Họa sĩ Trần Trung Tín: Một bi kịch lạc quan

31/10/2013 16:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vốn là một diễn viên, một nhà thơ bị “tước quyền” sáng tác trước khi trở thành họa sĩ tự tập vẽ, Trần Trung Tín vẫn giữ được tâm hồn lạc quan trong bi kịch lớn của đời mình. Triển lãm Bi kịch lạc quan nhân sinh nhật lần thứ 80 và nhân 5 năm ngày mất đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), giới thiệu những tác phẩm còn sót lại của ông.

Trần Trung Tín sinh ngày 18/10/1933 tại Chợ Lách, Bến Tre, mất ngày 15/8/2008 tại TP.HCM. Ông vào chiến khu chống Pháp khi mới 12 tuổi, chiến đấu tại mặt trận Campuchia. Năm 1954, ông tập kết ra Hà Nội và được tuyển thẳng vào Trường Điện ảnh Việt Nam khóa đầu tiên, trở thành diễn viên, phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam, và phó đạo diễn điện ảnh. Năm 1969 tự tập vẽ, từ đó đến khi trở lại Sài Gòn - TP.HCM vào tháng 9/1975, ông đã vẽ hàng trăm tác phẩm dưới một căn hầm 4 mét vuông ở khu tập thể số 6 Nguyễn Biểu, ngay góc đường Quán Thánh, Hà Nội. Từ năm 1976 ông đã xin đứng ngoài mọi tổ chức của Nhà nước, sống đời họa sĩ lận đận và trầm lặng. Tác phẩm đầu tiên mà ông bán được là Bi kịch lạc quan, vẽ trên giấy ảnh, vốn do một người Pháp mua, sau này tặng lại cho gia đình ông.

Triển lãm đầu tiên của ông diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP.HCM năm 1989 và tại Hà Nội năm 1994. Nhiều triển lãm tiếp theo của ông diễn ra ở Mỹ, Pháp, Anh, Thái Lan, Singapore, Nhật...; tác phẩm được Bảo tàng Singapore, Bảo tàng Anh và nhiều tổ chức, cá nhân khác sưu tập, ca ngợi. Tờ báo uy tín The Independent nhận định ông là “nghệ sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam”. Còn họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân từng viết: “Tín là món quà quý giá mà Thượng đế đã ban tặng cho mỹ thuật Việt Nam”.


Họa sĩ Trần Trung Tín thời làm diễn viên. Ảnh tư liệu

Trái tim tôi không phải quả táo Tàu

Vì một bài thơ có những câu kiểu như: “Trái tim tôi không phải quả táo Tàu/ Không thể dùng dao cắt chia ba phần to nhỏ” mà ông gặp vô số lận đận. “Do luôn thẳng thắn bày tỏ và bảo vệ quan điểm của mình, ông bị kiểm thảo liên miên. Dù không bị quản thúc, nhưng ông đã từng bị cách ly để suy nghĩ và thay đổi quan điểm, ông đã không thay đổi và vẫn bảo lưu ý kiến của mình. Vì Trần Trung Tín không tham ô, không hủ hóa, không sống buông thả, trụy lạc, nên không có lý do gì để cho Trung Tín một cái tội, cuối cùng họ cứ bảo ông bị điên, thế là xong chuyện”, vợ ông, bà Huỳnh Nga cho biết.

Mà không chỉ có cơ quan chủ quản ghép tội điên cho ông, nhiều bạn bè đồng nghiệp cũng nghĩ vậy, nên đa phần xa lánh. Riêng việc vẽ tranh thì có rất ít người tôn trọng công việc riêng tư này của ông, nên mở miệng là có thể nói: “Ôi dào, nó điên vẽ bậy bạ ấy mà, hơi đâu mà nghĩ”. Nhà thơ Dương Tường, nhà văn Châu Diên cho biết số họa sĩ và văn nghệ sĩ chia sẻ việc sáng tác tranh của Trần Trung Tín thời đó chỉ chừng 7 - 8 người. Tranh của Tín tặng không ai lấy, có người lấy xong thì vứt lăn lóc đâu đó.

Tác phẩm Bi kịch lạc quan, sơn dầu trên giấy ảnh, 20x25cm, 1980. Đây là tác phẩm đầu tiên mà Trần Trung Tín bán được năm 1989

Đạo diễn Tự Huy là bạn thân Trần Trung Tín nhớ lại: “Chúng tôi thường đi uống bia với nhau, tôi nghe những lời giải thích và bình luận nhiệt thành của một người nghệ sĩ đang sung sướng đến mê mẩn. Tôi hiểu rằng, anh đã tìm ra cách vượt lên trên cái thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống”, dẫn theo sách Tran Trung Tin: Paintings And Poems From Vietnam (Trần Trung Tín: Tranh và thơ từ Việt Nam, Asia Ink, năm 2002) của Sherry Buchanan.  

Theo Sherry Buchanan, cây bút của tờ Wall Street Journal International Herald Tribune, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một người bạn và là người sớm ủng hộ Tín. “Ông hâm mộ sự độc đáo, sự tự do về hình thức biểu đạt và sự tinh tế về màu sắc do Tín sáng tạo. Chủ nghĩa biểu hiện mạnh mẽ của Tín là cấp tiến so với hội họa Việt Nam những năm 1960 và 1970, vốn kết hợp phong cách cổ điển Pháp với hiện thực chủ nghĩa Xô viết”, Sherry viết.

Hết chiến tranh, Tín trở lại quê hương mình ở miền Nam Việt Nam. Ông bỏ lại những tấm tranh sơn dầu khổ lớn vẽ trên bao gạo trong căn phòng khóa cửa, còn những bức tranh trên giấy báo thì trao cho Tự Huy bạn mình cất giữ hộ từ trước đó. Các tấm tranh khổ lớn đã không thể nào khôi phục lại được. Nên di sản hội họa của Trần Trung Tín ngay từ đầu đã là sự thiệt thòi, mất mát, mà số tranh giấy còn lại (gửi đạo diễn Tự Huy giữ, hơn 300 bức) chỉ là một phần, dù rất đáng kể.


Tác phẩm Thiếu nữ, súng và hoa, sơn dầu trên giấy báo, 55x38cm, 1972

Cái đẹp không bị vùi chôn...

Cũng trong bài thơ kể trên còn có hai câu: “Chân lý không bị hành hình/Cái đẹp không bị vùi chôn...”. Bằng sự lạc quan và trong sáng đến kỳ lạ, Trần Trung Tín dừng làm thơ, viết văn vì không có chỗ in, cứ lặng lẽ vẽ như một sự giải tỏa. Tờ báo The Times nhận định: “Những bức tranh bi thiết với màu sắc rực rỡ”.

Khi tôi vẽ, nỗi buồn của tôi hoàn toàn biến mất. Tôi chỉ cảm thấy vui ghê gớm. Giờ đây cuộc sống đã có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình có thể vẽ ra bất cứ điều gì mình muốn nói với mọi người. Thế là tôi cứ mải miết vẽ, vẽ và vẽ - Họạ sĩ Trần Trung Tín

Trong sự nghiệp hội họa của ông, giai đoạn lý thú nhất chắc là 1969 - 1975, trong đó có chủ đề Thiếu nữ, súng và hoa, vẽ trên giấy báo cũ. Những thiếu nữ ngực để trần, khuôn mặt thanh tân, mờ ảo, vừa ôm súng AK vừa cầm đóa hoa... là một tạo hình táo bạo của thời đó. Giai đoạn kế tiếp là những năm mới trở lại TP.HCM (1976 - 1984), khi ông đi bước nữa với Trần Thị Huỳnh Nga, một thiếu phụ mất chồng trong chiến tranh, ông đi vào các chủ đề có tính cách triết lý về thân phận, kiếp người, trong đó có cả vấn đề thuyền nhân.

“Tôi sống như kẻ lang thang. Tôi không có nơi nào để vẽ. Một ngày tôi đợi Nga đi làm về và tôi bỗng bắt đầu vẽ trở lại. Nhà của cô ấy yên bình tuyệt vời. Tôi vẽ trên những tờ giấy ảnh mà cô ấy có, trong thời gian cô ấy là một người mê chơi chụp ảnh. Đứa con trai nhỏ của Nga nhìn tôi vẽ. Tôi vẽ một ông thánh ở bên ngoài một nhà thờ. “Vậy chú là ông thánh ở bên ngoài nhà thờ hả?”, Ti Ti hỏi: “Chú là ông thánh lang thang”. Vậy là tôi đặt tên bức tranh là Thánh lang thang”, Trần Trung Tín trả lời Sherry Buchanan.

Từ đầu thập niên 1990, qua sự phát hiện từ các nhà sưu tập cá nhân và sự kiên trì giới thiệu của bà Trần Thị Huỳnh Nga (chủ phòng tranh Không Gian Xanh tại TP.HCM), Trần Trung Tín đã được ghi nhận từ quốc tế trước tiên. Tranh của ông đã trải qua nhiều phiên giao dịch thành công, đạt giá bán khá cao, có bức tranh giấy bán được mấy chục ngàn USD.

Khi còn sống, nhà sưu tập Lê Thái Sơn cho biết một tổng giám đốc của Tập đoàn Prudential, từng làm việc tại Việt Nam những năm 1990, đã sưu tập mấy chục bức của Trần Trung Tín, đem đi triển lãm vài nơi với lòng tự hào. “Ông ấy là họa sĩ chân thật với chọn lựa và ý niệm của mình một cách hiếm thấy, nên tác phẩm đã đạt đến mức rung cảm khó cưỡng”, Lê Thái Sơn nhận xét.

“Với ông, ban đầu, hội họa chỉ là một phương tiện. Phương tiện tỏ lộ những ưu tư triết lý, các cảm thức mang tính thơ ca. Nhưng độc đáo là Trần Trung Tín đã không sa vào lối minh họa giản đơn. Vẽ theo “cảm, nghĩ”, và bằng “thiên tư”, ông đã tạo ra một thế giới hình hiệu rất riêng cho mình. Một thế giới vừa mang đậm màu sắc duy lý vừa hết sức trữ tình. Hình người trong tranh Trần Trung Tín có ý nghĩa thuần túy như khái niệm “người”. Nội dung tranh ông, được tạo thành bằng thế, bằng dáng nhân vật, và, sự liên hệ với những hình ảnh mang tính khái niệm khác. Xem tranh Trần Trung Tín, không thể không lưu ý đến tên tranh. Nhưng, nếu chỉ căn cứ vào đó mà diễn giải tranh ông, thì lại là điều “nguy hiểm”. Chính cách tạo hình như ngô nghê, như vụng dại lại chứa đựng những ý nghĩa biểu xúc khó tả. Nó mở ra nhiều liên tưởng như khi đối diện với tranh vẽ của trẻ con, của người nguyên thủy. Nó tác động trực tiếp. Tất nhiên, còn phải kể đến màu sắc của ông. Không chỉ đẹp. Nó còn là tiếng nói nhiều âm vang của cảm xúc, tình cảm. Bùi Xuân Phái đã từng phải nói: “Màu của Tín là màu trời cho”.

Chính vì vậy mà: “Nhiều, rất nhiều họa sĩ Việt Nam đã xem ông là một tấm gương dám sống hết mình cho nghệ thuật, một khích lệ cho hành động dấn thân. Và, cũng nhiều, rất nhiều họa sĩ, đã nợ nần ông một cách nhìn, một cách biểu hiện trong hội họa. Thậm chí, còn nợ ông đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về hình họa, về màu sắc…”, theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm