Hồ Hưng và hành trình thăng hoa cùng màu nước

24/10/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân đầu tiên ở nước ngoài của Hồ Hưng có tên Mỗi ngày đang diễn ra tại Pendhapa Art Space (Yogyakarta, Indonesia), giới thiệu 22 tác phẩm màu nước vẽ phong thổ Việt Nam. Điều thú vị là trong triển lãm ấy, Hồ Hưng còn đi vẽ trực họa phong thổ tại Java - hòn đảo lớn nhất Indonesia - để rồi ngày 21/10 vừa qua, anh bổ sung thêm 15 bức màu nước khổ nhỏ vào triển lãm này.

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Số phận kỳ lạ của một kiệt tác hội họa Việt Nam

Bức tranh sơn dầu Bình văn được họa sĩ Lê Văn Miến vẽ vào khoảng 1898- 1905 (trước thời điểm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương ít nhất 20 năm).

Hồ Hưng (sinh 1980, Nghệ An) quan niệm hội họa là cuộc sống, là tiếng nói từ tâm can, là vinh, là nhục, là vui, là buồn… trước cuộc sống.

Chọn một con đường hẹp

Dù về mặt lý thuyết và lý luận thì vật liệu chỉ là phương tiện, không cao không thấp, ăn thua là ở khả năng làm chủ vật liệu của từng họa sĩ. Nhưng thực tế thì màu nước (watercolor/ aquarelle) vẫn là vật liệu có những lép vế nhất định, từ sáng tác cho đến thị trường, giá bán…, thậm chí cả thu hút phê bình, định vị danh tiếng. Vì vậy mà, ai chọn màu nước để sáng tác, cho thấy người ấy dũng cảm, hoặc nhắm mắt làm liều. Hồ Hưng có lẽ là một trường hợp như vậy.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hồ Hưng bên tác phẩm “Góc vườn xinh” (màu nước, 80cm x 120cm, 2018)

Hồ Hưng tốt nghiệp khoa sơn dầu, vật liệu với nhiều người là “danh giá hơn”, vì tranh thường được mặc định là dễ được thu hút và bán giá cao hơn. Một giai đoạn từ 2009 đến 2014, Hồ Hưng cũng dành nhiều tâm huyết cho chất liệu sơn dầu. Tuy nhiên màu nước lại là một cơ duyên tiềm ẩn, nó như sắp đặt sẵn.

Năm 2005, lần đầu tiên vào Sài Gòn tìm cơ hội sống và sáng tác, cuộc sống của Hưng đầy mông lung. Rồi, anh may mắn được nhận vào làm tại một công ty phim hoạt hình Nhật Bản. Mọi thứ liên quan đến màu nước bắt đầu từ đây. Công việc hàng ngày của anh là vẽ cảnh nền cho phim hoạt hình, lấy hiện thực làm cơ sở cho bối cảnh. Từ đó Hồ Hưng được tái đào tạo với những điều căn bản nhất như hình vuông, tròn, trụ… và về nguyên lý thị giác, ánh sáng, cấu trúc, chất liệu và trạng thái sự vật… Mỗi ngày được vẽ màu nước từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ, nên vật liệu này thấm vào cái cảm về mỹ thuật của Hưng từ đó.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Góc vườn xinh” (màu nước, 80cm x 120cm, 2018) đang trưng bày tại Pendhapa Art Space, Indonesia

Đã kinh qua nhiều vật liệu, nhưng màu nước cho Hồ Hưng một cái cảm trọn vẹn nhất, sau đó giống như là hơi thở. Cái gì cũng phải trả phí trong cuộc sống này cả, khi những tác phẩm màu nước của Hồ Hưng được chào đón cũng như đạt khá nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là kết quả của sự kiên trì rèn luyện mỗi ngày, suốt 15 năm qua. Và với Hồ Hưng, màu nước không hẳn là vật liệu, là chất liệu trong hội họa, mà đã là tình yêu, là cảm xúc bất tận.

Bắt đầu chạm vào ý, sự, tình

Nếu nhìn từ triển lãm có tên Màu nước tại phòng tranh Tự Do (TP.HCM) hồi tháng 6/2013, tác phẩm màu nước của Hồ Hưng bây giờ đã là một bước tiến khá dài. Nó đã bớt sự vội vã, vồ vập để ngắm nhiều hơn nhìn, nhìn nhiều hơn thấy, miêu nhiều hơn tả, nội tâm nhiều hơn ngoại giới…

Cũng với những hình ảnh đơn sơ, thân thuộc, nhưng nếu Màu nước mới dừng lại ở việc nắm bắt vẻ đẹp bên ngoài của cảnh vật, thì đến Mỗi ngày đã bắt đầu chạm vào ý, sự, tình của phong thổ. Trong mỗi tác phẩm vẽ phong thổ Việt Nam, dường như Hồ Hưng luôn muốn bỏ vào đó một chút không khí của văn hóa Đông phương, một chút ca dao của Bắc Trung bộ, một chút âm hưởng của thơ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Yên bình” (màu nước, 82cm x 200cm, 2019) đang trưng bày tại Pendhapa Art Space, Indonesia

Theo Hồ Hưng, đối với một họa sĩ màu nước thì việc hiểu rõ nguồn gốc của từng loại màu cũng quan trọng như việc làm chủ kỹ thuật sáng tác, bởi vì độ loang màu trên bề mặt giấy rất khác nhau. Đây có lẽ cũng là rào cản làm cho nhiều người sau khi tiếp xúc với màu nước thì đã bỏ cuộc.

Từ việc dùng màu nước để dạy vẽ, để ký họa ngẫu hứng cho đến việc sử dụng màu nước để đi trên con đường sáng tác chuyên nghiệp là cả một khoảng cách rất xa xôi, đây cũng là một đặc thù, một khác biệt của vật liệu. Ở Việt Nam số người dùng màu nước để vẽ thì rất nhiều, nhưng để gọi là một họa sĩ dùng màu nước để sáng tạo đúng nghĩa, chuyên nghiệp thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Năm 2020, Hồ Hưng sẽ đi nhiều nước ở châu Âu để trực họa màu nước trong một tháng, ngay sau đó sẽ trưng bày cá nhân tại Hà Lan. Đường của Hồ Hưng còn khá dài, nhiều gian lao và thử thách, nhưng bắt đầu như vậy đã đáng mừng. Chỉ một thời gian nữa thôi, với một chút độc sáng và một chút may mắn, Hồ Hưng sẽ trở thành một sĩ màu nước đáng chú ý của Việt Nam.

Hiền Hòa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm