Huỳnh Phan Anh - suốt đời đi tìm văn chương mới

19/01/2021 19:37 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tập sách biên khảo Huỳnh Phan Anh - Đi tìm tác phẩm văn chương và kinh nghiệm hư vô (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của nhiều tác giả vừa phát hành sau hơn 4 tháng kể từ ngày nhà phê bình - dịch giả tài hoa Huỳnh Phan Anh (3/3/1940 - 31/8/2020) vĩnh biệt cõi trần.

Nhà văn Vũ Thành Sơn: 'Văn chương cho tôi được sống tận cùng những khả thể của mình'

Nhà văn Vũ Thành Sơn: 'Văn chương cho tôi được sống tận cùng những khả thể của mình'

Tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây (NXB Phụ nữ Việt Nam) vừa phát hành của Vũ Thành Sơn là một cuộc truy vấn về một chủ đề muôn thuở, nhưng không bao giờ cũ: Trạng thái xa lạ trong huyết thống. Vào lúc 10h ngày 9/1 tại Chiêu Cafe Sách (377 Hoàng Sa, TP.HCM) đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết này với báo giới và bạn đọc.

Sách dày gần 270 trang, chia làm 2 phần, phần 1 là trích tuyển những bài do Huỳnh Phan Anh viết, phần 2 là các bài viết về Huỳnh Phan Anh của Yves Bonnefoy, Ý Nhi, Bích Ngân, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Linh, Lê Văn Nghĩa…

Một nhân vật đa dạng

Huỳnh Phan Anh có tên trong giấy tờ là Huỳnh Thanh Tâm, sinh ra tại Bình Dương, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt, giảng dạy triết học tại miền Nam trước 1975. Sự nghiệp của ông gắn liền với hoạt động dịch thuật, sáng tác và phổ biến tác phẩm văn chương, triết học từ các nước đến với người đọc Việt Nam. Nổi tiếng với các tác phẩm Văn chương và kinh nghiệm hư vô (1968), Đi tìm tác phẩm văn chương (1972)…

Sau năm 1975, Huỳnh Phan Anh sống tại TP.HCM, hành nghề dịch thuật và sáng tác. Tập tiểu luận - phê bình Không gian và khoảnh khắc văn chương (NXB Hội Nhà văn, 1999) được văn giới đón nhận tốt.

Tập sách Huỳnh Phan Anh - Đi tìm tác phẩm văn chương và kinh nghiệm hư vô do Vũ Trọng Quang và bạn bè thực hiện lần này muốn giới thiệu cho bạn đọc một cái nhìn khái quát về một nhân vật đa dạng. Ông đã để lại giá trị và dấu ấn văn chương ở sáng tác, viết báo, dịch thuật, phê bình, nghiên cứu…

Chú thích ảnh
Nhà phê bình - dịch giả Huỳnh Phan Anh

Các tác phẩm dịch thuật nổi tiếng nhất của ông có Một mùa địa ngục (dịch thơ Arthur Rimbaud), Tuyển thơ tình yêu (Paul Eluard), Thơ Yves Bonnefoy, Chuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway), Tình yêu bên vực thẳm (Erich Maria Remarque)… Ông cũng thường viết các tiểu luận về tác phẩm và tác giả mà mình chọn dịch. Từ năm 2002, ông sang Mỹ định cư cùng gia đình, rồi qua đời tại đây, thọ 81 tuổi. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Đáng tiếc, phần 2 tập sách này hơi nặng phần hồi tưởng, kỷ niệm, còn ít bài phân tích sâu về học thuật, về hành trình văn chương, thích tiểu thuyết mới của Huỳnh Phan Anh, nhất là thời kỳ ông tham gia các nhóm Đêm trắng, Tân tiểu thuyết. Các tập tiểu luận - phê bình giá trị như Đi tìm tác phẩm văn chương, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, các tập tiểu thuyết, truyện ngắn tiêu biểu như Người đồng hành, Những ngày mưa, Ngọn lửa đìu hiu, Phía ngoài… xứng đáng với những nghiên cứu chuyên sâu.

Nhà văn Vũ Thành Sơn viết trên trang cá nhân: “Trong số di cảo của Huỳnh Phan Anh được sưu tập và ấn hành lần này, tôi chỉ muốn tìm đọc mỗi cái truyện Những ngày mưa. Đó là một cái novella đặc biệt, sáng tác năm 1970, với một bút pháp có thể nói còn khá mới mẻ đối với Việt Nam giai đoạn đó”.

Có thể nói trong hành trình văn chương đa dạng của mình, Huỳnh Phan Anh đã dành phần lớn công phu cho văn chương mới nói chung, trong đó có tân tiểu thuyết mới, truyện vừa - tiểu thuyết ngắn (novella), thơ xuôi…

Sống trọn vẹn với niềm đam mê

Huỳnh Phan Anh là một đàn anh, một nhà văn đáng nể với nhiều người thuộc lớp thế hệ viết văn sau năm 1975. Khi được hỏi ở nước ngoài ông có theo dõi văn học trong nước không? Ông trả lời: “Thành thực mà nói tôi đọc không nhiều. Đó là thiếu sót lớn nhất của tôi. Nhưng qua những gì tôi biết, tôi vẫn cảm thấy những cây bút trẻ đã thổi một luồng không khí mới vào đời sống văn học Việt Nam. Những người trẻ viết ít run tay và rất trong sáng. Tôi vẫn nhớ những tên tuổi như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Triều Hải. Đọc Bảo Ninh tôi rất thích. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh anh ấy viết như một công trình văn chương, chứ không phải một sơ đồ tư tưởng”.

Chú thích ảnh
Tập sách biên khảo “Huỳnh Phan Anh - Đi tìm tác phẩm văn chương và kinh nghiệm hư vô”

Huỳnh Phan Anh làm thơ không nhiều, nhưng tự do và tinh tế, nhiều độc giả vẫn nhớ. “… Đã là một chân trời khác/ Phải chăng khi ta chạm tới/ Cái đẹp đã thành tro than…/ Trong lá khô/ Cây thời gian màu trắng” (trong bài Câu thơ và con đường) là một ví dụ. Nhớ về ông, tôi luôn hình dung lại cái dáng gầy gầy thân thương của ông, đổ bóng xuống lề đường trong những đêm lang thang cùng cánh viết trẻ khắp các quán xá.

“Ba đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, trọn vẹn với niềm đam mê của mình, cống hiến cho văn chương. Bên cạnh ba luôn có mọi người thương yêu, quan tâm và ủng hộ bằng tất cả tấm lòng. Ba như là trung tâm điểm của gia đình, dù là với chị, em, vợ, con hoặc các cháu. Tôi luôn biết ơn vợ sau của ba. Cô luôn đồng hành và lo lắng cho ba đến giây phút cuối cùng…” - Huỳnh Thanh Tuyền (con gái của ông) viết.

Trần Hữu Dũng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm