tài liệu: Đi tìm người chiến sĩ đặc công rừng Sác, Nguyên Hồng - đôi dòng ký ức, Nhà văn Kim Lân, Văn Cao…

“Cặp bài trùng” Hoàng Tích Chỉ - Nguyễn Hải Ninh

Trong số nhiều kịch bản trên, tên tuổi nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ gắn với một số bộ phim kinh điển mang tính sử thi, như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Thành phố lúc rạng đông, Mối tình đầu, Đất mẹ. Thành công cho những tác phẩm kinh điển ấy là sự “cộng hưởng”, phối hợp ăn ý giữa hai nghệ sĩ gạo cội của nền điển ảnh nước nhà: Hoàng Tích Chỉ và Nguyễn Hải Ninh.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cho chia sẻ những bộ phim hợp tác với đạo diễn Hải Ninh là cơ duyên của gặp gỡ và tri âm. Còn đạo diễn Hải Ninh thì cho rằng “việc hợp tác với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ là sự hợp tác lý tưởng trong sáng tác giữa biên kịch và đạo diễn. Sự nghiệp của chúng tôi “dính liền” với nhau qua nhiều tác phẩm, đều là tác phẩm mang lại thành công cho cả hai người”.

Chú thích ảnh
Cảnh trong phim “Em bé Hà Nội” do Hoàng Tích Chỉ viết kịch bản

Những bộ phim ghi dấu ấn tài năng, tâm huyết đưa tên tuổi của cặp nghệ sĩ vào lịch sử nền điện ảnh nước nhà như một dấu ấn vàng son. Trước hết, hai nhà biên kịch và đạo diễn luôn gặp nhau ở những vấn đề lớn có tính thời khắc lịch sử của đất nước. Có được điều này bởi sự tương hợp cả về cảm xúc và tri thức. Sau Trên vĩ tuyến 17, kịch bản phim của ông sau chuyến đi thực tế sáng tác tại Cửa Tùng do nghệ sĩ Lý Thái Bảo đạo diễn, hai nghệ sĩ Hoàng Tích Chỉ và Nguyễn Hải Ninh tiếp tục đẩy đề tài đấu tranh chống Mỹ trên vĩ tuyến 17 lớn hơn và quy mô hơn. Sự kiện của phim từ những năm đầu hòa bình lập lại (1954) đến năm 1968 khi cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam bị thất bại. Theo đó, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm là bộ phim truyện nhựa có quy mô 2 tập đầu tiên của phim truyện Việt Nam. Cùng chung ý tưởng này, năm 1965, hai nghệ sĩ đã rong ruổi trên chiếc xe đạp vào tuyến lửa. Hai ông cùng có mặt ở “chảo lửa” Vĩnh Linh; được nghe cuộc đời đau thương, anh dũng của một phụ nữ Quảng Trị và sau đó gặp nguyên mẫu đã tạo nên những ám ảnh không dứt. Trong cảm xúc đó, Hoàng Tích Chỉ đã đưa hình tượng người phụ nữ Quảng Trị vào kịch bản Bão tuyến và thăng hoa trong nhân vật Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.

Phải mất 5 năm với nhiều lần đạp xe từ Hà Nội và Vĩnh Linh, Quảng Trị, hai nghệ sĩ Hoàng Tích Chỉ và Hải Ninh mới hoàn thành kịch bản phim.

Bộ phim thu hút dàn diễn viên gạo cội, như: Trà Giang, Lâm Tới, Hồ Thái, Phi Nga… Ngoài nhân vật Dịu - nhân vật trung tâm của phim, điển hình cho hình tượng người phụ nữ miền Nam kiên trung, bất khuất, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh còn xây dựng thành công hình tượng Trần Sùng - nhân vật kẻ thù lần đầu tiên được xây dựng thành công… Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó diễn viên Trà Giang đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Moskva, 1973.

Chú thích ảnh
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ biên kịch thứ nhất phim “Mối tình đầu”

Tình cờ, đạo diễn Hải Ninh đọc được mẩu báo viết về một chị công nhân dũng cảm cứu những đứa bé trong nhà trẻ, nhưng chính con mình bị bom sát hại. Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ nghe nghệ sĩ Tuệ Minh kể đứa con nhỏ xách cây đàn đi bộ từ Yên Viên về Hà Nội tìm mẹ dưới vệt B52… Chi tiết thật ấn tượng và ám ảnh. Hai nghệ sĩ tâm đắc cùng bàn nhau xây dựng kịch bản phim. Trong suốt 3 đêm trắng, cùng sự trợ giúp của đạo diễn Hải Ninh và Vương Đan Hoàn, Hoàng Tích Chỉ đã hoàn thành kịch bản Em bé Hà Nội. Từ câu chuyện em bé Hà Nội phản ánh trận “Điện Biên Phủ trên không” là một cách sáng tạo của “cặp bài trùng” biên kịch và đạo diễn.

Sự cộng hưởng đầy tâm huyết, trách nhiệm của cặp tác giả kịch bản, đạo diễn còn tiếp tục với bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông, Mối tình đầu Đất mẹ.

Ngày 30/4/1975, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ cùng các nghệ sĩ của Xưởng phim truyện Việt Nam đã theo đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, có mặt tại Dinh Độc Lập. Những nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã gấp rút hoàn thành bộ phim tài liệu Thành phố lúc rạng đông về chiến thắng mùa Xuân năm 1975. Bộ phim do nhà biên kịch: Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn: Hải Ninh, quay phim: Trần Khánh Dư, Trần Trung Nhàn thực hiện. Và, trong năm 1975, bộ phim đã đoạt hai giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.

Một lần nữa, tài năng, tâm huyết của Hoàng Tích Chỉ - Hải Ninh tiếp tục tỏa sáng trong việc lựa chọn những vấn đề nóng hổi tính thời sự của đất nước.

Suốt cuộc đời cầm bút, nhà biên kịch vẫn trăn trở: “Kịch bản văn học điện ảnh một nghệ thuật tổng hợp. Tôi luôn mơ ước có được thời gian viết tác phẩm văn học, xong chỉ là mơ ước. Tuổi cao, sức khỏe, bệnh tật, nhưng với lòng yêu nghề, nhớ nghề tôi vẫn ấp ủ, cố hoàn thành kịch bản văn học phim truyện Takaro văn hóa phù dung - Thượng thư và Đào nương…

Tác phẩm và giải thưởng của Hoàng Tích Chỉ

- Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973) Bông sen bạc LHP Việt Nam 1975; Giải thưởng của Hội đồng hòa bình thế giới; Giải thưởng của Đoàn thanh niên Kômxômôn năm 1973; giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất dành cho diễn viên Trà Giang tại LHP Quốc tế Moskva năm 1973.

 - Biển gọi (1967) Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ nhất (1970).

 - Em bé Hà Nội (1974) Bông sen Vàng LHP Việt Nam lần thứ III (1975), giải Đặc biệt của Ban Giám khảo ở LHP Quốc tế Moskva (1975), Giải thưởng của Mặt trận giải phóng Palestine tại LHP Quốc tế Syria

- Thành phố lúc rạng đông (1975) Giải Bồ câu Vàng đặc biệt, LHP Lai Xích - CHDC Đức; Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam lần thứ III (1975).

- Mối tình đầu (1977) Bông sen Bạc LHP Việt Nam lần thứ V (1980), Giải Chiếc thuyền Bạc LHP Hiện thực mới tại Italia, 1981

- Đất mẹ (1980) Bằng khen của Ban Giám khảo LHP Việt Nam lần thứ VI – 1983.

Hoàng Tích Chỉ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm gồm: Trên vĩ tuyến 17 (Kịch bản phim truyện), Biển gọi (Kịch bản phim truyện), Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (Biên kịch thứ nhất phim truyện), Em bé Hà Nội (Biên kịch thứ nhất phim truyện), Mối tình đầu (Biên kịch thứ nhất phim truyện), Thành phố lúc rạng đông (Biên kịch thứ nhất phim tài liệu).

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm