Họa sĩ Trần Trọng Vũ và tiểu thuyết đầu tay: Tôi viết để thử thách mình

05/04/2014 15:25 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Sống và làm việc ở Pháp, thành danh trong giới mỹ thuật người Việt ở nước ngoài, Trần Trọng Vũ (*) tiết lộ môn nghệ thuật đầu tiên anh say mê lại là văn chương. Thật bất ngờ khi trong lần trở về Việt Nam này, anh báo tin sắp in tiểu thuyết đầu tay bằng tiếng Việt.

Tiểu thuyết mang tên Thành phố bị kết án biến mất, đang được chuẩn bị để phát hành tại Việt Nam trong thời gian tới. Đó là tác phẩm nằm trong dự án “Hình ảnh - Ngôn từ” dài hơi mà họa sĩ đang thực hiện. Gặp lại Trần Trọng Vũ sau hơn 1 năm (tháng 1/2013, anh đã chia sẻ những trải nghiệm sau thời gian làm giảng viên thỉnh giảng tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội trên TT&VH Cuối tuần - số 51, tháng 12/2012), câu chuyện của anh lần này mang nhiều màu sắc cá nhân mà lâu nay ít được bộc lộ.

Tác phẩm sắp đặt Thư của chỉ một người của anh vừa được trưng bày tại không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội, từ 19 đến 23/3. Trần Trọng Vũ có buổi nói chuyện tại đây hôm 19/3. Chuyện trò thêm với anh sau sự kiện, TT&VH Cuối tuần đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

21 năm ở Paris mơ về Hà Nội

Thay vì nói về tác phẩm sắp đặt mới (Thư của chỉ một người, trưng bày tại không gian nghệ thuật Manzi, Hà Nội, từ 19 đến 23/3), Trần Trọng Vũ chia sẻ về “21 năm mơ về Hà Nội” trong đời anh. Anh bắt đầu: “Tôi đã rời Việt Nam ra đi từ 24 năm trước. Nhưng trong vòng 21 năm đầu tiên sống xa Việt Nam, khi ngủ tôi luôn mơ thấy mình đang ở Hà Nội. Có thể là trong căn phòng của tôi ở nơi tôi sống cùng gia đình bấy giờ, có thể là ở Trường Đại học Mỹ thuật hoặc một góc phố nào đó”.


Họa sĩ Trần Trọng Vũ trò chuyện với đồng nghiệp tại Hà Nội

“Sau 21 năm ấy, tôi mới bắt đầu mơ thấy mình ở một nơi nào đó khác không phải là Hà Nội mà là ở nước Pháp. Sự thay đổi này giống như một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn bởi đây là lần đầu tiên vô thức tôi nhận thấy mình đang sống ngoài Việt Nam. Cũng từ đó, một nhu cầu khác xảy đến với tôi: về thăm lại bản thân mình”.

“Cuộc đào bới cá nhân” này, theo họa sĩ, không phải là gạn lọc quá khứ mà là tìm kiếm “những khả năng của tôi, những gì tôi đã có và không thể có được”.

Viết và vẽ như là hít thở

“Tôi đọc sách từ bé, khi mới biết chữ, lúc 5 tuổi. Đấy là một lựa chọn cá nhân” - Trần Trọng Vũ chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về tình yêu văn chương, tình yêu lớn ít được nhắc đến của anh. Như bản năng nghệ sĩ thôi thúc, ngay từ bé, Vũ không đọc sách thiếu nhi mà tìm ngay đến các tác phẩm kinh điển. Vũ thích Shakespeare, Bernard Shaw, Arthur Miller… và từng tự mình viết những vở kịch hàng trăm trang nhưng rồi lại hủy đi hết.

“Tôi nghĩ từ hồi đó mình đã già trước tuổi, về sau vẫn tiếp tục già thêm mãi cho đến tận bây giờ” - Vũ đùa.

Hiện, anh nghĩ mình không đủ hồn nhiên để bị “lừa” bởi những mánh khóe văn chương cũ, của những tác phẩm thời bé anh từng say mê. Văn học đương đại Pháp có nhiều trên tủ sách của anh. Anh đọc sách theo cách khác, chú ý nhiều hơn đến thủ thuật ngôn từ của nhà văn - có lẽ là phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi chính anh đang bắt tay vào viết, theo kiểu sẽ xuất bản chứ không còn giữ cho riêng mình.

Hội họa và văn chương là hai lĩnh vực nghệ thuật cách xa nhau. “Trước đây, khi tôi vẽ một bức tranh, tôi hầu như vứt đi toàn bộ kiến thức của mình về văn chương vào một xó. Còn đến khi tôi cầm bút viết, tôi buộc phải quên đi những hiểu biết của mình về hội họa”.

Nhưng đến nay, cách sáng tác đó không còn nữa. Trong 3 năm “không còn mơ về Hà Nội”, Trần Trọng Vũ thấy mình bắt đầu có thể kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh - điều này khiến chính anh ngạc nhiên. Đó là lý do vì sao tiểu thuyết Thành phố bị kết án biến mất tràn ngập hình ảnh còn sắp đặt Thư của chỉ một người tràn ngập ngôn từ.

“Hình ảnh và ngôn từ, hai phương tiện diễn đạt gắn liền với con người, lại cách xa nhau vô cùng. Nhưng điều đó giống như con người khi hít thở, hít và thở là hai động tác hoàn toàn trái ngược nhưng nếu thiếu một trong hai thì con người không thể nào sống được, và họ phải sống với toàn bộ sự mâu thuẫn đó”.


Bìa dự kiến của cuốn sách Thành phố bị kết án biến mất

Tiểu thuyết Trần Trọng Vũ dễ đọc hay khó đọc?

“Từ nhiều năm nay, tôi cho rằng, tôi có khả năng xây dựng hình ảnh và chắp nối những ngôn từ với nhau để bộc lộ bản thân. Vậy tại sao không kết hợp cả hai khả năng này để làm tác phẩm?” - Vũ nói về tác phẩm mới nhất công bố ở Việt Nam của anh.

Cuối cùng, tác phẩm đó hóa thành một dự án nhiều tác phẩm, đến nay đã lên đến con số 6, bao gồm cả sắp đặt đơn thuần hình ảnh, sắp đặt có ngôn từ, tác phẩm kết hợp cả hình ảnh và thơ, một cuốn sách do 31 nghệ sĩ văn chương và hội họa viết-vẽ chung, và một tiểu thuyết do mỗi mình anh viết. Đó chính là cuốn Thành phố bị kết án biến mất.

Cuốn tiểu thuyết dày 292 trang, không có dấu phẩy, gồm 3 nhân vật chính và diễn ra trong 24 tiếng đồng hồ của một ngày Chủ nhật. Không giống như những nhà văn khác kể một câu chuyện, Vũ viết tiểu thuyết để nói lên quan niệm của anh về hình ảnh và ngôn từ. Cụ thể hơn: tác giả dùng ngôn từ để kể hình ảnh cùng cách ứng xử của các nhân vật của anh với hình ảnh. Anh muốn thử thách mình với lối viết đó.

Thành phố bị kết án biến mất lấy bối cảnh một thành phố ẩm ướt, nơi có 3 người đàn ông không quen cùng mang nặng trong lòng những hình ảnh nhiều uẩn khúc. Ngày Chủ nhật im lặng của họ biến động dữ dội bởi sự xuất hiện của một phụ nữ bí ẩn khao khát tình yêu. Nhưng cốt truyện không phải là mục đích của cuốn tiểu thuyết mà chỉ là phương tiện.

“Tôi không thể nói rằng tôi khó hiểu hay dễ hiểu hơn Trần Dần (cha anh, một tên tuổi lớn của nền văn học Việt Nam - TT&VH Cuối tuần) và Thuận (vợ anh, một cây viết đáng chú ý trên văn đàn Việt Nam tại nước ngoài với các tiểu thuyết: Phố Tàu, T.mất tích, Vân vi - TT&VH Cuối tuần). Dễ và khó đối với một số người là khác nhau. Thu nhặt được gì từ một cuốn sách, điều đó phụ thuộc vào độc giả. Tôi chỉ muốn họ đọc được tôi viết như thế nào, mặc dù sách của tôi cũng có tình yêu và thất vọng, có nước mắt, và tất cả những chua cay mặn nhạt mà họ cần” - Vũ nói.

Theo Trần Trọng Vũ, dự án sẽ không dừng lại ở đó. Nếu có thể, anh muốn sáng tác thêm và hy vọng có dịp triển lãm toàn bộ dự án cùng một nơi. Nếu vậy, địa điểm triển lãm phải đủ rộng để có sức chứa những tác phẩm sắp đặt kích cỡ lớn của anh. Như tác phẩm Thư của chỉ một người ở Manzi chiếm nguyên một căn phòng vốn dùng để ngồi cà phê.

Tôi thấy lạc lõng ở bất cứ đâu

Khả năng thích nghi của tôi rất kém. Tôi ở Hà Nội 25 năm mà không thể hòa nhập, luôn cảm thấy mình như từ nơi khác đến. Khi tôi ở Pháp, cảm giác vẫn hệt như thế. Tôi thấy mình không thuộc về Paris cũng như không thuộc về Hà Nội. Tôi thấy lạc lõng ở bất cứ đâu - họa sĩ Trần Trọng Vũ

(*) Trần Trọng Vũ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là con của nhà thơ - nhà văn Trần Dần và là chồng của nhà văn Thuận. Nhà toán học Ngô Bảo Châu, từng sống 17 năm tại Paris, nhiều lần nhắc đến anh trong các bài viết như một người bạn lớn. Họa sĩ được trao giải Pollock-Krasner 2011-2012, bởi Quỹ nghệ thuật Jackson Pollock - Lee Krasner tại New York (Mỹ). Đây là một quỹ quốc tế uy tín chuyên hỗ trợ các nghệ sĩ có tài năng đã được công nhận.

Bài và ảnh: Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm