John Lennon từng bị Chính quyền Nixon coi là 'phần tử cực kỳ nguy hiểm'

05/09/2016 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Luật sư Leon Wildes vừa phát hành cuốn sách mới, mang tựa đề John Lennon vs. The U.S.A: The Inside Story of the Most Bitterly Contested Deportation Case in U.S, trong đó viết John Lennon gần như đã bị Chính phủ Mỹ trục xuất và cố gắng làm cho cuộc sống của thành viên trụ cột nhóm Beatles như địa ngục.

Wildes từng là đại diện của Lennon trong quá trình nhập cư. Ông giải thích, thực chất cuộc chiến  của chính quyền Tổng thống Nixon nhằm trục xuất Lennon là bởi lo ngại sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ tới người trẻ trong cuộc bầu cử hồi năm 1972. Tuy nhiên, họ không tìm được bất cứ cái cớ nào ngoài việc lôi ra tội cũ từ hồi ông ở Anh là tàng trữ cần sa.

Wildes khẳng định, ông chưa bao giờ thấy “Chính phủ quyết tâm đến như vậy khi muốn loại bỏ bất cứ ai ra khỏi Mỹ”.


Bìa cuốn sách "John Lennon vs. The U.S.A: The Inside Story of the Most Bitterly Contested Deportation Case in U.S"

Lennon có tác động cực lớn tới cử tri ở độ tuổi 18-20. Các điệp vụ liên bang và FBI lo ngại Lennon sẽ tới Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) ở Miami năm đó và cảnh báo, Lennon và vợ, nghệ sĩ cấp tiến Yoko Ono, sẽ bị bắt nếu tới đây với cáo buộc “di chuyển giữa các bang với âm mưu kích động một cuộc nổi loạn”.

Đến giờ vẫn chưa rõ vợ chồng Lennon có kế hoạch tham dự RNC hay không, nhưng thời điểm đó họ đã tham gia chính trị rất sôi nổi. Cặp đôi này chuyển từ London (Anh) tới Greenwich Village (Mỹ) với visa tạm thời sau khi Lennon bị bắt vì tội danh liên quan đến ma túy.

Họ đã tham dự một cuộc biểu tình vì John Sinclair, nhà quản lý ban nhạc MC5, người đã bị kết án 10 năm tù với tội danh bán cần sa, nhưng thực tế Sinclair là người đồng sáng lập White Panther, một đảng phái chính trị mang tinh thần phản chiến, chống phân biệt chủng tộc. Trước 15.000 người, Lennon đã trình diễn ca khúc John Sinclair và thúc giục họ hãy tham gia. Kết quả là cuối tuần đó Sinclair đã được tự do, sau 2 năm ngồi tù. 


Vợ chồng John Lennon & Yoko Ono mang tinh thần phản chiến rất mạnh mẽ

Và sự ảnh hưởng đó đã khiến Chính phủ lo ngại. Nghị sĩ Nam Carolina, Strom Thurmond hết sức lo lắng và cảnh báo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Mitchell, người giám sát Cục Xuất nhập cảnh và Nhập tịch, rằng sức ảnh hưởng mới của Lennon cực kỳ nguy hiểm.

Nhiều ngày sau, visa của Lennon đã bị thu hồi với lý do liên quan tội danh ma túy của ôn trước đó. Thời điểm ấy, Wildes đã trở thành luật sư về vấn đề di trú của Lennon.  

Wildes viết, họ đã đấu tranh để giữ Lennon ở Mỹ, song “Chính quyền Nixon đã làm cho cuộc sống của John Lennon và Yoko Ono trở nên không thể chịu đựng nổi”.

Leon Wildes (phải) và John Lennon

Sau đó, Wildes xin gia hạn visa cho cặp đôi này thêm 6 tháng, nhưng chỉ được cấp 1 tháng. Cuộc điều tra kéo dài 4 năm bắt đầu phá hỏng cuộc hôn nhân của Lennon và Ono. Thời gian đó, Lennon say xỉn trong suốt 18 tháng ở Los Angeles.  Cuối cùng, Lennon và Ono đã được phép định cư ở Mỹ. Nixon phải rời Nhà Trắng và Lennon đã được tự do sống ở New York City yêu thích của mình.

Lennon đã đóng vai trò tích cực nhằm thuyết phục mọi người phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam bằng cách làm rất nhiều việc và đã tạo được sự ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn, nửa triệu người đã tham gia Vietnam Moratorium Day lần thứ 2 và tất cả đều hát to (ở mức có thể) Give Peace a Chance của Lennon, ca khúc phản chiến rất nổi tiếng.

Tuấn Vĩ
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm