Hiểu thêm 'tiếng nói dân tộc' từ thơ Nguyễn Trãi

01/08/2014 08:03 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) -Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi ra đời trước Truyện Kiều của Nguyễn Du rất lâu, nhưng Từ điển Truyện Kiều được biên soạn giữa thế kỷ trước còn từ điển về Quốc âm thi tập nay mới ra đời.

Từ điển Truyện Kiều là tác phẩm của một học giả lớn của thế kỷ 20, cụ Đào Duy Anh, còn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển do TS Trần Trọng Dương, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Hán Nôm, biên soạn. Nguyễn Trãi quốc âm từ điển vừa ra mắt trong tháng 7 này, được giới chuyên môn đánh giá cao.

GS Trần Ngọc Vương đánh giá về Nguyễn Trãi quốc âm từ điển: “Cuốn sách góp phần làm sáng tỏ bước đi của lịch sử ngôn ngữ, cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Đồng thời, cuốn sách cũng có dấu tích văn hóa ở chỗ đánh dấu sự phát triển của tiếng Việt, của tư duy và văn hóa Việt. Điều này rất ý nghĩa”.


TS Trần Trọng Dương và tác phẩm Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển

“Trong lịch sử phát triển ngôn ngữ của các quốc gia châu Âu, chỉ đến khi xuất hiện số ít nhà văn, nhà thơ, dịch giả nào đó thì tác phẩm của họ mới đủ tầm để đưa ngôn ngữ đó trở thành “tiếng nói của dân tộc” – GS Trần Ngọc Vương nói với Thể thao & Văn hóa.

Đây là tác phẩm khảo sát 2.500 mục từ của tác phẩm thơ Quốc âm thi tập (cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15). Cuốn từ điển này, cũng như Từ điển Truyện Kiều, là những cuốn sách hiếm hoi làm theo hướng nghiên cứu hành trình phát triển của ngôn ngữ dân tộc, gắn với bối cảnh lịch sử, văn hóa.

Chẳng hạn, tác phẩm Shakespeare đối với tiếng Anh, tác phẩm của Pushkin đối với tiếng Nga hay tác phẩm của Dante đối với tiếng Italy.

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi gồm 254 bài. Với tác phẩm này, ông được xem như nhà thơ lớn đầu tiên viết thơ chữ Nôm, đồng thời cũng là người sáng tác thơ Nôm đoản thiên có số lượng nhiều bậc nhất của dân tộc.
Theo GS Vương, Quốc âm thi tập đối với Việt Nam có giá trị tương tự Kinh Thi của Trung Quốc, đạt tầm kinh điển đối với một quốc gia. Điều sai lầm là lâu nay người Việt vẫn nghiên cứu Quốc âm thi tập như một tác phẩm văn học bình thường, chứ không phải một tác phẩm có tính cách tân và chuẩn mực về ngôn ngữ. Nguyễn Trãi quốc âm từ điển đã thay đổi điều đó.

Bởi, một công trình từ điển như TS Trần Trọng Dương làm về Quốc âm thi tập là hoàn toàn cần thiết, và còn là khá muộn đối với tác phẩm thơ được coi là “biến cố lớn của văn học dân tộc” này.

Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển dày 478 trang, do NXB Từ điển bách khoa ấn hành.

Đỗ Hùng - Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm