Khảo cứu 'Tranh tường Khmer Nam bộ': 10 năm cho một cuốn sách

15/10/2020 19:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn khảo cứu Tranh tường Khmer Nam bộ (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Huỳnh Thanh Bình gần như lần đầu tiên chạm ngõ một địa hạt tiêu biểu, thú vị. Tuy chủ đề khá chuyên sâu, nhưng cách viết lại gần gũi với nhiều đối tượng độc giả, đây là một điểm mạnh của cuốn sách.

Hai bức tranh tường tại Chợ Mơ, Hà Nội: Không chỉ là tranh cổ động…

Hai bức tranh tường tại Chợ Mơ, Hà Nội: Không chỉ là tranh cổ động…

Phải tới tuần qua, những lo lắng về số phận 2 bức tranh tường tại chợ Mơ mới tạm được dẹp yên - khi Sở VH,TT Hà Nội khẳng định rằng chúng sẽ được di dời nguyên trạng ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày.

Sách in màu, khổ 21cm x 25cm, dày hơn 180 trang, phác họa tương đối về diện mạo của tranh tường Khmer Nam bộ. Nam bộ có khoảng 600 chùa Khmer, nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình đã trực tiếp đến thăm viếng hơn 50% trong số này, nên tư liệu nghiên cứu khá phong phú, cập nhật.

10 năm cho một cuốn sách

Huỳnh Thanh Bình cho biết cách đây hơn 10 năm, trong chuyến du lịch Sóc Trăng, khi đến viếng các chùa Khmer, chị đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của kiến trúc và mỹ thuật chùa tháp. Và một trong những điều làm chị choáng ngợp là do không biết những tác phẩm phù điêu, điêu khắc và hội họa này có ý nghĩa như thế nào. Ngay sau chuyến đi đó, chị bắt đầu nghiên cứu về nghệ thuật Khmer, trong đó có tranh kiếng và tranh tường.

Chú thích ảnh
Cuốn khảo cứu “Tranh tường Khmer Nam bộ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Huỳnh Thanh Bình

“Trong nỗ lực nghiên cứu các dòng tranh kiếng Nam bộ nói chung, tôi dần dần tìm hiểu thêm nội dung một số bức tranh tường ở chùa tháp Khmer. Càng tìm hiểu, tôi càng bị lôi cuốn, chúng bí ẩn, sâu sắc hơi vẻ sặc sỡ bên ngoài” - Huỳnh Thanh Bình cho biết - “Thế là tôi bắt đầu việc tìm hiểu tranh tường Khmer một cách có hệ thống, đặt trong tổng quan nền văn hóa Khmer trên thế giới. Tôi đi từ Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, rồi Trà Vinh, Kiên Giang… Không vội vàng, cứ thong thả tìm hiểu, ghi chép, đối chiếu, khi rõ ràng rồi mới viết”.

Với Huỳnh Thanh Bình, điều khó khăn là các tích truyện và những tình tiết của nó được thể hiện trên tranh tường. Nó là dòng chảy của văn minh Khmer được cô đọng lại, nắm bắt sơ lược thì dễ, tường tận không đơn giản. Đầu tiên, Huỳnh Thanh Bình phỏng vấn các vị sư, các ông bà lão ở địa phương, kế đó là dò hỏi các nghệ nhân và quan trọng là tìm kiếm tài liệu, kinh sách liên quan. Đặc biệt là phải đọc kỹ bộ truyện tiền thân của đức Phật/Jataka và tham khảo các tích truyện trong kinh tạng Pali/Nikaya.

Chú thích ảnh
Tranh tường trên trần sala/nhà hội chùa Chưn Num (Tà Pạ), Tri Tôn, An Giang

Bên cạnh khó khăn, Huỳnh Thanh Bình kể rằng cũng có nhiều thuận lợi, vì các sư và nghệ nhân chỉ dẫn rất nhiệt tình. Ở đâu chị cũng có được những cuộc trò chuyện ân cần và tình cảm, sự trợ giúp kịp thời. Điều này là động lực lớn khiến chị thêm ham thích và trách nhiệm hơn trong việc nghiên cứu.

Nét độc đáo riêng của Nam bộ

Câu hỏi được đặt ra là tranh tường Khmer có vị trí như thế nào trong chỉnh thể chung của văn hóa Nam bộ?

Chú thích ảnh
Chánh điện chùa Ba Chóp, Vĩnh Châu, Sóc Trăng

Có thể trả lời ngay rằng đây là một nét độc đáo riêng của Nam bộ. Có thể nói tranh tường Khmer là một tập đại thành của mỹ thuật Khmer nói chung và của mỹ thuật Phật giáo Nam truyền Khmer nói riêng. Đây là loại hình mỹ thuật rất hiếm gặp trong chùa chiền của người Việt và người Hoa ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Còn xét trong chính truyền thống hội họa Khmer, tranh tường phong phú hơn về số lượng, đề tài, nội dung, nếu so với tranh kiếng, tranh cuộn vẽ trên vải preah bot, tranh dân gian vẽ trên giấy kờrăng, tranh minh họa trong sách chép tay… Chính vì vậy, việc nghiên cứu tường tận về tranh tường không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về bản sắc, nguồn cội tâm linh và triết lý của một cộng đồng dân tộc có hơn 1 triệu người sống ở Nam bộ. Nghiên cứu còn là công cụ bổ trợ cho chính con em người Khmer ở hiện tại và tương lai, nơi bối cảnh sống thay đổi nhanh chóng, không phải ai cũng còn đủ am tường về văn hóa và chữ Khmer để gìn giữ hoặc tìm về truyền thống của chính mình.

Chú thích ảnh
Đánh bại Ma Vương (Mara), chánh điện chùa Seray Kandal, Vĩnh Châu, Sóc Trăng

Tranh tường Khmer chắc hẳn có bắt nguồn từ truyền thống mỹ thuật Phật giáo Nam truyền. Do đó, mà có nhiều điểm tương đồng với mỹ thuật Phật giáo ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Sri Lanka… Bước đầu tìm hiểu một cách căn bản tranh tường Khmer ở Nam bộ sẽ mở ra một cánh cửa rộng lớn hơn, quốc tế hơn.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm